Tự hào là sinh viên khoa Luật và Quản lý xã hội

Ngày: 23/10/2018

“The best and most beautiful things in the world cannot be seen or even touched - they must be felt with the heart.”- (Helen Keller)

Nguyễn Thị Điệp, chuyên viên Hành chính - Nhân sự tại Sở Kế hoạch và Đầu Tư tỉnh Cao Bằng - cựu sinh viên Lớp K6-KHQL

Nhận lời đề nghị viết bài này sau một lần trò chuyện với người thầy, người bạn thân thiết của tôi hiện đang là giảng viên của Khoa Luật & Quản lí xã hội về nỗi nhớ Thái Nguyên, nhớ Trường Khoa học, nhớ khoa Luật & Quản lí xã hội, nhớ thầy cô bạn bè; tôi ngập ngừng không dám nhận lời bởi tôi biết tôi không phải người giỏi viết văn, lại càng không phải là sinh viên ưu tú, thành đạt nhất của Khoa, của trường, những điều tôi viết không nhằm mục đích PR với những ngôn từ hào nhoáng hay những câu chuyện khoa trương, tôi chỉ muốn viết, muốn chia sẻ, muốn tâm sự với những ai đã yêu, chưa yêu và sẽ yêu khoa Luật và Quản lí xã hội những cảm nhận, cảm xúc chân thật nhất của mình, những điều lúc nào cũng chất chứa trong tôi như nó vốn có mà tôi chẳng phải cố tình tạo ra, những điều khó có thể nhìn thấy hay chạm vào mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.

Lật lại kí ức về miền thơ ấu, tôi phải kể lể một chút về cái cơ duyên sâu sa đưa tôi đến với Thái Nguyên, với ngôi trường Đại học Khoa học. Nhà tôi nghèo, làng tôi cũng nghèo, học tiểu học tôi vẫn thường ăn cơm độn sắn, ăn ngô bung thay cơm, mặc quần vá, đeo dép khâu, tuổi thơ của tôi chưa biết đến mùi thơm của hộp sữa bò, đổi lại tôi sinh ra trong một gia đình giàu lòng nhân ái và cần cù lao động. Từ nhỏ tôi khá thông minh và có tâm hồn nhạy cảm (là thầy cô giáo và các bác hàng xóm nhận xét tôi như thế). Bác tôi thường động viên “Cháu cố gắng học giỏi, về làm lãnh đạo để giúp dân làng thoát đói, thoát nghèo”. Câu nói ấy nó đã trở thành ước mơ và mục tiêu phấn đấu của tôi, được tôi nuôi dưỡng và ấp ủ từ khi còn nhỏ. Lên cấp 3 khi các bạn chuẩn bị cho việc thi đại học ở những lò ôn thi nọ, lò luyện thi kia thì tôi quyết định sẽ tự ôn luyện ở nhà, các bạn đăng ký thi vào các trường danh giá, top đầu với nhiều nguyện vọng,  còn tôi xác định đã thi là phải đỗ và chỉ đăng ký vào 01 trường duy nhất. Lật đi, lật lại cuốn tư vấn tuyển sinh tôi tìm thấy ngành “Khoa học quản lí” của Khoa Khoa học tự nhiên và Xã hội – Đại học Thái Nguyên mà nay là trường Đại học Khoa học, thấy điểm đầu vào của trường vừa sức, hơn nữa lại là ngành học mà thời điểm đó tôi cho là có thể biến ước mơ của tôi thành sự thực, tôi làm hồ sơ đăng kí, tôi đã thành công và vẫn luôn tự hào với quyết định của mình.

Tôi tự hào vì được học ở một môi trường học tập nhân văn:

Chắc sẽ có người thắc mắc môi trường học tập nhân văn của tôi như thế nào, với tôi nó đơn giản lắm: đó là hình ảnh các thầy cô đón học sinh miền núi xuống nhập học lúc nửa đêm; là những phòng ký túc xá miễn phí, là hình ảnh của thầy phó khoa, cô chủ nhiệm nộp tiền học phí cho sinh viên nghèo, đôn đáo tìm việc làm thêm để giới thiệu cho sinh viên, là những xuất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, là những lần cô trò sát cánh bên nhau tham gia những chương trình thực tế, những giờ học ngoại khóa, là hình ảnh cô trò dắt nhau vượt hàng trăm cây số để động viên một bạn học tiếp tục đến trường, là hình ảnh thầy cõng trò đi viện dưới cơn mưa tầm tã trong một chuyến thực tế địa phương, là những phần “thưởng nóng”, “thưởng nguội” lúc chúng tôi đạt thành tích văn nghệ, thể thao, là những thăm hỏi, động viên, chia sẻ tâm tư tình cảm bất cứ khi nào chúng tôi cần, là những giờ giảng bài tâm huyết, những chia sẻ bằng cả trái tim, ….. Thầy cô của chúng tôi nhân văn như thế, tuyệt vời như thế. Tôi thấy rõ những tình cảm thương yêu chân thành của các thầy cô với chúng tôi, những sinh viên miền núi, mùa đông chưa đủ manh áo ấm, bữa cơm còn tiết kiệm thịt, rau. Để rồi ngày ra trường thầy trò bùi ngùi chia tay với bao nước mắt, bao hi vọng.

Thời còn hoạt động Đoàn, tôi vẫn nhớ như in lời thầy Hiệu phó: “Sinh viên trường ta chủ yếu đến từ miền núi, nhiều bạn còn rất khó khăn, hoạt động Đoàn cần tập trung giúp đỡ chính sinh viên trong trường trước khi hướng ra bên ngoài”. Vì thế năm nào những chuyến xe miễn phí về quê ăn tết cũng khỏi hành; những suất học bổng cho sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được trao; những“Bữa cơm miễn phí - Tiếp sức mùa thi” ; những chương trình “Lá lành đùm lá rách”, “Tết ấm yêu thương”; “hướng về đồng bào trong những cơn hoạn nạn, bão lũ, thiên tai”  được tổ chức với những ý nghĩa hết sức thiết thực.

Chính từ  môi trường đó, những tình cảm yêu thương luôn được vun đắp và nuôi dưỡng, cho tới giờ sau 5 năm ra trường tập thể lớp tôi vẫn cứ yêu thương nhau, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, vẫn tranh thủ dành cho nhau 5, 10 phút mỗi chuyến công tác qua, vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các thầy cô của chúng tôi.

Tôi tự hào về những người thầy làm nên những điều tuyệt vời

Tôi gặp được ở đây những người truyền cảm hứng tuyệt vời: các bạn lo lắng chưa có phương pháp học tập ở môi trường đại học, thật ra chỉ cần các bạn yêu thích môn học đó thì các bạn sẽ học tốt cả thôi, mà tôi tin rằng các thầy cô sẽ truyền được cảm hứng yêu thích đó cho các bạn, những giờ học kỹ năng giao tiếp cô Ngân, Logic học của cô Huyền, Tôn giáo học của Thầy Tài, Quản lý nhân lực của cô Phương….tôi vẫn nhớ những tiết học trao đổi, thảo luận, nhiều hôm tiết học phải kéo dài đến tận tối vì không khí trao đổi, phản biện “hăng quá”. Được truyền cảm hứng học tập các bạn sẽ yêu thích và từ yêu thích các bạn sẽ học một cách chủ động, tự học, tự nghiên cứu, đảm bảo kết quả học tập của các bạn sẽ cao, đến đây tôi lại khoe một chút, thời sinh viên tôi ghi dấu ấn với những điểm 10, học đại học mà được điểm 10 thì các bạn biết rồi đấy, oai và tự hào lắm chứ, mỗi điểm 10 tôi đều nhớ rất rõ và chắc chắn rằng nếu không được các thầy cô truyền cho cảm hứng yêu thích môn học để tự nghiên cứu, đầu tư cho bài làm thì tôi đã không có kết quả đó.

Không chỉ truyền cảm hứng học tập, các thầy cô còn truyền cho tôi những cảm hứng về cuộc sống bằng chính nghị lực sống, những thành công và đóng góp của mình.

Cảm xúc của các bạn thế nào khi thấy tên các thầy cô của mình trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, được vinh danh trên truyền hình, tên các thầy cô được sướng lên trong lễ công bố quyết định học hàm GS.PGS, học vị Th.S; TS; những cuốn giáo trình mang tên các thầy cô, rồi cả những doanh nghiệp, những công ty mà thầy cô làm chủ, với tôi đó là idol, là ngưỡng mộ và tự hào vô cùng; ở các thầy cô là những nghị lực phi thường, là những năng lực nghiên cứu, quản lý, lãnh đạo tuyệt vời, ít ai biết rằng đằng sau những thành công đó là hình ảnh của cô giáo một mình làm trụ cột, gánh vác cả gia đình vì cha mất sớm, là hình ảnh của cô giảng viên “một nách hai con nhỏ” vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền nơi đất khách và tấm bằng tiến sĩ, là những người thầy xuất thân trong nghèo khó, buôn trải đủ thứ nghề để được dạy sinh viên, được làm nghiên cứu. Chính những con người đó đã truyền cho tôi sức mạnh, tạo cho tôi động lực mạnh mẽ, để noi gương, đến hôm nay, mặc dù chưa phải là người thành đạt, song bố mẹ tôi có quyền tự hào về tôi, tự hào về đứa con gái đã luôn nỗ lực hết mình như các thầy cô của nó.

Cựu sinh viên Nguyễn Thị Điệp và tập thể Lớp K6-Khoa học quản lý

Tôi tự hào về sinh viên trường tôi, sinh viên khoa tôi

Những cánh chim tự lực: nói hình tượng như vậy là vì chúng tôi đến từ mọi miền tổ quốc,  thủa vào trường hầu như đều một thân một mình đi nhập học, đứa nào may mắn thì 4 năm được bố mẹ lên thăm đôi ba lần, bởi nhà xa, kinh tế khó khăn, thế mà đứa nào đứa ấy bản lĩnh ra trò; lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, vươn lên trong cuộc sống, học là phải được học bổng, vừa học vừa làm thêm, có đứa còn có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ, ra trường cũng bằng kiến thức, kỹ năng tích lũy được mà thành lập công ty, doanh nghiệp, tự xin việc làm. Nhiều thế hệ sinh viên đã ra trường, đã trưởng thành và khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trở thành niềm tự hào của gia đình, của thầy cô.

Bản thân tôi đã có lúc tự ti khi nghĩ mình sao có thể so sánh được với các bạn sinh viên học tập ở thủ đô trong các trường danh tiếng của cả nước, nhưng bằng trải nghiệm của mình và sự trưởng thành của các thế hệ sinh viên, tôi khẳng định rằng sinh viên đại học Khoa học, sinh viên Khoa Luật và quản lý xã hội không thua kém sinh viên bất cứ trường nào. Năm thứ 2 đại học, tôi nhận giải thưởng Sao tháng giêng, giải thưởng danh giá của Trung ương Hội sinh viên dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, tôi là một trong 15 đại diện được lựa chọn vinh danh tại Hà Nội, sánh vai cùng các Sao tháng giêng trong cả nước tôi hoàn toàn tự tin; Trong thời gian thực tập cùng các bạn sinh viên trường khác, bản thân tôi cũng được đánh giá cao và từng được cơ quan thực tập đề nghị ở lại làm việc; Khi dự thi cao học tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cùng hàng trăm sĩ tử từ các trường tôi cũng vinh dự đạt điểm thủ khoa; sau này khi thi công chức, chỉ có 1 chỉ tiêu duy nhất, đối chọi với vài chục thí sinh cùng ngành bằng giỏi, bằng khá từ các trường, tôi dẫn đầu và đỗ công chức. Tôi luôn tự tin và hãnh diện khi trưởng thành từ Khoa Luật và quản lý xã hội trường Đại học Khoa học, bằng những kiến thức đã tích lũy và sự nỗ lực học hỏi của bản thân tôi vẫn đang từng ngày khẳng định mình. Tôi cũng có thể ghi ra một danh sách những sinh viên Khoa Luật và quản lý xã hội hiện là giám đốc, trưởng phòng, phó phòng trong các công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ trên cả nước, cán bộ công chức, viên chức cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh mà nhiều người trong số đó vẫn thường xuyên xuất hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông.

So với thời tôi học thế hệ các em sinh viên sau này còn giỏi giang và năng động hơn nhiều (chúng tôi lúc nào cũng theo dõi và chia sẻ những thông tin và hoạt động của khoa, của trường) những thông tin về các hoạt động và thành tích học tập của các em khiến tôi rất hãnh diện, tự hào và khát khao được trở lại, hòa mình vào cuộc sống sôi động, tươi đẹp của thời sinh viên.

 

Cựu sinh viên Nguyễn Thị Điệp ngày tốt nghiệp Đại học

Đôi lời nhắn nhủ

          Những dòng chia sẻ trên đây chỉ là một phần rất nhỏ những điều tôi muốn viết về Khoa, về trường mình, nhưng tôi tin rằng từng ngày dưới mái trường này các bạn cũng sẽ cảm nhận được như tôi, trước khi dừng bút, gửi tới các bạn vài lời nhắn nhủ:

          Đừng quá phụ thuộc vào máy tính: máy tính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bạn trong học tập nhưng hãy nghe tôi, đừng phụ thuộc vào nó. Bốn năm đại học tôi không có điều kiện mua máy tính nhưng tôi thấy đó lại là điều hay, bởi tôi tập trung tự tư duy trước bất cứ vấn đề nào trong học tập và tìm tòi kiến thức trước hết là trong sách vở, sau là kinh nghiệm của các anh chị khóa trên, khi cần đến sự hỗ trợ của máy tính tôi đến Trung tâm học liệu – Đại học Thái Nguyên (một nơi học tập và tra cứu tài liệu tuyệt vời mà các bạn đừng bỏ qua). Phụ thuộc vào máy tính sẽ nảy sinh thói lười tư duy và thụ động trong việc học, mà đã lười tư duy thì các bạn biết rồi đấy, lấy đâu ra sáng tạo và đổi mới nữa, chưa kể việc tốn thời gian vào các mục đích giải trí, thậm chí là các mục đích không lành mạnh khác.

          Sắp xếp thời gian để hoàn thiện, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ và càng nhiều kỹ năng càng tốt. Thời đại công nghệ 4.0 mà không giỏi tin học, ngoại ngữ, thiếu các kỹ năng sống thì coi như các bạn đã bỏ lỡ cơ hội để thành công. (Các bạn nữ nếu chưa có bằng lái xe thì nhât định phải sắp xếp thời gian để học kỹ năng lái xe và có bằng trước khi ra trường).

          Tôi tự hào là sinh viên Khoa Luật và Quản lý xã hội và các bạn cũng vậy!

Lớp K6-Khoa học quản lý về thăm Trường Đại học Khoa học nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập trường.

(Nguyễn Điệp - Cựu sinh viên lớp K6 Khoa học quản lý)