Hội thảo quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 (IWAMD 2023) được tổ chức thành công tại Trường Đại học Khoa học

Ngày: 14/08/2023

Từ ngày 10 đến 13 tháng 8, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Osaka (Nhật Bản) và Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 (IWAMD 2023) với sự tham gia của 250 nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida (Mỹ), Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; GS. TSKH. Nguyễn Hoàng Lương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý; GS.TS. Nguyễn Đức Chiến - Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Osaka (Nhật Bản), Hội Vật lý Việt Nam, Hội Khoa học Vật liệu, Hội Từ học Việt Nam và nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước.

Về phía tỉnh Thái Nguyên có PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS. Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học; PGS.TS. Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học và các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Đại học. 

Về phía Trường Đại học Khoa học có PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Ngô Văn Giới - Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Phạm Thế Chính – Phó Hiệu trưởng, cùng đại diện các Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm và đại diện cán bộ, giảng viên trong toàn Trường tham gia Hội thảo. 

Ảnh 1: Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 (IWAMD 2023) khởi nguồn từ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực Vật lý từ những năm 1995 bởi GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam và Giáo sư Yoshichika Onuki, Nguyên Chủ tịch Hội Vật lý Nhật Bản. Ba lần trước Hội thảo được tổ chức bởi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội và Đại học Osaka - Nhật Bản vào các năm 2009, 2012 và 2016.

Hội thảo IWAMD năm nay được sự giới thiệu của GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương và GS.TS. Phan Mạnh Hưởng (Đại học Nam Florida, Mỹ), Ban Tổ chức đã đồng ý lựa chọn Trường ĐHKH-ĐHTN cùng với Đại học Osaka và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG HN là ba đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo lần này. Được biết, đối với Trường ĐHKH, trước đó Nhà trường đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế và quốc gia như: Hội nghị Vật lý chất rắn và Khoa học vật liệu toàn quốc lần thứ 8 (2013), Hội thảo quốc tế về Kinh tế và Văn hóa - Xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh Hội nhập Asean (2015), Hội thảo quốc tế về Đại số giao hoán (2017), Hội thảo quốc tế về Than sinh học (2017), Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc (2021), … Tuy nhiên, đây là Hội thảo quốc tế lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Nhà trường.

Ảnh 2: Hơn 200 nhà khoa học tham dự Hội thảo

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, GS. TSKH. Nguyễn Hoàng Lương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về các phát kiến mới thú vị liên quan đến nhiều loại vật liệu, linh kiện khác nhau, từ điện tử đến năng lượng và tính toán lượng tử… Các chủ đề của Hội thảo IWAMD 2023 bao gồm các vấn đề lý thuyết và ứng dụng của các lĩnh vực khoa học liên ngành như Khoa học vật liệu, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Vật liệu và linh kiện Nano…

Ảnh 3: GS. TSKH. Nguyễn Hoàng Lương - Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam phát biểu khai mạc

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã thông tin đến các đại biểu trong và ngoài nước về những thành tựu nổi bật của tỉnh Thái Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã khẳng định: Hội thảo quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 là một sự kiện quan trọng của tỉnh Thái Nguyên và các nhà khoa học. Hội thảo sẽ giúp các nhà quản lý, nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung có thêm nhiều cơ hội hợp tác, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát huy những thế mạnh sẵn có để đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học nước nhà.

Ảnh 4: PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên, phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo chia làm 02 phiên toàn thể, 05 tiểu ban. Các nội dung tập trung thảo luận các chủ đề về: Linh kiện tiên tiến, Vật liệu Sinh học, Vật liệu năng lượng, Vật lý và Máy tính lượng tử, các nền tảng Vật lý liên quan đến trí tuệ nhân tạọ. Thông qua Hội thảo, cung cấp nhiều nội dung chủ đề mới và cập nhật, các nhà khoa học trẻ có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực Vật liệu và Linh kiện tiên tiến; đánh giá được trình độ phát triển cũng như những điều kiện cần và đủ để phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng trong thời gian tới. 

Cùng với uy tín khoa học của các Giáo sư chủ trì Hội thảo, Hội thảo đã thu hút được 250 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 50 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong khu vực và thế giới, 210 báo cáo với 77 báo cáo của các tác giả quốc tế từ 15 nước bao gồm Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Hungary, Tiệp Khắc, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, Đài Loan, Philipine, Singapore...

Với vai trò là Phó Trưởng BTC Hội thảo, GS.TS. Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư của Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) nhà khoa học có nhiều thành tựu trong lĩnh vực Khoa học vật liệu (với H-Index là 61) chia sẻ: “Đây là hội thảo được gọi là đánh dấu lớn nhất trong những hội thảo được tổ chức từ trước đến giờ trong lĩnh vực về khoa học vật liệu mà phủ sóng tất cả các lĩnh vực vật liệu: vật liệu điện tử, vật liệu lượng tử, AI, máy tính học… Tôi tin rằng đây cũng là một cơ hội cho Việt Nam để mở rộng các hướng nghiên cứu không những mới mà có sự cạnh tranh trên thế giới”.

Ảnh 5: GS.TS. Phan Mạnh Hưởng - Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ), chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ về Hội thảo IWAMD 2023, GS. Cheol Gi Kim, Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk (Hàn Quốc) nhận xét: Việt Nam là một đất nước có tốc độ phát triển chóng mặt trong thời gian gần đây, tỷ lệ dân số trẻ và tiềm năng lớn để phát triển khoa học về vật liệu cũng như linh kiện. Hội thảo lần này là một cơ hội rất tốt để nhóm các nhà khoa học tại Hàn Quốc và Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau. Nghiên cứu về khoa học vật liệu và linh kiện sẽ là một trong những chìa khóa để phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh 6: GS. Cheol Gi Kim, Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk (Hàn Quốc) trình bày báo cáo tại tiểu ban chuyên môn

Khẳng định về ý nghĩa to lớn của Hội thảo lần này, PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Phó Trưởng Ban Tổ chức, chia sẻ: Sứ mệnh của Nhà trường là đào tạo các ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn - được đánh giá là những ngành rất khó tự chủ trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay. Do đó, hội thảo lần này với sự quy tụ của nhiều nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế sẽ là một cú hích tiếp thêm năng lượng, cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác và thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Chia sẻ bên lề Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Đăng cũng cho biết: Với đội ngũ các nhà khoa học trẻ với tỷ lệ giảng viên có trình độ từ Tiến sĩ trở lên trên 50%, trong những năm qua, Trường Đại học Khoa học luôn là điểm sáng trong toàn Đại học Thái Nguyên về công bố bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI/Scopus. Ngay sau khi được Ban Tổ chức đồng ý lựa chọn Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo, Nhà trường đã cử đại diện tham gia Ban tổ chức để cùng tham gia xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo và xây dựng các nội dung chuyên môn của Hội thảo. Nhà trường cũng đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phục vụ Lễ khai mạc và các tiểu ban của Hội thảo.

Ảnh 7: PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học phát biểu trong phiên khai mạc Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi chuyên môn, hợp tác xây dựng các đề tài, dự án nghiên cứu chung trong nước và quốc tế. Các nội dung thảo luận xoay quay các chủ đề như: Linh kiện tiên tiến, Vật liệu Sinh học, Vật liệu năng lượng, Vật lý và Máy tính lượng tử, các nền tảng Vật lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo…Hoạt động này cũng là một diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp, nhằm kết nối, hợp tác cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ vật liệu và thiết bị điện tử mà nhiều doanh nghiệp đang quan tâm.

Sau 03 ngày làm việc nghiêm túc, Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tiếp nối thành công của chuỗi hội thảo trước đây, IWAMD 2023 sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu từ nhiều ngành khoa học về vật liệu, vật lý, hóa học và sinh học, từ đó đưa ra những khám phá và tiến bộ mới liên quan đến nhiều loại vật liệu khác nhau, từ điện tử đến năng lượng và lượng tử, tính toán lượng tử, công nghệ nano và các phương pháp nghiên cứu tiên tiến đối với nền khoa học công nghệ của nước nhà. Trên vai trò là đơn vị đồng đăng cai tổ chức, IWAMD 2023 cùng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu đã tạo động lực rất lớn, như tiếp thêm năng lượng tinh thần cho thầy và trò của Trường Đại học Khoa học. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học của Nhà trường được gặp gỡ, kết nối, chia sẻ, hợp tác với các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Thông qua Hội thảo này, Trường Đại học Khoa học kỳ vọng phần nào sẽ tạo sức hút đối với  người học và xã hội trước các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: 

(TNUS MEDIA)