Đào tạo sau đại học tại khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học, trường Đại học Khoa học nhìn từ góc độ văn hóa ứng xử

Ngày: 22/10/2018

Văn hóa ứng xử là thước đo sự văn minh của mỗi cán bộ công chức đặc biệt trong môi trường giáo dục thì điều đó lại càng cần thiết. Trong thực tế, ở đâu đó ngay trong các môi trường giáo dục vẫn còn những hành vi ứng xử chưa tốt, chưa đẹp; vẫn còn hành vi lạm quyền, sách nhiễu, coi thường, làm phiền người dạy, người học. Chưa kể, phông nền văn hóa của một số cán bộ làm công tác giáo dục vẫn còn có vấn đề. Thực tế cũng minh chứng có những cơ sở đào tạo sau đại học tầm cỡ quốc gia nhưng lại vi phạm những chuẩn mực đạo đức, ửng xử gây bức xúc trong dư luận, có những người có học thức, có trình độ cao nhưng vẫn ứng xử kém văn hóa... Vì vậy, việc nâng cao văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, đặc biêt là giáo dục trình độ cao của các cơ sở đào tạo cũng chính là một giải pháp nhằm tạo uy tín và tăng sức hút với người học.

Nhìn lại thực tế đào tạo Sau đại học chuyên ngành Văn học Việt Nam tại Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy sức hút với học viên và sự hợp tác bền chặt từ phía các giảng viên thỉnh giảng với cơ sở đạo tạo một phần là được bắt nguồn từ chính nền tảng văn hóa ứng xử.

Về ứng xử giữa cơ sở đào tạo với học viên: Luôn coi người học là trung tâm, là sự tồn tại của cơ sở đào tạo nên ngay từ khâu tuyển sinh, Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học đã có nhưng cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho học viên bằng các hình thức như: Miễn phí hồ sơ dự thi, hỗ trợ việc nộp thủ tục đối với các học viên ở xa, hỗ trợ tìm kiếm tư liệu từ khi ôn tập thi đầu vào đến quá trình học tập và làm luận văn Thạc sĩ. Các học viên tỉnh xa về Trường ôn thi và học tập đều nhận được sự quan tâm, động viên từ Trợ lý Sau đại học đến Ban chủ nhiệm Khoa cũng như các Phòng ban trong Trường. Vì thế, hầu hết học viên đều có tâm lý phấn khởi, tự tin vì được tiếp thêm sức mạnh, được giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc về quá trình học tập tại cơ sở. Không những thế, tất cả các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách, chương trình học tập, danh sách thông tin giảng viên đều được gửi công khai, kịp thời đến từng học viên qua SMS, email cá nhân và facebook vì thế các học viên đều nắm được các thông tin và chủ động trong việc học tập, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ với kết quả cao nhất.

 Ngoài quy định chung về thời khóa biểu và thời gian học, do học viên ở các tỉnh xa lại công tác trong các lĩnh vực khác nhau nên Khoa và Nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên trong việc sắp xếp lịch thi, lịch bảo vệ để đảm bảo mọi học viên đều có thể tham gia và hoàn thành công việc với kết quả tốt mà vẫn đảm bảo đúng quy chế. Ban chủ nhiệm cũng như Trợ lý Sau đại học của Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học cũng luôn chu đáo với từng học viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng học viên, tư vấn và chia sẻ với học viên như người thân để giúp họ yên tâm học tập với tâm thế thoải mái và tự tin.

 Với đặc thù đào tạo các ngành Cử nhân Du lịch và Cử nhân Báo chí nên trong các sự kiện bảo vệ của học viên, Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học cũng huy động các bộ môn hỗ trợ nhằm giúp học viên có Lễ bảo vệ ấm cúng, đủ đầy, chu đáo mà vẫn tiết kiệm. Rất nhiều những kỷ niệm đẹp cùng những ấn tượng khó phai sẽ còn đọng lại mãi trong lòng các thế hệ học viên đã và đang học tập tại Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học từ những điều giản dị, thiết thực và sâu sắc như thế!

Về ứng xử giữa cơ sở đào tạo và học viên với giảng viên thỉnh giảng: Là một đơn vị khá non trẻ trong việc đào tạo Sau đại học vì thế Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và hợp tác của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Văn học Việt Nam từ khi mở ngành cho đến quá trình đào tạo sau này. Các chuyên gia của Viện Văn học, của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I hay của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh… đã đến với Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học bằng tất cả sự nhiệt tình, tận tâm và đầy tinh thần khoa học. Các giáo sư đầu ngành uyên thâm về học thuật nhưng trong đời sống lại vô cùng giản dị, dí dỏm và gần gũi “ngoài sức tưởng tượng” của học viên. Các nhà khoa học đã rất chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của cơ sở đạo tạo; đồng cảm với những vất vả và năng lực nghiên cứu còn khá khiêm tốn của học viên miền núi. Những ứng xử thật thà đôi khi ngô nghê của học viên cũng không làm các thầy cô phật ý.

Điều đáng chân quý là tất cả các nhà khoa học đều vì mục đích đem đến cho học viên những chân trời tri thức bằng tất cả sự uyên bác, say mê và tinh thần trách nhiệm của những nhà khoa học chân chính. Sự say mê, nhiệt huyết trong chuyên môn của các giáo sư gạo cội như: GS.TS Trần Đình Sử, GS.TS. Trần Nho Thìn, PGS.TS. Vũ Thanh; những tiết giảng rất phiêu của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, TS. Cao Hồng; sự giản dị, đôn hậu, mộc mạc và sâu sắc của PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, PGS.TS. Nguyễn Thị Huế, TS. Trần Hải Yến, TS. Lê Thị Ngân; những giờ học thông tầm của PGS.TS Phạm Phương, TS. Nguyễn Kiến Thọ; sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình không quản ngại ngày đêm của PGS.TS. Trần Thị Việt Trung, PGS.TS. Phạm Phương Thái, PGS.TS. Nguyễn Hằng Phương, PGS.TS. Dương Thu Hằng hay Tiến sĩ trẻ Nguyễn Huy Bỉnh, Tiến sĩ Nguyễn Diệu Linh… đã khiến học viên cảm động sâu sắc và không thể nào quên. Mỗi học viên như được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh và động lực từ những người đồng hành – không chỉ là các thầy cô hướng dẫn mà còn từ các các thầy cô giảng dạy mình.

Đáp lạị sự giúp đỡ và hợp tác bền chặt của các giảng viên thỉnh giảng, Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học cũng thường xuyên trao đổi  với các giảng viên thỉnh giảng để nắm bắt tình hình lên lớp trong mỗi học phần; kịp thời giải đáp những băn khoăn của giảng viên về từng lớp học viên cũng như hỗ trợ thủ tục thanh toán cho giảng viên một cách nhanh gọn nhất. Khoa và Nhà trường cũng linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp với lịch cá nhân của mỗi giảng viên nhưng vẫn đảm bảo đúng theo quy chế đào tạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các giảng viên thỉnh giảng hoàn thành công việc. Sự cầu thị, chuyên nghiệp và chân quý của cơ sở đào tạo đối với mỗi giảng viên thỉnh giảng cũng là một nét văn hóa làm cho sự hợp tác giảng dạy sau đại học được bền chặt hơn.

Thiết nghĩ, thời đại bùng nổ thông tin, chỉ cần một hành vi thiếu văn hóa, ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, giảng viên hay học viên được “tung lên mạng” là có thể nhanh chóng lan truyền, ảnh hưởng lớn tới uy tín của cơ sở đào tạo. Lời nói lịch sự, cái bắt tay nồng ấm, câu chào hỏi... là những điều rất giản dị trong đời sống như cơm ăn áo mặc hằng ngày nhưng ứng xử sao cho có văn hóa lại cần đến sự rèn luyện và tu dưỡng của mỗi cá nhân. Dễ dãi trong ứng xử sẽ dẫn đến buông thả trong lối sống, tùy tiện trong công việc. Khi xã hội phát triển thì văn hóa ứng xử càng cần được coi trọng. Cách ứng xử giữa cơ sở đào tạo với giảng viên thỉnh giảng, cơ sở đào tạo với học viên; giữa giảng viên với học viên rất cần thiết và phải luôn được chú trọng. Muốn đào tạo những con người vừa hồng chừa chuyên để phục vụ một xã hội văn minh thì trước tiên cơ sở đào tạo cần có đội ngũ cán bộ, giảng viên văn minh, ứng xử đúng theo những chuẩn mực đề ra. Cơ sở đào tạo cần phải phát hiện ra những hành vi của cán bộ có ứng xử không phù hợp để chỉnh nắn, giáo dục. Mọi thành công hay thất bại của cơ sở đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu nhất là yếu tố con người và hành vi ứng xử văn hóa. Việc quản lý thực hiện văn hóa ứng xử cũng cần gắn với tầm nhìn, sứ mệnh của đơn vị, có những tiêu chí cụ thể để soi chiếu (với cơ sở giáo dục phải là coi trọng dạy kiến thức song song với dạy cách làm người, dạy sau đại học phải chú trọng kỹ năng tự nghiên cứu, học đi đôi với hành, coi người học là sự tồn tại và phát triển…).

Sự phát triển trong bất kỳ lĩnh vực gì cũng cần phải coi trọng nền tảng tư tưởng đạo đức, nhân cách và phông nền văn hóa ứng xử đặc biệt là trong môi trường giáo dục chất lượng cao! Có như vậy, sự phát triển đó mới là bền vững và lâu dài!

Một số hình ảnh về công tác đạo tạo SĐH của Khoa BC-TT&VH:

 

TS. Nguyễn Thị Trà My

Trợ lý Sau đại học, Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học