Vai trò nội lực của Trường Đại học khi ứng phó với các tình huống khẩn cấp

Ngày: 23/02/2021

Covid-19 vẫn đang là thách thức lớn của xã hội khi số ca tăng lên vì lây nhiễm trong cộng đồng rất nhanh chóng. Việc phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong các tình huống ứng phó khẩn cấp thì nội lực của cơ sở giáo dục đại học – nơi có các nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao cần được như nhìn nhận như thế nào?’’

Chủ động ứng phó trong tình huống khẩn cấp

Từ khi Việt Nam xuất biện bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm đến những ngày có tâm điểm “nóng” về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên được biết đến là cơ sở giáo dục đại học “đặc biệt” với nhiều nghiên cứu thiết thực phục vụ cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch.

Tháng 2/2020, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học đã chế tạo thành công nước rửa tay sát khuẩn. Sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn y tế của Nhà trường có hiệu lực diệt khuẩn mạnh với công thức thành phần hóa học cơ bản của dung dịch sát khuẩn y tế thông dụng mà Bộ y tế công bố, kết hợp với các tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu xả, tinh dầu bạc hà, tinh dầu hồi.

Sau thành công từ việc cho ra đời sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn, các nhà khoa học đã tiếp tục điều chế và cho ra sản phẩm nước súc miệng Nano bạc thảo dược. Các sản phẩm này đã được kiểm nghiệm độ an toàn hóa học, sinh học và hiệu lực diệt khuẩn tại Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam - Bộ khoa học và Công nghệ. Khác biệt lớn nhất của sản phẩm nước súc miệng và dung dịch sát khuẩn của Trường Đại học Khoa học là có nano bạc có hiệu lực diệt khuẩn mạnh được điều chế bằng phương pháp tổng hợp xanh sử dụng dịch chiết lá chè.

Ngay sau đó, hàng nghìn chai nước sát khuẩn và nước xúc miệng đã được sản xuất rộng rãi và phát miễn phí ở khu vực công cộng toàn Đại học Thái Nguyên, hỗ trợ các trường học THPT, các trường học miền núi khó khăn, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc phòng dịch Covid-19.

Trong thời điểm dịch trở nên căng thẳng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, địa phương đang có dịch chỉ đạo huy động tổng lực tiếp tục thần tốc truy vết, tăng cường thực hiện nhanh hơn nữa việc xét nghiệm bằng phương pháp PCR nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

Ngày 18/5/2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định 1421/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp bách “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”, giao cho Trường Đại học Khoa học chủ trì, phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện.

Trong thời gian ngắn (chỉ 3 tháng) từ khi nhận nhiệm vụ từ ban chỉ đạo phòng chống dịch CoVid-19 của tỉnh vào tháng 5 năm 2020. Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng - chủ nhiệm đề tài và các nhà khoa học đã làm việc liên tục ngày đêm và tập trung cao độ và đã đạt được kết quả cao do Bộ Y tế thẩm định. Các kết quả nghiên cứu tương đương với các bộ kit tốt nhất trên thế giới hiện nay đang được nhiều nước sử dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học cho biết: “Khi chúng tôi bắt đầu vào ngày 21/3 thì tại thời điểm đó, sản phẩm được công bố và cấp phép của Bộ Y tế thì có duy nhất một bộ sinh phẩm của Công ty Việt Á phối hợp với học Viện Quân y để sản xuất. Mong muốn của chúng tôi là bộ sinh phẩm mà chúng tôi làm ra làm sao phải đạt được độ nhạy độ đặc hiệu tương đương với các bộ sinh phẩm đã được sử dụng và thời gian chuẩn đoán chúng tôi cố gắng tối ưu để làm sao thời gian chuẩn đoán không quá 1.5 giờ.

Mặc dù thời gian nghiên cứu tỷ lệ nghịch với năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học. Nhưng kết quả có được từ lao động khoa học của các nhà nghiên cứu Trường Đại học Khoa học là thực sự cần thiết, góp phần tích cực chủ động vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đảm bảo sinh phẩm y tế cho chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh vẫn luôn phải sẵn sàng để kịp thời ứng phó. Việc phòng chống dịch phải tuân thủ quy tắc “phát hiện, cách ly và truy vết,” trong đó điều kiện quan trọng của “phát hiện” là xét nghiệm. Người địa phương trở về từ vùng dịch không chỉ cần được test nhanh mà rất nên được xét nghiệm Realtime-PCR. Do đó, việc đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm cộng đồng để khống chế dịch bệnh là cần thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua Viện Pasteur Nha Trang đã tạm hoãn nhận mẫu xét nghiệm Covid-19 do không còn nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao; Thông tin, năng lực xét nghiệm hiện tại của một số địa phương còn yếu; Nhiều địa phương không mua được máy xét nghiệm Covid-19 và mẫu sinh phẩm; Nguồn cung ứng gặp nhiều khó khăn. Trong tình huống khẩn cấp do dịch bùng phát mạnh, nhiều người lo lắng liệu Việt Nam có đáp ứng đủ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19?

Bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của nhóm tác giả Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên nghiên cứu là bộ sinh phẩm thứ 4 được nghiên cứu thành công trên phạm vi cả nước. PGS.TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Bộ sinh phẩm đã đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng chẩn đoán, về độ nhạy lâm sàng, độ đặc hiệu lâm sàng, độ đặc hiệu phân tích, ngưỡng phát hiện phản ứng; độ bền (ổn định)… Đặc biệt, thời gian thực hiện phản ứng Realtime PCR dao động từ 1 giờ đến 1 giờ 15 phút tùy theo từng hệ thống PCR, nhanh hơn so với hầu hết các bộ kit Realtime PCR hiện nay từ 25 -30 phút. Giá thành dự kiến giảm khoảng 15 - 30% so với một số bộ kit đang được sử dụng hiện nay.”

Nhìn từ nhiều mặt, thông thường trong giai đoạn dịch bệnh rất bị ảnh hưởng do đó các vấn đề về nhập khẩu sinh phẩm hết sức khó khăn. Việt Nam đã có thêm bộ sinh phẩm (bộ kít) phát hiện Covid-19 sẽ giúp cho công tác chống dịch nhanh hơn rất nhiều. Đồng thời, giúp các địa phương có thể chủ động tiến hành cả xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh) và xét nghiệm kháng nguyên (xét nghiệm PCR) có độ chính xác cao.

Có thể thấy, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Đại học Khoa học tạo cơ sở cho việc sản xuất trên số lượng lớn đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiến tới cung cấp cho các địa phương khác. Xóa tan nghi ngại cho người dân khi có dịch “kêu khó” trong cơ chế mua sắm bộ xét nghiệm, hoặc lo ngại về vấn đề giá cả.

Nội lực trường Đại học có từ đâu?

Nghiên cứu khoa học đều hướng đến mục đích phục vụ con người, phục vụ cộng đồng. Tùy từng điều kiện và giai đoạn, cần có sự hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Điều này phù hợp với định hướng của Trường Đại học Khoa học là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hướng tới tính ứng dụng thực tiễn và chuyển giao công nghệ cho cộng đồng.

Việc trường Đại học Khoa học đủ năng lực tham gia xét nghiệm Covid, chủ động sản xuất các “sản phẩm tại chỗ” như này là điều rất đáng khích lệ, đáp ứng được nhu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh. Kết quả sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn và nước súc nano bạc thảo dược đã là thành công nhỏ bước đầu trên cơ sở nghiên cứu cơ bản của Trường Đại học Khoa học phục vụ trước mắt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

Khi Việt Nam công bố ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, vào thời điểm đó, với tinh thần và trách nhiệm vì cộng đồng, Trường Đại học Khoa học đã nghiên cứu, tìm hiểu về tính chất, đặc điểm của dịch bệnh và tin tưởng có thể cùng các đồng nghiệp thực hiện bộ sinh phẩm xét nghiệm, phát hiện virus SARS-CoV-2.

Xét về nhiều khía cạnh, nhiệm vụ khoa học này không đơn thuần là một đề tài nghiên cứu khoa học thông thường. Đây là đề tài vừa một cần đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu, thiết bị hiện đại, độ an toàn rất cao. Điều đáng nói là nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học đã mạnh dạn chủ động đề xuất đề tài này với Đại học Thái Nguyên và ủy ban tỉnh.

Sau 3 tháng, nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên đã cho ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Điều này cho thấy sự đoàn kết, đồng lòng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học.Tất cả cùng dồn tâm huyết cho công trình khoa học ý nghĩa vì cộng đồng. Họ đã xác định trách nhiệm với cộng đồng và cũng là cơ hội để cống hiến cho xã hội.  

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ tướng chính phủ về việc tăng cường thực hiện xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, Trường Đại học Khoa học đầu tư trang thiết bị và nhân lực, sinh phẩm cho hệ thống phòng thí nghiệm với nhiều trang thiết bị hiện đại.

Nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong tình huống cấp bách, các giảng viên Trường Đại học Khoa học đã khẳng định những công trình nghiên cứu không chỉ có giá trị khoa học cơ bản, hàn lâm mà còn đem lại giá trị thực tiễn, gần với cuộc sống dân sinh.

Song song với đào tạo đội ngũ là xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để xây dựng uy tín, thương hiệu của nhà trường. Trường Đại học Khoa học xác định để đào tạo có chất lượng, nghiên cứu khoa học thành công, tư vấn chính sách hiệu quả thì chất lượng đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định. Trong nhiều năm qua nhà trường đã cử cán bộ đi đào tạo nghiên cứu sinh, làm sau tiến sĩ ở các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước để tiếp thu kiến thức mới, tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại.  PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học cho biết: “Nhà trường đã được đầu tư nhiều trang thiết bị chất hiện đại, đủ sức thực hiện các đề tài cần ứng dụng công nghệ cao và sẵn sàng thực hiện các nghiên cứu đặt hàng cho các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước. Nhóm các nhà khoa học của trường đã từng thành công ở nhiều đề tài khoa học lớn cấp quốc gia. Tuy nhiên, đề tài lần này mang ý nghĩa hết sức nhân văn, đó là chung tay, góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19."

Nhìn từ việc các nhà khoa học tại trường Đại học đã nghiên cứu và phát triển thành công bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR, không thể phủ nhận vai trò của trò nội lực của cơ sở giáo dục đại học. Chiến thắng trên mặt trận chống dịch COVID-19 của các cơ sở đại học nói chung và Trường Đại học Khoa học nói riêng đã góp phần quan trọng cùng với cả nước đẩy lùi dịch bệnh./

Vi Phương (Khoa Báo chí – Truyền thông)