Hội thảo khoa học: “Bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số phía Bắc: thực trạng và những vấn đề đặt ra”
Ngày 22/2/2019, tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số phía Bắc: thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia 2016 – 2020 về Những vấn đề cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2010.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản lý đề tài có: GS.TS. Nguyễn Hữu Minh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới - Chủ nhiệm đề tài; PGS.TS. Đặng Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Về phía Trường Đại học Khoa học có: PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường; PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ một số tỉnh miền núi phía Bắc và đông đảo các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học cùng một số trường Đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
PGS.TS. Đặng Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu khai mạc Hội thảo
GS.TS. Nguyễn Hữu Minh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo hướng đến mục tiêu nhận diện những vấn đề cơ bản về bình đẳng giới đang đặt ra ở nhóm dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc trong các lĩnh vực: lao động – việc làm, giáo dục – đào tạo, tham chính, chăm sóc sức khỏe và bình đẳng giới trong gia đình. Hội thảo cũng được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý về pháp luật và chính sách, hiệu quả thực hiện pháp luật và chính sách về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc.
PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học trình bày tham luận
Trên cơ sở phân tích bối cảnh kinh tế - xã hội và văn hóa của các vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc có ảnh hưởng đến việc thực hiện bình đẳng giới cũng như nhận thức về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số, hội thảo đã chỉ ra thực trạng bình đẳng giới trong các lĩnh vực: chính trị, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, chăm sóc sức khỏe và đời sống gia đình… Trong khuôn khổ những vấn đề có liên quan, Hội thảo đã nhấn mạnh đến vấn đề bạo lực giới, bạo lực trong gia đình và hiệu quả, tác động của các chính sách Bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số những năm gần đây.
ThS. Trần Thị Thanh Thủy – Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái trình bày tham luận về “Bình đẳng giới trong đào tạo nghề ở tỉnh Yên Bái”
ThS. Nguyễn Thị Kim Thảo – giáo viên Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc phát biểu ý kiến
Bà Hà Thị Liễu – Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến
Đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo