Văn học ứng dụng - một hướng đào tạo mới của trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

Ngày: 30/07/2018

1.     Văn học ứng dụng - hướng đào tạo mới phù hợp sự phát triển của thời đại 

        Ngày nay, trong xã hội tiêu dùng hiện đại với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, văn học hóa thân vào muôn hình vạn trạng các sản phẩm thuộc các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống: báo chí, truyền thông, xuất bản, điện ảnh, sáng tác, giáo dục, nghiên cứu văn hóa và rất nhiều các hoạt động nối kết cộng đồng… Tuy vậy, bởi lâu nay chúng ta cứ khoác cho văn chương nhiều mỹ từ xa lạ và “trói” nó trong cái lồng chật hẹp cho nên nhiều người nghĩ vào đại học, học ngành văn chỉ là để khi ra trường dạy văn, hoặc sáng tác văn học (viết tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca…).  Trong đào tạo ở bậc đại học, người ta quan tâm đến những ngành nghề “hot” khác để kiếm tiền nhanh, đào tạo ngành Văn học rơi vào trạng thái yếu thế, thậm chí có người bi quan cho rằng “Văn học đã chết”. Song thực tế cho thấy tại các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp… ngành Văn học và Viết sáng tạo lại đang có xu hướng gia tăng bởi trong xã hội hiện đại có rất nhiều ngành nghề ngày càng đòi hỏi người làm việc phải có kiến thức sâu sắc, am hiểu về văn học nói riêng và văn hóa nói chung. Như vậy, trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc thay đổi chương trình đào tạo ngành Văn học, chuyển từ hàn lâm sang hướng ứng dụng thực tiễn là một hướng đi phù hợp với sự phát triển tất yếu, khách quan của lịch sử, thời đại. Trong bối cảnh cả nước đổi mới toàn diện giáo dục đại học, Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã có những chiến lược chuyển hướng mạnh mẽ trong đào tạo ngành Văn và việc mở ngành Văn học ứng dụng là một trong những bước đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

2.     Ngành Văn học ứng dụng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng gì?

      Về kiến thức,  ngành Văn học ứng dụng trang bị cho người học những kiến thức nền tảng về văn hóa, triết học, chính trị,  công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Kiến thức văn hóa bao gồm văn hóa Việt Nam và văn hóa các dân tộc trên thế giới, kiến thức triết học không dừng lại ở phạm vi triết học Mác - Lenin mà mở rộng kiến thức triết học phương Đông và phương Tây. Chương trình chú trọng đến khối kiến thức ngôn ngữ  bao gồm Ngữ âm, Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ dụng học, Hán-Nôm, tiếng Anh, và một số ngoại ngữ khác (tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung, tiếng Đức…) theo hướng người học tự chọn…, khối kiến thức văn học bao gồm Lý luận văn học, Văn học Việt Nam, Văn học phương Tây, Văn học châu Á... Học ngành Văn học ứng dụng, người học sẽ có trong hành trang của mình một vốn tri thức không nhỏ để sử dụng linh hoạt, thiết thực trong đời sống, xử lý công việc một cách hiệu quả. Sự hiểu biết về văn hóa nói chung và văn học nói riêng như “chìa khóa” vạn năng giúp chúng ta có thể mở mọi cánh cửa những vấn đề có liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa xã hội.  

       Về kỹ năng, đặc biệt khác với chương trình đào tao Cử nhân Sư phạm Ngữ văn và Cử nhân Văn học kiểu truyền thống trước đây, sinh viên được phát triển các kĩ năng nghề nghiệp gắn với truyền thông đại chúng, truyền thông doanh nghiệp và truyền thông xuất bản thông qua khối kiến thức truyền thông, PR, nghiệp vụ văn phòng thông qua các học phần: Báo chí truyền thông, Ngôn ngữ báo chí, Viết quảng cáo, Biên tập thông tin du lịch,  Biên tập văn bản báo chí, Truyền thông quan hệ công chúng, Tổ chức sự kiện, Báo chí về văn học nghệ thuật...

      Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ phát triển như vũ bão của các ngành công nghệ thông tin đã kéo con người lại gần nhau hơn.  Chưa bao giờ sự tương tác, phản hồi giữa tác giả và người đọc nhanh đến như vậy. Công nghệ số đã dẫn đến sự xuất hiện của những ngành nghề rất mới và rất “hot” như: viết content, biên tập nội dung website…, đó là những công việc đòi hỏi nhiều không những về kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà nó còn đòi hỏi người đảm nhiệm công việc phải tích hợp được kỹ năng công nghệ thông tin để biên tập nội dung video, sử dụng phần mềm chỉnh sửa video, hình ảnh,…những điều này, buộc chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng phải bứt phá khỏi giới hạn của chương trình trình đào tạo cũ để mang đến cho người học những môn học tích hợp nhiều giá trị tri thức mới, đáp ứng yêu cầu của xã hội, đặc biệt kỹ năng làm việc trong lĩnh vực truyền thông số.

      Bên cạnh khối kiến thức thực tế, thực tập… chiếm tỉ lệ 13% thời lượng chương trình đào tạo, tỉ lệ thực hành trong mỗi học phần cũng chiếm 30-50% tổng thời gian. Sinh viên được đi nghiên cứu, điền dã thực tế từ năm thứ hai và được kết nối thường xuyên với các cơ quan thông tấn, doanh nghiệp truyền thông như: Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Báo Giáo dục - Thời đại, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên… để thực hành và nâng cao các kĩ năng nghề nghiệp trong suốt quá trình đào tạo.  Như vậy, các hình thức học tập phong phú gắn lý thuyết với thực hành, các chuyến thực tế hữu ích sẽ giúp người học hội đủ các kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai như thuyết trình, quản lý, điều hành và làm việc nhóm.

     Hơn hết, với hồn cốt là nền tảng văn chương, người học còn được nuôi dưỡng chữ tâm với cuộc đời và con người, với nghề nghiệp mà mình gắn bó, rèn luyện khả năng nhạy bén, thích nghi, sáng tạo trong công việc. Đó là những giá trị, phẩm chất quan trọng của người lao động mà trong bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải có.

3.     Học Văn học ứng dụng - cơ hội việc làm rộng mở

    Học văn học theo định hướng ứng dụng chính là một lựa chọn phù hợp cho những người học yêu văn chương và khối ngành xã hội. Cơ hội nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở việc dạy học và nghiên cứu. Xin được giới thiệu thêm một vài cơ hội việc làm mà bạn có thể lựa chọn nếu bạn là cử nhân ngành Văn học ứng dụng như:

- Nghiên cứu và giảng dạy văn học, văn hóa và ngôn ngữ tại các trường Đại học, Trung học; công tác tại các viện, trung tâm nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, văn hóa;

- Phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn báo chí, đài phát thanh, truyền hình;

- Hướng dẫn viên du lịch;

- Quản lý và tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật tại các sở, ban ngành địa phương;

- Chuyên viên truyền thông, viết kịch bản, xây dựng chiến lược tiếp thị và tổ chức chương trình quảng bá ấn phẩm văn hóa nghệ thuật;

- Viết bài quảng cáo, bài PR sản phẩm cho doanh nghiệp và nhà xuất bản

    Đặc biệt, với thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt, có độ mở, luôn tiếp thu những tri thức mới của nhân loại, sinh viên ngành Cử nhân Văn học của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên sẽ có đủ năng lực đảm nhận các công việc liên quan đến chuyên ngành Văn học, các công việc gắn với nhu cầu nhân lực truyền thông đang ngày một tăng cao hiện nay của xã hội trong thời gian tới. Gần gũi với truyền thông - báo chí, ngành học này tạo nền móng để người học tác nghiệp trong lĩnh vực marketing, PR- truyền thông doanh nghiệp, truyền thông xuất bản… Bên cạnh đó, với tri thức nền văn học, người học có kỹ năng viết tin bài, phóng sự hoặc phê bình tác phẩm nghệ thuật trên báo chí… Ở khía cạnh sáng tác, ngành học giúp tích vốn văn chương và truyền thụ cảm hứng để trở thành những nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp. Ở khía cạnh giáo dục - đào tạo, kiến thức chuyên ngành là hành trang để giảng dạy các cấp học từ Tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng, đại học; để dạy kỹ năng về ngôn ngữ trị liệu cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, tổ chức ngoại khóa cho trẻ là con em các dân tộc thiểu số… Tất cả đều cho thấy sức sống màu nhiệm của Văn học và sự ứng dụng đa dạng của ngành học này trong đời sống xã hội.

        Trong sự phát triển của nhân loại, cho dù ở bất kỳ thời đại nào văn học cũng luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Trước những thách thức của xã hội hiện đại, ngành Văn học ứng dụng bằng thế mạnh rất đặc trưng của mình đã và đang phát huy tác dụng, đồng thời khẳng định được vị thế của riêng mình. Đúng như GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Nhà trường đã khẳng định: “Bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại, chuyển mạnh hướng đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên với đội ngũ giảng dạy là các nhà giáo, các nhà nghiên cứu có uy tín nghề nghiệp, tâm huyết và trí tuệ luôn là địa chỉ tin cậy, giúp người học kiến tạo nền tảng năng lực vững vàng để đi đến thành công”./.

Sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Cựu SV Văn K7 Tạ Hồng Oanh- biên tập viên Đài TH KTS VTC

Sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông thực hành tại phòng thu của VOV

Nguyễn Văn Khuê - Cự SV Văn K6 - Hiện làm việc tại Ban Công tác thiếu nhi TW Đoàn TNCS HCM

Giảng viên và sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học tham dự Hội thảo kỷ niệm ngày phát thanh thế giới tại VOV

(Sao Khuê – Khoa Báo chí, Truyền thông và Văn học)