Lưu học sinh Lào tại TNUS đã học tiếng Việt thế nào?

Ngày: 24/05/2022

“Tiếng Việt, tự nhiên của nó đã khó rồi”

           “Đối với em khi học Tiếng Việt, tự nhiên của nó đã khó rồi, bởi vì Tiếng Việt rất là phong phú và bao la và cũng rất phức tạp”, đó là câu trả lời của bạn Khamvanh VANG, sinh viên năm thứ tư, ngành Văn học thuộc Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa khi được hỏi học Tiếng Việt có khó không?

          Chia sẻ về lý do mà Khamvanh cũng như nhiều bạn LHS Lào nói riêng và LHS quốc tế nói chung cảm thấy khó nhất trong môn tiếng Việt: “là vì tiếng Việt có nhiều từ mới trong đó một từ mới còn có thể thay đổi bằng nhiều nghĩa ví dụ như từ “Đường” có thể thay bằng hai nghĩa như một là “Đường đi”, hai là “Đường ăn”. Đó là lý do mà sinh viên nước ngoài phải hiểu cách phân biệt và cố gắng hơn khi học tiếng Việt. Ngoài ra tiếng Việt còn có hệ thống các nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, nguyên âm ngắn Phụ âm đơn và Phụ âm đôi khá phức tạp”.

Khó cũng phải thử vượt qua

          Để “hạ gục” được những khó khăn trong việc học Tiếng Việt, Khamvanh đã chọn các học theo tình huống mà đã xảy ra với mình, thường xuyên nói chuyện về các chủ đề khác nhau. Khi mới vào học năm nhất đến năm thứ ba thì Khamvanh thích tìm hiểu các từ mới và xem phim nghe truyện, nghe nhạc bằng tiếng việt nhiều hơn, đến nay là năm thứ tư thì bạn chuyển hướng sang giao tiếp với người Việt nhiều hơn, dành nhiều thời gian để tự học và tìm hiểu về ngữ pháp, chính tả. Và đặc biệt nhất là mỗi khi đi học, Khamvanh chú ý lắng nghe các thầy cô giảng dạy bài, không hiểu chỗ nào thì bạn sẽ hỏi lại thầy cô sau khi cuối giờ, đồng thời học theo tài liệu, ghi lại những ý chính của bài giảng.

         Ngoài ra, Khamvanh cũng đưa ra hai phương pháp mà hiện giờ bạn đang áp dụng và rất thành công đó là: Học theo tài liệu rồi ghi lại ý chính và Nghe truyện, nghe nhạc bằng tiếng Việt sau mỗi giờ học vừa để giải trí vừa để nâng cao năng lực ngoại ngữ của mình. Đối với phương pháp học theo tài liệu: “Danh sách những gì cần đọc thường rất dài, và cảm thấy có quá nhiều thông tin cần tiếp nhận thì mình phải chọn danh sách đó và có quá ít thời gian để tiếp nhận. Để việc đọc tài liệu dễ dàng và hiệu quả hơn, mình có thể chia mỗi chương thành các phần nhỏ hơn, xem lại những gì mà mình đã học được ở cuối mỗi phần và ghi lại một vài ghi chú tóm tắt trước khi chuyển sang chương mới. Nếu thấy phần nào đó đặc biệt khó, đừng bỏ qua - hãy đánh dấu phần đó rõ ràng và quay lại đọc và phân tích nó sau”. Sau đó, ghi lại những ý chính (taking note) khi lắng nghe bài giảng, đây là một kỹ năng vô cùng cần thiết. “Vào những ngày đầu học tập, mình khó có thể nghe rõ tất cả những gì giảng viên nói (cũng có thể do cách phát âm tiếng địa phương của giáo viên), nên mình chọn những chỗ ngồi gần phía giáo viên để bắt kịp với bài giảng của giáo viên một cách dễ dàng hơn và cũng khiến mình tập trung hơn. Trong quá trình nghe giảng mình cũng nên chú ý những điều mà giảng viên nhấn mạnh, hay lặp đi lặp lại. Đó chắc chắn là những điều quan trọng có thể có trong bài thi.” Khamvanh chia sẻ.

“Chính các bạn Việt Nam đã chủ động giúp em hòa nhập”

           “Chính các bạn Việt Nam đã chủ động giúp em hòa nhập” đó là chia sẻ của bạn Tuevor Lomany – LHS Lào, lớp Du lịch K17, khi được hỏi về phương pháp để giúp học tốt tiếng Việt tốt hơn.

          Là một công dân Lào nhưng Tuevor  lại thích đất nước láng giềng Việt Nam vì “em rất thích những người Việt Nam sang Lào kinh doanh, buôn bán, hoặc đi du lịch, em muốn nói chuyện nhiều với họ nên càng có động lực để học thêm về Tiếng Việt”, đồng thời cùng với ước muốn trở thành một Hướng dẫn viên du lịch quốc tế, anh chàng chọn ngành Du lịch tại TNUS là nơi gửi gắm giấc mơ của mình. Ban đầu, Tuevor gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với môi trường mới do chưa tự tin vào khả năng nói tiếng Việt của bản thân. Nhưng điều khiến Tuevor bất ngờ là chính các bạn sinh viên người Việt đã chủ động bắt chuyện, giải thích và dạy bạn nói Tiếng Việt sành sỏi hơn.  Ngoài ra, Tuevor cũng dành thời gian mỗi ngày học 5 đến 10 từ mới và áp dụng những từ đã học vào hoàn cảnh cụ thể để giao tiếp như khi đi chợ, học tập trên lớp, khi giao lưu với bạn bè trong và ngoài trường,… Và điều quan trọng nhất mà Tuevor đặt lên hàng đầu đó là: “Khi mình học tiếng nước nào mình phải yêu thích tiếng nước đó và nếu được hãy dành thêm cả tình yêu cho con người và văn hóa của nước đó. Đây sẽ chính là ý tố quan trọng giúp bạn học tốt tiếng Việt”.

Các thầy cô luôn là “người bạn đồng hành” để giúp lưu học sinh Lào học tốt tiếng Việt

          Bỏ qua những rào cản về mặt ngôn ngữ và văn hóa, các thầy cô giáo tại Trường Đại học khoa học đã luôn đồng hành, quan tâm giúp đỡ với các bạn LHS Lào trong trong học tập, sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong việc cải thiệt khả năng tiếng Việt của các bạn tốt hơn mỗi ngày. Ngoài việc cung cấp các các kiến thức trên giảng đường, các thầy cô trong trường còn tổ chức nhiều hoạt động như thi vẽ tranh, kể chuyện, tìm hiểu lịch sử, chơi ghép chữ, hát múa dân gian… Thông qua các hoạt động bổ ích, lý thú này, các bạn lưu học sinh Lào không chỉ được thực hành tiếng Việt mà còn tìm hiểu về sự đa dạng, phong phú trong văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Từ đó, dần đáp ứng tốt khả năng ngôn ngữ trong học tập cũng như sinh hoạt thường ngày.

          Cô Lê Thị Ngân, phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ Văn hóa, đồng thời cũng là giáo viên trực tiếp dạy tiếng Việt cho các bạn sinh viên Lào cho biết: các em lưu học sinh đang học tập tại Trường luôn nhận được sự yêu thương, giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất từ phía Nhà trường, quý thầy cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam. Trong học tập, các giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo để giúp cho lưu học sinh Lào học tập tốt, hiểu bài đồng thời tạo động lực khích lệ các em như chia nhóm học tập, đôi bạn cùng tiến. Nhờ đó các em có tiến bộ rất rõ rệt, khả năng Tiếng Việt tốt hơn mỗi ngày. Đã có nhiều các bạn sinh viên Lào ở các khóa nhận học bổng khuyến khích học tập của nhà trường. Đồng thời các bạn cũng tham gia các phong trào, hoạt động do Khoa, Trường tổ chức, đặc biệt là đã có những bạn sinh viên đạt giải thưởng trong Cuộc thi sinh viên quốc tế hùng biện tiếng Việt do Đại học Thái Nguyên tổ chức.

          Qua những năm tháng học tập, rèn luyện dưới tại Trường Đại học Khoa học, với đa số các bạn lưu học sinh Lào có lẽ TNUS đã trở thành “ngôi nhà thứ hai”.

         Ở nơi đây, dưới mái trường này, ký túc xá là nhà, thầy cô là bố mẹ, bạn bè là anh em. Chính những tình cảm ấm áp, gần gũi và sự quan tâm chu đáo, đúng lúc của các thầy cô, ban quản lý nhà trường, đặc biệt là các bạn sinh viên người Việt đã giúp những “đôi chân” trên con đường chinh phục giấc mơ của các bạn trẻ Lào thêm vững chãi và tự tin hơn.

(Khamvanh Vang – Tavanh Phetnion, Lớp Văn học K17)

Một số hình ảnh về hoạt động học tập, trải nghiệm của LHS Lào Trường ĐHKH: