PGS.TS. PHẠM THỊ PHƯƠNG THÁI – MÃI MÃI MỘT NIỀM YÊU NGHỀ!

Ngày: 01/08/2024

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống văn chương

PGS.TS. Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Phương Thái sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống tại chiến khu Việt Bắc xưa và Thái Nguyên ngày nay. Từ nhỏ, cô đã được nuôi dưỡng trong một môi trường đậm chất văn chương. Cha của cô, nhà giáo Phạm Luận, là một người thầy mẫu mực, đam mê với văn chương cổ điển và có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại. Với tình yêu mãnh liệt dành cho chữ nghĩa và sự tận tâm trong công việc giảng dạy, thầy là tấm gương sáng, là nguồn cảm hứng theo đuổi văn nghiệp cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có hai cô con gái Phạm Thị Phương và Phạm Thị Phương Thái.

Ảnh 1: Nhà giáo Phạm Luận - người Cha, người Thầy, người truyền cảm hứng văn chương cho PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái

Tuổi thơ của cô Phương Thái gắn liền với những ký ức về thời chiến tranh và bao cấp khó khăn nhưng luôn ngập tràn hạnh phúc. Mỗi tối, bên ánh đèn dầu, cô lại được nghe người cha kính yêu kể những câu chuyện Đông Tây kim cổ, ngâm nga những bài thơ đậm chất triết lý, lảy những câu Kiều, những khúc ngâm khi sâu lắng, ngọt ngào, khi thiết tha, sầu muộn của những bậc hiền nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm… Những câu chuyện, lời thơ ấy giúp cô hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu sau này. Có thể nói, PGS Phạm Thị Phương Thái vừa là con gái, vừa là học trò, là truyền nhân đi theo hướng nghiên cứu về văn học trung đại mà người cha uyên bác của mình đã dành trọn cả đời để say mê.

Truyền thống văn chương của gia đình không chỉ ảnh hưởng đến niềm đam mê nghiên cứu mà còn định hình nhân cách và phong cách làm việc của cô. Say mê tìm tòi, cẩn trọng với từng con chữ của văn học trung đại Việt Nam, băng suối, vượt đèo đến các bản làng xa xôi để khám phá những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam..., cô còn là một người thầy tận tụy, luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và truyền lửa cho các thế hệ học sinh, sinh viên và học viên cao học sau này. 

Đi theo tiếng gọi con tim với khát khao được cống hiến

PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình với vai trò là một giáo viên dạy Ngữ Văn tại trường THPT Đồng Hỷ từ tháng 10/1993. Tại nơi đây, cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đánh thức niềm đam mê văn bằng những tiết học sinh động, giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của văn chương và hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc. 

Tháng 9/2001, với nhiệt huyết và khát khao nâng cao trình độ chuyên môn, cô Phương Thái nhận lời mời chuyển sang làm giảng viên tại Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Đây là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của cô, đánh dấu sự chuyển mình từ môi trường giáo dục phổ thông lên bậc đại học. Tại đây, cô không chỉ giảng dạy mà còn tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, viết báo, và hướng dẫn sinh viên, học viên cao học làm luận văn. Những năm tháng tại Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên đã giúp cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu ở trình độ cao.

Nghe theo lời “chiêu mộ hiền tài” của PGS.TS Nông Quốc Chinh – Nguyên Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, tháng 6/2006 cô giáo Phương Thái quyết định chuyển về làm Trưởng Bộ môn Văn – Khoa học Quản lý của Khoa Khoa học Tự nhiên sau đổi tên thành Khoa Khoa học Tự nhiên và Xã hội và hiện nay là Trường Đại học Khoa học, với mong muốn chung tay xây dựng và phát triển Nhà trường, đặc biệt là gây dựng nền móng cho khối ngành khoa học xã hội. Đây là quyết định mang tính chiến lược, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm lớn lao của cô đối với sự nghiệp giáo dục và khoa học của Trường Đại học Khoa học nói riêng của Đại học Thái Nguyên nói chung.

 

Người khai sơn phá thạch với những ý tưởng táo bạo

Quyết định chuyển về Khoa học Tự nhiên và Xã hội từ khi chưa có sinh viên khối ngành khoa học xã hội, cô Phương Thái đã thể hiện rõ vai trò của người “khai sơn phá thạch” khi tham gia chắp bút viết nhiều đề án mở các ngành đào tạo khối ngành này. Trong thời gian công  tác tại Trường Đại học Khoa học, cô đã đảm nhận nhiều vai trò quan trọng về chuyên môn như: Trưởng Bộ môn Ngữ văn, Trưởng Bộ môn Việt Nam học, Trưởng Bộ môn Khoa học Quản lý, Trưởng Bộ môn Công tác Xã hội, Bí thư Chi bộ - Trưởng khoa Văn – Xã hội, Bí thư Chi bộ - Trưởng Khoa Du lịch, Bí thư chi bộ Khoa Luật… và nhiều vị trí quan trọng khác. 

Với phương châm “học đi đôi với hành”, muốn tạo ra “màu sắc riêng thể hiện bản chất của các ngành đào tạo”, PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái cũng là người tiên phong trổ ra nhiều hướng đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội. Cô luôn cổ vũ, thúc đẩy, thường xuyên giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu, viết bài báo khoa học các cấp, tổ chức các hoạt động ngoại khóa chuyên môn theo đặc trưng từng ngành, kết nối để giảng viên học tập nâng cao trình độ... Năm 2010, lần đầu tiên Khoa Văn – Xã hội có giải Ba – Giải thưởng NCKH sinh viên toàn quốc. Trong vòng 3 năm liên tiếp 2012, 2013, 2014, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái đã trực tiếp hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt 01 Giải Nhất, 03 Giải Nhì Giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ toàn quốc. Để rồi các năm sau đó, dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của cô Phương Thái và các giảng viên trẻ Trường Đại học Khoa học, sinh viên các ngành Khoa học xã hội của Nhà trường đã tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, góp phần khẳng định chất lượng và thương hiệu đào tạo của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà. 

Những người từng tiếp xúc và làm việc với cô Phương Thái đều có chung cảm nhận: Lúc nào trong đầu cô cũng ăm ắp các ý tưởng, mà ý tưởng nào cũng lạ, cũng sáng tạo, rất táo bạo, chẳng giống ai. Bất cứ điều gì cô gặp trong cuộc sống đều có thể thành những gợi ý nào đó cho hoạt động giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Đi chùa gặp hát chầu văn cô đã nảy ra ý tưởng về chương trình ngoại khóa Nghi lễ hầu đồng với 6/36 giá đồng được trình diễn ngay trên sân khấu Hội trường A; đi hội chợ Xuân cô về phát động toàn Khoa tổ chức Hội chợ gây quỹ từ thiện ủng hộ Tết thiếu nhi vùng cao từ Bắc Kạn, Thái Nguyên đến Tuyên Quang; cùng bạn bè dạo phố Hà Nội mùa thu, cô lên ý tưởng Khoa Văn – Xã hội tổ chức chương trình Dịu dàng sắc thu với biết bao sáng tạo độc đáo của học trò từ khâu trang trí sân khấu tới nội dung chương trình. Là người sâu sắc, có tài năng ca hát, cô và đồng nghiệp trong và ngoài khoa đã thể hiện tình yêu thiết tha với nhạc Trịnh bằng chương trình Trịnh Công Sơn – Một tấm lòng không thể nào quên. Còn nhiều, thật nhiều các chương trình như: Nhà quản lý tương lai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim Việt Bắc, Lễ Vu Lan báo hiếu, Ngày Hội sách, Khóa Tu học đoản kỳ xuất gia, Câu lạc bộ Mõ TV, Tập san Bút trẻ Khoa học…. Rất nhiều chương trình ngoại khóa đậm đà dấu ấn văn chương, văn hóa của khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn ấy, người khởi sướng, chỉ đạo điều hành là cô Phương Thái, đều để lại những dấu ấn đậm sâu, không thể phai mờ trong lòng biết bao thế hệ học trò đã từng học tập, gắn bó dưới mái nhà Khoa Văn – Xã hội và Trường Đại học Khoa học trong suốt những năm tháng qua.

Những đóng góp to lớn của PGS.TS Phạm Thị Phương Thái đã góp phần quan trọng vào sự phát triển trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng và của Trường Đại học Khoa học nói chung. Về công tác tại Trường từ khởi nguyên, chưa tuyển sinh đến thời kỳ vàng son với quy mô Khoa Văn – Xã hội lên đến 7 ngành đạo tạo, hơn 70 cán bộ và trên 2000 sinh viên, vị nữ  Phó Giáo sư đầy tâm huyết ấy đã chèo chống con thuyền “khoa học xã hội” qua nhiều chông gai, sóng gió với một ý chí vững bền và tình yêu chưa bao giờ vơi cạn. Mỗi lần chia tách hoặc sáp nhập các ngành do sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, hoặc có khi là do bài toán tuyển sinh… là một lần cô thao thức, nghĩ suy, trăn trở tìm cách trổ ra hướng đi mới. Nhưng dù ở thời điểm nào, khoảnh khắc nào, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự tận tâm và niềm yêu thiết tha của cô với công việc, sự quan tâm ân cần của cô tới từng giảng viên và mỗi học trò luôn chẳng đổi thay. Cô nhớ như in từng câu chuyện tưởng như vụn vặt của mọi người, thương cảm với từng mảnh đời bất hạnh và tha thiết lo lắng cho cuộc sống của đồng nghiệp, kết nối tìm kiếm việc làm cho học trò… như thể đó là con, cháu của chính mình vậy. Tình cảm ấy, ân tình ấy, không phải lãnh đạo nào, nhà quản lý nào cũng có được và làm được! 

Niềm yêu thiết tha với văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam

PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái không chỉ là một nhà giáo, nhà nghiên cứu, mà còn là một người mang trong mình niềm yêu thiết tha với văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Cô luôn khao khát đặt chân đến các vùng đất xa xôi hẻo lánh, từ miền biên viễn cực Bắc của tổ quốc, phên dậu miền Trung, dải đất Tây Nguyên đầy nắng gió hay miền Nam xa xôi hay để cùng ăn, cùng ở, cùng sống với bà con. Những bước chân không mệt mỏi, những chuyến công tác cùng đồng nghiệp từ mờ sáng, trở về lúc đêm khuya, những ngày băng thác, vượt rừng với muôn vàn kỷ niệm và trải nghiệm đã tạo nên những dấu ấn không thể quên trong hành trình sống và công tác của nữ Phó Giáo sư nặng lòng với miền núi. Những năm tháng ấy cũng đã giúp cô thỏa nguyện niềm tự hào và tình yêu vô bờ bến với vốn văn hóa quý giá của đất nước mình.

Cô Phương Thái đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu quan trọng về chính sách, văn hóa, và ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số. Có thể kể đến hàng loạt bài báo, cuốn sách và đề tài của cô về lĩnh vực dân tộc thiểu số như: Nghiên cứu đời sống tâm linh của người Sán Chi qua nghi lễ vòng đời; Khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, Những giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển các tộc thiểu số rất ít người ở nước ta hiện nay, Hành trình khám phá sắc diện văn hóa dân tộc thiểu số, Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu từ góc nhìn văn hóa; Sinh kế dựa vào tri thức khai thác nguồn lợi tự nhiên của dân tộc thiểu số rất ít người khu vực Tây Bắc Việt Nam, Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với dân tộc thiểu số rất ít người nhìn từ góc độ không gian sinh tồn, Factors affacing access to reproductive healthcare services of ethnic minority women: evidence in Viet Nam, Employment issues among ethnic minorities: the case of Vietnam… Các công trình này là thành quả cũng những tháng ngày “ba cùng nơi thực địa”, là trí tuệ, tài năng và tâm huyết cô dành cho mỗi mảnh đất mình từng qua, những con người mình từng gặp. 

Không dừng lại ở hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, cô Phương Thái còn là người đầu tiên sáng lập Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo Ngôn ngữ và Văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Trung tâm không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, thực hiện các công trình, dự án ngôn ngữ, văn hóa, sinh kế mà còn mở các lớp đào tạo giúp các học viên có cơ hội học tập và phát triển vốn văn hóa, ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại địa bàn công tác có đồng bào thiểu số sinh sống. Trung tâm đã tổ chức nhiều khóa học về ngôn ngữ và văn hóa, giúp truyền dạy, bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu cho thế hệ sau. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để cô cùng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa chắp bút xây dựng đề án mở ngành đào tạo hệ Cử nhân Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024. 

Với tâm hồn nhạy cảm và tình yêu mãnh liệt dành cho các khối ngành khoa học xã hội, cô Phương Thái đã và đang tiếp tục là người khai phá những con đường mới, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Niềm đam mê và khát khao khám phá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của cô đã góp phần tạo nên những công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Sự cống hiến không mệt mỏi của cô đã mang lại những đóng góp có ý nghĩa nhân văn cao đẹp cho ngành giáo dục và cho cộng đồng.

Dấn thân và cống hiến hết mình cho mái trường Đại học Khoa học thân yêu

Được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học từ tháng 6/2018, kiêm nhiệm Trưởng khoa Du lịch, cô đã đưa ra nhiều sáng kiến và chương trình hợp tác với các công ty, đối tác trong lĩnh vực du lịch mang lại cơ hội trải nghiệm nghề hữu ích cho sinh viên và lợi ích to lớn cho Nhà trường.

PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH

Với vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Phương Thái đã thúc đẩy và nâng cao chất lượng nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học. Cô đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu các cấp; khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu theo nhóm, góp phần xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh và hướng đến công bố quốc tế. Các công trình của cô và đồng nghiệp đã được xuất hiện ngày càng nhiều trên các tạp chí quốc tế uy tín, không chỉ nâng cao thương hiệu của nhà trường mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách của khu vực và đất nước. Với vai trò phụ trách hợp tác quốc tế, cô Phương Thái đã xây dựng và phát triển nhiều mối quan hệ hợp tác với các trường đại học (đặc biệt là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha…) và một số tổ chức nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội trao đổi học thuật và nghiên cứu giữa Nhà trường và đối tác đồng thời giúp giảng viên, sinh viên có cơ hội tiếp cận với các nguồn tài liệu và cơ hội học tập ở các nước tiên tiến.

Tháng 4/2021, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái được bổ nhiệm giữ chức vụ Thư ký Hội đồng trường, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời tiếp tục giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học. Khi chuyển sang phụ trách công tác học sinh sinh viên, cô tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm và tâm huyết trong việc chăm lo cho đời sống và học tập của sinh viên. Cô đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho sinh viên phát triển toàn diện, để các bạn trẻ TNUS thể hiện tài năng, giao lưu, học hỏi và rèn luyện kỹ năng mềm. Dưới sự chỉ đạo của cô, Hội Sinh viên Nhà trường đã thành lập hơn 20 câu lạc bộ hoạt động sôi nổi và hiệu quả. Dù là dự án nhỏ như Ký túc xá là nhà, Xuân ấm yêu thương, những bữa cơm ấm áp của thầy cô dành cho sinh viên khi quay trở lại học tập trong thời kỳ Covid hay những chương trình có quy mô lớn như Trường Đại học Khoa học Tuổi 20,  Đại nhạc hội chào đón Tân Sinh viên… cô đều chỉ đạo thực hiện bằng cả tấm lòng tâm huyết, yêu thương, chi chút. Cô tự tay trồng từng luống hoa, tưới từng chậu cây cảnh, tới tận ký túc thăm nơi ăn, chốn ở, giới thiệu cơ hội làm thêm cho sinh viên lúc đang học cũng như khi ra trường… Cô ân cần quan tâm tới sinh viên bằng tình yêu và sự bao dung của một người mẹ bởi cô luôn mong mỗi sinh viên khi đến với Trường Đại học Khoa học đều cảm nhận được những yêu thương chân thành từ thầy cô, bè bạn như đang ở trong chính ngôi nhà của mình.

Trải qua gần 20 năm công tác dưới mái trường Khoa học thân yêu với nhiều vai trò, cương vị khác nhau, nhưng dù ở bất kỳ vị trí nào, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái cũng để lại những dấu ấn đậm nét, tình cảm chan chứa yêu thương, niềm ái mộ chân thành trong trái tim những người đã từng gặp gỡ, làm việc và gắn bó cùng cô về hình ảnh của một nhà giáo ưu tú, mẫu mực; một nhà quản lý tài năng, tâm huyết; một đồng nghiệp gần gũi mà rất mực hồn hậu, bao dung. Những ý tưởng sáng tạo, táo bạo và đầy nhiệt huyết của cô đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của Nhà trường. Sự cống hiến và nỗ lực không ngừng của PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Phương Thái đã góp phần xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học trở thành một trong những đơn vị đào tạo bậc đại học và sau đại học uy tín ở khu vực miền núi phía Bắc. Những thành tựu của cô, tấm gương về cô sẽ tiếp tục soi sáng con đường phát triển của Nhà trường, là động lực và nguồn cảm hứng để các thế hệ tiếp theo không ngừng nỗ lực, phấn đấu và noi theo trên chặng đường dài phía trước. 

                                      GV. Trà My - Suối Linh