Khoa Báo chí - Truyền thông

GIỚI THIỆU KHOA BÁO CHÍ - TRUYỀN THÔNG

Khoa Báo chí – Truyền thông (tiền thân là Bộ môn Văn - Quản lý xã hội, thành lập tháng 4 năm 2006, được nâng cấp thành Khoa Văn- Xã hội theo Quyết định số 372/QĐ – ĐHTN ngày 02/4/2009 của Giám đốc ĐHTN) là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực báo chí - truyền thông, xuất bản, sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy văn chương, văn hoá ở trình độ đại học và sau đại học. Trải qua 14 năm trưởng thành và phát triển, Khoa đã đào tạo được nhiều lao động có trình độ cao, nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của Khoa đã đạt các giải thưởng về nghiên cứu khoa học, giảng dạy, báo chí, văn học nghệ thuật.

Từ 2006 đến 2013: Khoa đã có những bước phát triển nhanh chóng với 7 ngành đào tạo trình độ Cử nhân bao gồm: Văn học, Khoa học quản lý, Công tác xã hội, Việt Nam học, Du lịch, Báo chí và Luật học cùng đội ngũ 73 giảng viên và quy mô hơn 2000 sinh viên.

Từ 2013 đến 03/2018: Ngoài nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ Đại học cho các ngành Văn học, Du lịch, Việt Nam học và Báo chí, Khoa đảm trách thêm mảng đào tạo Sau đại học ngành Ngôn ngữ, Văn hoá và Văn học Việt Nam.

Từ 03/2018 đến nay: Do nhu cầu và cơ hội phát triển của một số ngành vốn trực thuộc Khoa, Khoa Văn – Xã hội chính thức được đổi tên thành Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học (theo Quyết định số 210/QĐ-ĐHKH ngày 18/03/2018) để tập trung vào các ngành đào tạo thế mạnh, đặc biệt là Báo chí.

I. SỨ MỆNH VÀ PHƯƠNG CHÂM ĐÀO TẠO

Khoa Báo chí – Truyền thông có sứ mệnh cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông, xuất bản, sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy văn chương, văn hoá. Để đáp ứng nhu cầu xã hội, phương châm đào tạo của Khoa chú trọng kỹ năng nghề gắn liền thực tế, đa dạng hóa hình thức đào tạo và môi trường học tập, cập nhật xu hướng, hội nhập quốc tế.

Khoa Báo chí - Truyền thông đã triển khai nhiều học phần tại các cơ sở, địa bàn thực tế, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên được thực hành tác nghiệp. Khoa đã tổ chức nhiều sự kiện, chương trình ngoại khóa mang tính chuyên môn cao, có hiệu ứng xã hội tốt, góp phần hiệu quả cho công tác đào tạo và thực hành nghề như: Tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu qua nghi lễ Hầu đồng (2010), Chương trình kỉ niệm 10 năm ngày mất của cố nhạc sĩ họ Trịnh “Trịnh Công Sơn - Một tấm lòng” (2011), Chương trình Tết Việt (2012), Chương trình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim Việt Bắc (2013). Khoa đã tổ chức giao lưu ngoại khóa cho sinh viên với nhà báo người Pháp Jean - Pierre Tailleur với chủ đề “Đưa tin khách quan” (2014); tổ chức thành công chương trình “Ngày hội Sách” (2014); tổ chức ngoại khóa Truyện Kiều với đời sống đương đại (2015) nhân dịp kỉ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du; tổ chức cuộc thi ảnh  “Nụ cười sinh viên” (2015); tổ chức thành công hoạt động chuyên môn “Trải nghiệm làm Báo” cho sinh viên ngành Báo chí (2016); tổ chức cho sinh viên ngành Báo chí tham dự hội thảo “Phát thanh với vấn đề bình đẳng giới” năm 2016 và hội thảo “Phát thanh với thể thao” (2017) tại Đài truyền hình Việt Nam VOV,...

Khoa đã tổ chức nhiều seminar chuyên ngành hữu ích như: “Quan niệm nghệ thuật về con người và triết lí nhân sinh trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên” (2015), “Đối thoại các nền văn hoá qua ngôn ngữ” do diễn giả GS. TS. Lê Hữu Khóa (CH Pháp) trình bày (2015), “Tác phẩm văn học từ đọc hiểu đến chuyển thể kịch bản” (2015), Hợp tác phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khu vực: Phát triển khu vực và sự bền vững ở châu Âu và Đông Nam Á, do diễn giả Detlef Briesen, CHLB Đức thuyết trình ( 2016),  “Nghiên cứu và đào tạo báo chí  trong thời đại 4.0” (2018),... Đặc biệt, Khoa đã tổ chức thành công hai hội thảo lớn với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, học giả, chuyên gia uy tín trong cả nước: Hội thảo Hành trình khám phá sắc màu văn hóa dân tộc miền núi phía Bắc (2014) và Hội thảo “Văn học ứng dụng” (2018).

Khoa cũng phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên và nhiều cơ quan khác đồng tổ chức nhiều sự kiện, chương trình ý nghĩa như: Hội thảo ngành dệt truyền thống các nước Asean (2012), triển lãm “Giấy xưa và nay” (2013, 2014),  đêm Trà và Thi ca (Festival Trà Thái Nguyên 2015) hay chương trình “Báo chí đương đại với đời sống xã hội" (2014).

Trong bối cảnh hiện nay, Khoa và Nhà trường đã kí kết và mở rộng hợp tác đào tạo với nhiều đơn vị báo chí - truyền thông như: VTC News, Báo Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên, Đài PT - TH Thái Nguyên , Báo Người Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Báo Giáo dục và Thời đại... nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên thực tế, thực tập và gắn kết hoạt động đào tạo với thực hành nghề nghiệp. Khoa cũng mở rộng hợp tác – liên kết đào tạo với Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH&NV (Viện Ngôn ngữ, Viện Văn học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư, Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật VN, Viện Dân tộc học…) và các cơ quan thông tấn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo và nhiều sự kiện mang tính nghề nghiệp.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ ĐỘI NGŨ

Ban chủ nhiệm Khoa 

  1. TS. Phạm Chiến Thắng - Trưởng Khoa
  2. TS. Nguyễn Thị Trà My - Phó Trưởng Khoa

Hiện tại, Khoa có đội ngũ gồm 11 cán bộ, giảng viên, trong đó có 3 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh và 4 thạc sĩ, 1 HV CH.

III. GIẢI THƯỞNG/KHEN THƯỞNG 

+ Năm 2009: 01 Giải Ba giải thưởng “Sinh viên Nghiên cứu Khoa học toàn quốc”;

+ Năm 2011: 01 Giải Khuyến khích giải thưởng “Sinh viên Nghiên cứu Khoa học toàn quốc”;

+ Năm 2012: 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam”;

+ Năm 2013: 01 Giải Nhì giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam”;

+ Năm 2014: 01 Giải Nhì, 02 Giải Khuyến khích giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam”;

+ Năm 2016: 01 Giải Nhất Sáng tạo trẻ (Tỉnh Đoàn Thái Nguyên tổ chức).

Liên hệ: 

Website: http://fjc.tnus.edu.vn/