Phát triển Văn hóa đọc trong Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
Trường Đại học ĐHKH trong những năm gần đây đang liên tục đổi mới chương trình đào tạo từ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp nghiên cứu đến đội ngũ giảng viên, phương tiện giảng dạy… nhằm phục vụ hiệu quả mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học (ĐHKH) thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH trong đó vấn đề hiện đại hóa thư viện, phát triển văn hóa đọc( VHĐ) vì đây là yếu tố quyết định thúc đẩy quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên.
Vậy Văn hoá đọc là gì là tại sao lại cần thiết trong môi trường đại học?
I. Sự cần thiết phải phát triển văn hóa đọc trong trường đại học
Tại Hội thảo “Văn hóa đọc, thực trạng và giải pháp” tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh (2010), khái niệm Văn hóa đọc “là một hoạt động văn hóa của con người, bởi lẽ đọc sách cách tiếp cận tri thức, thông tin, tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua sách báo, tài liệu. Hoạt động này bao gồm ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, cụ thể là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Hay nói một cách khác đơn giản hơn là thái độ của mỗi cá nhân với đối với việc tiếp cận tri thức, sách vở”
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, hiện nay các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã chuyển đổi phương thức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Đặc điểm của đào tạo theo hệ thống tín chỉ là giảm số giờ lý thuyết và tăng số giờ thảo luận, thí nghiệm, thực hành. Giờ tự học của sinh viên tăng gấp đôi so với đào tạo theo niên chế; chuyển từ cách dạy truyền thống thầy đọc - trò ghi sang tích cực hóa quá trình dạy học, trong đó giảng viên trình bày những nội dung cơ bản của học phần và hướng dẫn cho sinh viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu, có phương pháp đọc sách , bởi đọc sách chính là cách học tập tốt nhất, là phương tiện cần thiết và hiệu quả nhất để tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng.
II. Thực trạng Văn hóa đọc trong Trường ĐHKH:
Thư viện Trường ĐHKH đặt tại tầng 2 Trung tâm Số, Đại học Thái Nguyên (TTS) với diện tích 107 m2 không gian riêng cho khu vực đọc chuyên ngành và sử dụng khu vực đọc chung trong cả 3 tầng còn lại của TTS, đó là kho sách, thiết bị hạ tầng hiện đại, kho tài liệu số khổng lồ và sự hỗ trợ của các CBTV chuyên nghiệp đây là môi trường học tập lý tưởng để bạn đọc có không gian đọc tốt để sinh viên tự học tập, nghiên cứu;
Hiện nay, Thư viện Trường ĐHKH hiện có 4.312 tên sách, tương đương với 22.941 bản tài liệu in ấn và 5.560 tài liệu số,... ngoài ra còn có CSDL quốc tế online là CSDL Sciendirect và toàn bộ nguồn tài nguyên thông tin của Trung tâm Số...Từ nguồn lực thông tin phong phú, trong năm 2022, lượt bạn đọc sử dụng TV ĐHKH khá cao: Cụ thể 4.426 lượt mượn, sử dụng TTS là 21.147 lượt mượn sách và truy cập TL điện tử.
Để phát triển VHĐ, Thư viện thường xuyên tổ chức nhiều buổi đào tạo sử dụng thư viện đầu mỗi khóa nhập học, thực hiện giới thiệu thư mục sách mới, clip- cuốn sách hay, tổ chức cuộc thi Book review- những cuốn sách hay, chương trình đổi sách lấy cây... thông qua fanpage Thư viện và Câu lạc bộ sách và tri thức Khoa học... để thu hút sinh viên tương tác với Thư viện. Như vậy, Thư viện Trường ĐHKH đã tạo môi trường tự học thuận lợi cho sinh viên với hệ thống cơ sở vật chất tại thư viện, nhận thức của sinh viên về vấn đề đọc sách trong nhà trường được nâng cao.
Tuy nhiên, Trong những năm gần đây, một thực trạng đáng báo động trong những năm gần đây đó là xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách của công chúng, trong đó đáng chú ý đến giới trẻ và sinh viên là do bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng mạng internet và các phương tiện nghe, nhìn. Bên cạnh những tấm gương có ý chí phấn đấu trong học tập sử dụng thư viện tích cực, là tình trạng phần lớn sinh viên chỉ học và đọc khi các kỳ thi đã tới gần, học đối phó - học để thi. Tài liệu, sách, báo, sinh viên chỉ đọc khi giảng viên yêu cầu làm tiểu luận, bài tập lớn, hay thuyết trình về một đề tài hoặc chỉ phục vụ cho kỳ thi, tức là chỉ khi bị áp chế, bắt buộc, sinh viên mới có ý thức đọc mang tính tức thời. Cách học đó khiến người học không tạo được tính chủ động tích cực trong học tập, nghiên cứu và thói quen đọc sách, mà đọc theo nhu cầu hoặc sở thích.
*Mặc dù có sự quan tâm đầu tư của Nhà trường trong những năm gần đây, nhưng việc phát triển VHĐ tại Trường ĐHKH còn có những mặt hạn chế như sau:
+ Chất lượng sản phẩm và các dịch vụ thông tin - tư liệu chưa cao; Chưa triển khai được các hoạt động cung cấp thông tin chuyên sâu, thông tin chọn lọc. Các dịch vụ thông tin hiện đại thực hiện không đồng bộ, kinh phí mua tài liệu cấp cho Thư viện còn hạn chế hoặc tài liệu chuyên ngành thường không tái bản... Các loại tài liệu có tính chất nghiên cứu chuyên sâu như sách tra cứu, chuyên ngành, tạp chí ngoại văn… còn ít nên chưa lôi cuốn được nhiều bạn đọc tham gia hoạt động đọc cũng như việc sinh viên tiếp cận thư viện.
+ Chưa có sự phối hợp giữa Thư viện Trường với các khoa, giáo viên chủ nhiệm... nên tình trạng lãng phí do tài liệu không được khai thác hết hiệu quả.
+ Cán bộ Thư viện thiếu, hiện chỉ có 2 người đảm nhiệm rất nhiều mảng công việc, trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ Thư viện còn nhiều hạn chế nên việc hỗ trợ người dùng tin khai thác hiệu quả nguồn thông tin của Thư viện chưa đạt hiệu quả cao.
+Phần mềm Thư viện đang trong giai đoạn được nâng cấp nên chưa xây dựng được các bộ sưu tập số và các sản phẩm dịch vụ mới. Kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin của nhiều bạn đọc không tốt, tình trạng bạn đọc sử dụng các trang mạng xã hội quá nhiều... làm chi phối quá nhiều quỹ thời gian và lười tiếp cận Thư viện. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ cũng là một rào cản tương đối lớn trong việc đọc các tài liệu bằng tiếng nước ngoài....
III. Các định hướng để phát triển Văn hóa đọc tại TNUS
1. Tăng cường bổ sung Giáo trình in ấn, các tài liệu tham khảo, số hóa các tài liệu quý hiếm, tài liệu nội bộ, mua báo tạp chí chuyên ngành và các tài liệu phát triển kỹ năng nghề nghiệp, giải trí,… để giúp sinh viên có góc nhìn sâu hơn về văn hóa, xã hội; cần tạo ra không gian đẹp về kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn để tạo cảm hứng cho bạn đọc, tái tạo sức khỏe tinh thần cho bạn đọc có thể ngồi đọc lâu trong Thư viện và có hiệu quả đọc tối ưu;
2. Kết nối toàn thể sinh viên trong Trường là một trọng trách mà toàn bộ CBGV cần liên kết, phối hợp cũng như nâng cao vai trò của VHĐ. Về phía thư viện: Liên hệ thường xuyên với cán bộ, giảng viên các khoa một cách thường kỳ để kịp thời nắm bắt nhu cầu, sự thay đổi về nguồn tài liệu, trao đổi về những nguồn tư liệu mới trên cơ sở đó phát triển bộ sưu tập và dịch vụ thư viện, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Về phía Giáo viên, các giảng viên sẽ là người truyền cảm hứng đọc sách cho các bạn sinh viên, mỗi thầy cô đều là tấm gương tự học để sinh viên noi theo;
3- Kiểm soát lưu lượng bạn đọc sử dụng Thư viện nhằm nắm bắt được nhu cầu đọc cũng như các hoạt động quảng bá, tuyên truyền các spdvtv tới đông đảo bạn đọc, nâng cao vai trò của thư viện cũng như tạo mối quan hệ mật thiết giữa bạn đọc với thư viện. Hàng tháng, thông qua bản tin điện tử, cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết như giới thiệu tài liệu mới để bạn đọc tiếp cận và sử dụng tài liệu có sự chủ động;
4. Tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng Thư viện hiệu quả cho sinh viên, các học viên... Cán bộ Thư viện cần tham dự các cuộc hội thảo về chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy để nắm bắt kịp thời những thay đổi về nội dung, chương trình, phương pháp dạy - học; phát triển các câu lạc bộ đọc sách và tri thức Khoa học của trường ngày càng lớn mạnh để từ đó lan tỏa tới các bạn sinh viên những tấm gương học tập, những cuốn sách hay ở mỗi ngành đạo tạo… để tạo cảm hứng đọc để toàn thể sinh viên có phong trào đọc . Tổ chức nhiều hoạt động về sách với những hình thức thiết thực và sinh động để tránh nhàm chán, thu hút được đông đảo các bạn sinh viên tham gia.
Nói tóm lại, Việc phát triển Văn hoá đọc là một nhiệm vụ trọng tâm của Thư viện ĐHKH để lan tỏa giá trị tốt đẹp của Sách và Văn hóa đọc trong toàn Trường đặc biệt là sinh viên, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.
Ảnh và bài: Lê Thị Hiền- Thư viện trường ĐHKH