TS. Nguyễn Phú Hùng: "Phòng thí nghiệm là ngôi nhà thứ hai của tôi"

Ngày: 27/08/2020

Có ý định viết đôi chút về TS. Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học, ĐHTN - tác giả bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR, tôi đành “lân la” đến TS. Lê Thị Thanh Hương - bà xã Hùng để khai thác thông tin. Bởi tôi biết trước, nếu có phỏng vấn nhân vật, cũng chỉ nhận được nụ cười trong sáng, vương chút ngài ngại cùng câu trả lời “em đã làm được gì đâu chị!”

Gặng hỏi mãi về sở thích của TS Hùng theo kiểu khai thác khía cạnh đời tư của người nổi tiếng (đại loại ngoài nghiên cứu, anh ấy thích đi đâu, làm gì?....), hồi lâu, Hương nói “quả thực, suốt từ hồi quen biết, rồi chung sống với nhau, đến nay ngót 12 năm, nhưng em không thấy bạn ấy thích gì ngoài… phòng thí nghiệm”. Rồi Hương hồn nhiên kể, “hồi Hùng đi nghiên cứu sinh ở Pháp, chúng em xa nhau 4 năm. Nhớ thương thì cũng chỉ có thể liên lạc bằng phương tiện thông tin. Có lần, Hùng gọi về với tâm trạng buồn rầu, bất an. Hỏi ra, mới biết “đang rất lo vì mấy con chuột (nuôi trong phòng thí nghiệm) bị ốm, sắp chết, tốn nhiều tiền và công sức”. Từ ngày Trường Đại học Khoa học được đầu tư trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, Hùng cứ như lập thêm “phòng nhì” bên Khu thí nghiệm. Đêm hôm mất điện, kể cả mưa giông chớp giật, kiểu gì bạn ấy cũng lao sang “phòng nhì” kiểm tra rồi mới yên tâm. Và từ mùng 3 Tết đến thời điểm hoàn thành bộ sinh phẩm phát hiện covid - 19, Hùng trở về nhà sau 20h00 là chuyện thường xuyên. Hương chia sẻ những điều thật giản dị về người bạn đời – đồng nghiệp của mình với tất cả yêu thương, cảm thông.

          Họ cùng là bạn học thời đại học và cũng bén duyên nhau từ độ ấy. Hùng chọn Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên vì muốn có cơ hội được sống cùng bố, khi ấy đang làm công nhân Nhà máy cán thép Gia Sàng. Vượt qua khá nhiều đối thủ, chàng trai quê lúa Thái Bình đã chiếm được trái tim của cô lớp trưởng xinh đẹp và năng động bởi sự chân thành, tố chất thông minh và cả khí chất của người đàn ông thẳng thắn, quyết đoán, dẫu có đôi chút vụng về.

Năm 2005, ngay sau khi tốt nghiệp, đôi bạn cùng qua vòng thi tuyển và trở thành giảng viên của Khoa Khoa học Tự nhiên – Đại học Thái Nguyên. Tháng 10 năm đó, họ lại nắm tay nhau cùng đi học Cao học tại Khoa Công nghệ Sinh học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN. Khi ấy, lương hợp đồng của cả hai người góp lại không quá 600.000đ/tháng. Có lẽ vậy, họ chưa dám nghĩ đến việc xây tổ ấm. 2008, sau một năm hoàn thành xong ThS, hai bạn tổ chức đám cưới và tìm thuê nhà trọ. Năm 2011, một lần nữa đôi bạn lại cùng nhau quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học hành. Nhưng lần này, Hùng làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Còn Hương vì con nhỏ, đành chọn nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Chọn con đường nghiên cứu và để được sống trọn vẹn với nó, buộc phải chấp nhận hi sinh nhiều thứ. 4 năm đằng đẵng, trùng trùng khó khăn, cả hai bạn đều thấm thía. Tháng 5/2015 Hùng bảo vệ thành công TS ở Trường Đại học Bordeaux, Pháp. Tháng 10 năm đó, Hương cũng được công nhận học vị TS. 

Từ khi được làm học trò của GS. Francis Megraud, TS. Nguyễn Phú Hùng đã xác lập hướng nghiên cứu về tế bào gốc ung thư, các liệu pháp ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, nghiên cứu chẩn đoán các bệnh di truyền ở người. Với hướng nghiên cứu ứng dụng thiết thực, luôn hướng tới cộng đồng, cùng nhiều công bố khoa học có giá trị, năm 2016, Phú Hùng được Trường Đại học Nantes - Pháp mời sang làm postdoc tại Phòng thí nghiệm Inserm U1235, Khoa Y Dược và thuộc Viện Y học Quốc gia Pháp. Thời gian làm việc ở nước ngoài, không ít cơ hội mở ra, nhưng anh đã khước từ, để nhận lời đề nghị của GS. Lê Thị Thanh Nhàn – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, trở về Trường trước thời hạn vì một tình huống nhân sự quản lý vô cùng hi hữu trong Khoa Công nghệ Sinh học. Hùng quyết định nhanh, không chút so đo lẽ thiệt hơn, trước thái độ không mấy đồng tình của bà xã. Lý do thật đơn giản: Đại học Khoa học đã cho mình nhiều cơ hội để trưởng thành như ngày hôm nay thì khi Nhà trường cần đến mình, tại sao lại từ chối?

 Năm 2017, TS. Nguyễn Phú Hùng nhận nhiệm vụ mới, cương vị mới với muôn vàn thử thách của lòng người, của hàng loạt quy định hành chính không thuận chiều. Trong ngày tháng gian nan ấy, đôi lần Hùng muốn bỏ lại những ràng buộc trách nhiệm,... để được sống trọn vẹn với niềm đam mê bên những thiết bị thí nghiệm - dẫu vô tri nhưng lại có khả năng đem lại hạnh phúc sáng tạo. Với Hùng, Phòng thí nghiệm là tổ ấm thứ hai, là nơi đem lại nhiều cảm xúc thăng hoa, nhưng đôi khi cũng là chốn lánh xa những đố kị, thị phi. Song, vì lời hứa của một nhà khoa học trọng tín, của một người quản lý có trách nhiệm với đồng nghiệp, TS. Nguyễn Phú Hùng đã vượt lên hết thảy, thực hiện tròn vai người quản lý và nhà khoa học. Năm học 2019 – 2020, nắm bắt kịp thời nhu cầu xã hội, anh cùng với một số đồng nghiệp mở ra hướng đi mới cho Khoa Công nghệ Sinh học, nhanh chóng xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Xét nghiệm Y- Sinh trình độ đại học và Sau đại học. Năm 2020 – 2021, chương trình chất lượng cao Kỹ thuật xét nghiệm Y – Sinh cũng đã hoàn thành và chuẩn bị tuyển sinh khóa đầu tiên. Với hướng đi mới, nhạy bén, bắt kịp nhu cầu xã hội, Trưởng khoa – TS. Nguyễn Phú Hùng cùng đồng nghiệp đã làm hồi sinh Khoa Công nghệ Sinh học, tạo ra sinh khí mới, niềm tin mới, phong độ mới trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Và niềm tin đầu tiên mà TS. Nguyễn Phú Hùng cùng với các cộng sự khẳng định đó là bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 theo phương pháp Realtime PCR – một công trình khoa học đã được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế - Bộ Y tế công nhận giá trị khoa học và ứng dụng.

Trong khi cả nước đang nức lòng ngợi ca thành công bộ sinh phẩm phát hiện Corona virus 19 do TS. Nguyễn Phú Hùng chủ trì thực hiện, từ góc nhìn chân thực, bình dị, tôi muốn viết những gì trân quý nhất về em - một nhà khoa học dồi dào khát vọng, năng lực sáng tạo, một trưởng khoa trong sáng, đầy trách nhiệm với đồng nghiệp, với xã hội.

TS. Nguyễn Phú Hùng - Trưởng khoa Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

TS. Nguyễn Phú Hùng cùng thầy hướng dẫn GS. Francis Megraud - Trường Đại học Bordeaux, Pháp

TS. nguyễn Phú Hùng làm việc cùng các cộng sự tại phòng thí nghiệm

TS. Nguyễn Phú Hùng thời gian làm posdoc tạiTrường Đại học Nantes - Pháp

Thái Phương