Nữ sinh nghèo "lột xác" thành tiến sĩ giành nhiều học bổng danh giá
Đi nhiều, học hỏi nhiều, nữ TS. Dương Thị Hồng ví mình được "lột xác" khi tiếp thu kiến thức từ các nhà khoa học hàng đầu. Đây cũng là bí quyết giúp giảng viên nhận nhiều học bổng danh giá.
TS. Dương Thị Hồng - giảng viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nỗ lực từ việc nợ học phí từng tháng
TS. Dương Thị Hồng - giảng viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên - vừa kết thúc hành trình tham dự Heidelberg Laureate Forum (Diễn đàn Heidelberg) tại Đức. Cô là một trong số 200 nhà nghiên cứu trẻ ngành toán học và khoa học máy tính từ khắp mọi nơi trên thế giới đến sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2013 này. Cô kể, chuyến đi này, các nhà nghiên cứu trẻ ngành Toán học và Khoa học máy tính có cơ hội được tiếp xúc, truyền cảm hứng bởi các nhà khoa học hàng đầu trong ngành, nhiều người đã giành được giải thưởng danh giá Nobel, Abel, Turing, Fields, Nevanlinna. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để các nhà nghiên cứu trẻ có dịp kết nối, học hỏi lẫn nhau qua các báo cáo ngắn, trò chuyện, giao lưu.
TS. Dương Thị Hồng (thứ tư từ phải sang) là một trong 200 đại biểu trẻ tham dự Diễn đàn Giải thưởng Heidelberg tại Đức (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chia sẻ về hành trình của mình đến với nghề giáo, nữ tiến sĩ sinh năm 1989 bộc bạch câu chuyện đi lên từ "cái nghèo". Sinh ra và lớn lên khi ở một vùng ngoại ô của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, ấn tượng khó quên của cô là những lần xin nợ học phí.
"Hồi nhỏ, nhà mình nghèo tới mức học phí thời phổ thông có vài đồng cũng không đóng đúng hạn được, phải "khất" suốt", giảng viên Dương Thị Hồng bồi hồi nhớ lại.
Cũng chính vì thế, tốt nghiệp bậc THPT, cô gái trẻ chọn vào Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, mô hình trường đại học được Nhà nước ưu đãi không phải đóng học phí để thỏa niềm đam mê mãnh liệt với toán học.
Trong suốt 4 năm học đại học, cùng với số tiền ít ỏi 800.000 đồng/tháng được vay từ Ngân hàng Chính sách dành cho sinh viên nghèo, Hồng đã tranh thủ dạy gia sư để trang trải cuộc sống sinh viên.
Hoàn cảnh không ngăn được tình yêu của cô với khoa học. Bằng nỗ lực không mệt mỏi, quyết tâm cao, ngay từ năm thứ 2 của đại học cô đã xuất sắc đoạt giải Ba trong kỳ thi Olympic toán học sinh viên toàn quốc và đoạt giải Nhì trong hai năm sau 2010, 2011 - những thành tích vô cùng đáng khích lệ đối với những sinh viên trẻ.
Nhờ những thành tích ấn tượng và nỗ lực rèn luyện, cô sinh viên trẻ được kết nạp vào Đảng khi học năm thứ tư.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục học thạc sĩ và được tuyển dụng vào làm chuyên viên phụ trách mảng nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Khoa học - nơi có phong trào nghiên cứu khoa học tốt của Đại học Thái Nguyên.
Dưới sự dẫn dắt tận tình của TS Mai Viết Thuận, từ năm 2018 đến nay, TS Dương Thị Hồng đã có 8 bài báo quốc tế (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tuy công tác chuyên viên ổn định, không quá nhiều áp lực nhưng khao khát được dạy học, được nghiên cứu vẫn luôn cháy bỏng trong cô. "Nhiều người nói tôi có thể an phận, làm công tác chuyên viên, chăm lo cho gia đình. Nhưng, khao khát được làm nghiên cứu, được lên lớp dạy sinh viên đã thôi thúc tôi tiếp tục học nghiên cứu sinh. Và tôi thấy, mình được "lột xác", được thay đổi rõ rệt trong quá trình này", cô Hồng kể. Nữ giảng viên chia sẻ dù bậc cử nhân, thạc sĩ cô luôn đạt thành tích học tập tốt song đến khi học nghiên cứu sinh, cô được mở mang thêm nhiều kiến thức, thay đổi thực sự về "chất" và tự tin với những kiến thức mình có được.
Quyết tâm là vậy nhưng cũng không ít lần cô cán bộ trẻ gặp căng thẳng khi đối diện với nhiều khó khăn khi vừa học vừa làm, lương thấp, không được hỗ trợ kinh phí, con nhỏ... Bên cạnh đó, toán là một ngành khoa học được đánh giá là khá khô và khó. "Có những lúc mình cũng áp lực lắm. Nhưng mình yêu toán, yêu những con số. Trong đơn vị công tác của mình cũng có nhiều nhà khoa học rất giỏi, trong đó có GS. Lê Thị Thanh Nhàn - nữ giáo sư Toán học thứ hai của Việt Nam sau giáo sư Hoàng Xuân Sính. Các thầy cô đều là tấm gương nỗ lực trong khoa học để mình phấn đấu theo", cô giáo Dương Thị Hồng chia sẻ.
Tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để học tập nghiên cứu, nữ giảng viên tham gia giảng dạy môn toán bằng tiếng Anh tại Trường Đại học FPT để vừa trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, củng cố vốn tiếng Anh và kiếm thêm thu nhập để có thể đóng học phí, trang trải cho việc học nghiên cứu sinh của mình.
Đánh giá cao năng lực, nhiệt huyết cũng như sự nỗ lực, cố gắng của Hồng, năm 2021, Liên đoàn Toán học thế giới đã trao cho cô "Học bổng đột phá sau Đại học" dành cho Nghiên cứu sinh xuất sắc tại các nước đang phát triển. Đây là học bổng này rất khó để nhận được do số chỉ tiêu hàng năm chỉ dao động từ 3-5 suất trên toàn thế giới. Học bổng danh giá đó không chỉ là niềm vinh dự lớn lao mà còn là sự động viên, khích lệ to lớn đối với Hồng.
Tháng 12/2022, cô giáo Hồng bảo vệ đúng hạn Luận án Tiến sĩ với kết quả xuất sắc và được đánh giá là một trong những nghiên cứu sinh có thành tích khoa học tốt nhất trong số những nghiên cứu sinh đã từng bảo vệ tại Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.
TS. Dương Thị Hồng nhận học vị Tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hồi tháng 10, cô tiếp tục nhận học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup. TS Hồng cho biết, đây là động lực to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần để cô có thể toàn tâm toàn ý yên tâm nghiên cứu khoa học, cống hiến cho giáo dục và đặc biệt là ngành toán ứng dụng.
Bí quyết là đi thật nhiều, học thật nhiều
Chia sẻ về bí quyết để học tập tốt, nữ tiến sĩ cho rằng đó là đi thật nhiều, học thật nhiều.
"Bắt đầu học đại học cho tới khi học lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ, mình tranh thủ vừa học, vừa làm thêm để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Cuộc sống khó khăn nhưng mình luôn dành một phần kinh phí để tham gia các hội thảo khoa học toàn quốc. Mình đi nhiều để có cơ hội học hỏi các nhà khoa học lớn. Song song đó, mình cũng tận dụng cơ hội để báo cáo, tham luận tại hội thảo này để đón nhận thêm nhiều ý kiến phản hồi", nữ giảng viên nói. Cô nhớ mãi một câu nói mình rất tâm đắc: "Mỗi giọt mồ hôi mình rơi xuống hôm nay là một viên gạch để cho nền móng vững chắc trong tương lai". Mỗi lần gặp vấn đề nan giải, cô đều dành thời gian để suy ngẫm và tự động viên mình phải nỗ lực hơn.
Càng đi sâu vào nghiên cứu, Hồng lại càng khát khao được đứng trên bục giảng để truyền cho các thế hệ học sinh, sinh viên những tri thức mà mình có, những nhiệt huyết đang sôi sục trong lòng. Thấu hiểu khát khao đó, năm 2022 theo nguyện vọng cá nhân, nhà trường đã chuyển cô Hồng từ chuyên viên Viện Khoa học và Công nghệ về làm giảng viên Khoa Toán - Tin.
PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên - chia sẻ trong quá trình làm nghiên cứu sinh, nữ cán bộ trẻ Dương Thị Hồng không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên viên tại trường cũng như nhiệm vụ học tập mà còn rất tích cực tham gia và báo cáo tại các Hội thảo khoa học chuyên ngành quốc gia, quốc tế. "Dương Thị Hồng là một giảng viên trẻ có nhiều nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học, lĩnh vực vốn là thế mạnh của nhà trường. Nhà trường cũng có nhiều chính sách khuyến khích tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học và tham dự các hội nghị, hội thảo để báo cáo kết quả nghiên cứu của mình", ông Đăng cho hay.
Dưới sự dẫn dắt tận tình của TS Mai Viết Thuận, từ năm 2018 đến nay, TS Hồng đã có 8 bài báo quốc tế, trong đó 5 bài là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus.
Khi được hỏi về tấm gương của sự vượt khó vươn lên trong học tập và nghiên cứu khoa học, TS. Dương Thị Hồng đáp: "Mình không dám nhận là tấm gương đâu vì xung quanh mình có rất nhiều thầy cô, bạn bè rất giỏi. Nhưng mình hy vọng những nỗ lực của mình, những thành quả mà mình đạt được sẽ là động lực để thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học của sinh viên và các cán bộ trẻ".
(Nguồn: Báo Điện tử Dân trí, ngày 21/11/2023)