DU LỊCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE – ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG LỚN, “MỎ VÀNG” HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ

Ngày: 07/12/2024

Từ những tiềm năng lớn cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, ngày 6/12/2024 Khoa Du lịch đã tổ chức thành công hội thảo Du lịch chăm sóc sức khỏe.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên đã lắng nghe các báo cáo về xu hướng và các lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe từ TS. Nguyễn Thị Phương Nga - tác giả sách chuyên khảo du lịch sức khỏe. Cùng bàn luận về du lịch chăm sóc sức khỏe từ góc độ y học và cơ hội cho du lịch sức khỏe hiện nay ở Việt Nam và khu vực miền Bắc - BS. ThS. Nguyễn Thị Phương - nguyên GV chính Trường Đại học Y - Dược, ĐH Thái Nguyên. Hội thảo đặc biệt có sự đồng hành và trao đổi kinh nghiệm, bài học kinh doanh từ mô hình khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe Dưỡng sinh Đông y do bà Trần Thu Trang - Người sáng lập và điều hành Spa dưỡng sinh MIZU Thái Nguyên. 

Hình 1. BS. ThS. Nguyễn Thị Phương - nguyên GV chính Trường Đại học Y - Dược, ĐH Thái Nguyên

Hội thảo thêm khẳng định vững chắc tiềm năng, cơ hội phát triển loại hình Du lịch chăm sóc sức khỏe. Nắm bắt nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe đang cấp thiết, đặc biệt ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Định hướng đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch sức khỏe cùng mở ra các cơ hội nghề nghiệp tiềm năng.

Thực tế, du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành hình thức du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia trên thế giới, có thể kể đến như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Theo báo cáo Kinh tế Sức khỏe toàn cầu công bố cuối năm 2021, Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu (GWI) đã dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2020 - 2025 có thể đạt 21%, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành chăm sóc sức khỏe nói chung.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) có đến 76% người được hỏi cho biết sẵn sàng chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch cải thiện sức khỏe và 55% số người sẽ trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý. Qua đó, có thể thấy được, nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe của du khách ngày càng tăng cao. 

Hình 2. TS. Nguyễn Thị Phương Nga chia sẻ về cơ hội phát triển với loại hình Du lịch sức khỏe

Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO) đã giải thích du lịch sức khỏe là “việc các cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe, sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là nước khoáng và khí hậu” (1973) (Smith và Puczko, 2009). Theo Connell (2006): “Du lịch sức khoẻ (health tourism), du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism), du lịch khám, chữa bệnh (medical tourism), du lịch dịch vụ spa (spa tourism) ... là các loại hình du lịch mà ở đó, khách du lịch sẽ dành thời gian rỗi để cải thiện sức khoẻ, không chỉ về mặt thể chất mà còn phải cả về mặt tinh thần của du khách”. (A Modern Synthesis by Joanne Connell (30/6/2006).

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe khi có bờ biển dài khoảng 3.260km, nhiều bãi tắm đẹp, trải dài từ Bắc vào Nam rất thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng. Vùng ven biển nước ta còn có nhiều hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, nhiều bãi biển nhỏ, tĩnh lặng, rất phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta còn có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú, có giá trị sử dụng trong chữa bệnh, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, Việt Nam còn có hệ thống cây dược liệu đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng trong các bài thuốc Đông y. Đây chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và đưa Y học cổ truyền thành một thế mạnh trong loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa trải qua hàng ngàn năm lịch sử, y học cổ truyền Việt Nam đã đúc kết được nhiều phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, day, bấm huyệt, mát - xa…) mang lại hiệu quả chăm sóc, nâng cao sức khỏe tích cực.

Hội thảo đặc biệt có sự xuất hiện của những chiếc chuông Xoay do bà Trần Thu Trang - Người sáng lập và điều hành Spa dưỡng sinh MIZU Thái Nguyên mang đến và cùng bàn luận về một số liệu pháp chăm sóc sức khỏe.

Hình 3. Spa dưỡng sinh Mizu

Có thể kể đến liệu pháp chăm sóc sức khỏe mới như: Mát-xa bằng chuông xoay là một phương pháp mát – xa mới đang được ứng dụng vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ở nhiều nơi trên thế giới, tại Việt Nam hình thức mát – xa này đã được đưa vào kinh doanh, chăm sóc sức khỏe cho nhiều khách hàng tại các Spa, phương pháp này giúp khách hàng giải quyết tình trạng căng cơ bằng cách làm cho các mô thư giãn nhờ các rung động vật lý của chuông. Liên quan đến chất lỏng cơ thể (ví dụ như hệ thống bạch huyết), chúng hoạt động theo quy luật lan truyền sóng trong một vật thể.

Hình 4. Bà Trần Thu Trang, CEO Spa dưỡng sinh Mizu

Chuông Xoay có thể áp dụng để trị liệu vùng đầu, trị liệu vùng tim, trị liệu giấc ngủ, trị liệu luân xa gốc, trị liệu thần kinh toạ.., và rất nhiều vấn đề sức khoẻ khác. 

Thiền định cũng là một phương pháp rèn luyện tâm trí, giúp thay đổi thói quen suy nghĩ, nhận thức và tập trung của con người. Hiểu một cách đơn giản, thiền cũng giống như việc tập thể dục cho não bộ vậy. Nếu tập thể dục giúp bạn có một cơ thể khoẻ mạnh, thì thiền định là thói quen thiết yếu để duy trì một bộ não khoẻ mạnh. Các nhà khoa học đã chứng minh thiền định giúp giảm căng thẳng, lo lắng, đồng thời tăng khả năng tập trung và trí nhớ. Ngoài ra, thiền còn cải thiện hệ miễn dịch và chất lượng giấc ngủ cho con người.

Hình 5. Toàn cảnh Hội Thảo

Hội thảo một lần nữa khẳng định vững chắc tiềm năng, cơ hội phát triển loại hình Du lịch chăm sóc sức khỏe. Nắm bắt nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe đang cấp thiết, đặc biệt ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Định hướng đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch sức khỏe cùng mở ra các cơ hội nghề nghiệp tiềm năng.

Những thành công từ Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam phát triển và khai thác tiềm năng của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe trong tương lai.

(Lê Thị Anh, Khoa Du lịch)