Khoa Du lịch - Trường Đại học Khoa học chung tay xây dựng Bảo tàng Văn hóa dân tộc thu nhỏ

Ngày: 01/10/2020

Với đặc thù của một cơ sở đào tạo đóng tại trung tâm vùng Đông Bắc, Trường Đại học Khoa học có đến 70% sinh viên là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam. Sự đa dạng văn hóa trong học viên, sinh viên được xem là thế mạnh đặc biệt, tạo ra những giá trị nền tảng cốt lỗi trong tư duy đào tạo và học tập, nhằm mục đích vận dụng và khai thác được tiềm năng đó. Với mong muốn, giáo dục tình yêu và lòng tự hào đối với văn hóa dân tộc, cũng như tạo ra không gian học tập thiết thực, sinh động, thầy và trò Nhà trường đã tổ chức tuần lễ quyên góp, sưu tầm thu thập những di sản văn hóa như công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, trang phục, nhạc cụ… của các dân tộc, để tạo dựng một bảo tàng thu nhỏ ngay trên khuôn viên trường học.

Chiếc khăn piêu - Chiếc nón Tày, thạ, gùi, lù cở, quẩy tấu, nỏ, ná, khèn, đàn tính... Trang phục người Tày, Mông, Dao Tiền, Pà Thẻn, Ba Na... Những chiếc mâm, chõ đồ xôi, nồi nấu rượu bằng gỗ... Cùng nhiều vật dụng sinh hoạt thường ngày của các dân tộc có niên đại hàng chục năm đã được các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử, giảng viên và sinh viên cùng đã mang đến đây cùng chung tay xây dựng một bảo tàng thu nhỏ phục vụ cho việc dạy và học của nhà trường.

Không gian văn hóa tái hiện Chợ phiên

Đặt hết tâm huyết để xây dựng bảo tàng Văn hóa dân tộc thu nhỏ, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái – Trưởng khoa Du lịch đã chia sẻ về động lực để khiến thầy cô trong khoa, trong trường quyết tâm thực hiện dự án này: “Hầu hết sinh viên của chúng tôi đều từ tỉnh xa về nên chúng tôi muốn lưu giữ ở đây những không gia rất thân thuộc của các em từ góc bếp, mái nhà cho đến những vật dụng rất thân quen, để các em có một niềm tự hào với những giá trị di sản Văn hóa của dân tộc mình và tri ân mảnh đất xứ sở đã nuôi mình khôn lớn”

Dù đây là năm đầu tiên tổ chức sưu tầm những hiện vật di sản văn hóa rộng rãi, thế nhưng từ nhiều năm trước, các thầy cô Khoa Du lịch đã ý thức được việc học tập của sinh viên phải gắn liền với trực quan, nên khối hiện vật cũng như tư liệu học tập sưu tầm trước đó cũng khá phong phú. Không gian gác bếp người Tày tỷ lệ 1:1, tái hiện không gian Phiên chợ vùng cao Tây Bắc và đặc biệt hơn là một góc văn hóa Trà xứ Thái, tất cả được dựng tỷ mỷ và bài bản tại khuôn viên trường.

Không gian văn hóa gác bếp người Tày

Tham dự và được nghe thuyết minh về những hiện vật của buổi lễ, nhiều chuyên gia văn hóa đã đưa ra những đánh giá cao về những gì mà thầy cô và sinh viên Nhà trường đã sưu tầm được trong nhiều năm qua.

Không gian văn hóa Trà Thái Nguyên

 Với vai trò là người làm công tác phát huy, bảo tồn những giá trị di sản văn hóa Bà Lý Thị Chiên – Phó Giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn sinh thái Thái Hải chia sẻ:  “Tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào, khi người làm công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa được đến một không gian học đường, mà ở đó di sản đến gần với các bạn sinh viên thông qua việc quyên góp. Đây quả là một điều hiếm thấy ở giảng đường, góp phần kêu gọi mọi người đưa di sản đến với học đường và học đường cũng có trách nhiệm với di sản.”

Bà Lý Thị Chiên – Phó Giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn sinh thái Thái Hải trao tặng hiện vật

Theo đại diện của Nhà trường, buổi lễ không chỉ dừng lại ở việc sưu tập những giá trị văn hóa vật thể, mà những giá trị văn hóa phi vật thể cũng được khai thác từ những sinh viên, và những nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc tất cả nhằm mục đích bồi tụ và xây đắp nên một bảo tàng văn hóa dân tộc ý nghĩa, vừa là môi trường học tập thực tiễn vì thế những điệu nhảy sạp, mùa xòe, những điệu khèn, tiếng sáo Mông cũng được vang lên ở nơi này.

Điệu múa sạp, múa xòe được thầy cô và các bạn sinh viên du lịch tái hiện một cách chân thực

Nhiều nhà khoa học đánh giá đây không chỉ là bảo tàng thu nhỏ về vật chất, mà nó còn là bảo tàng về tinh thần. Chắc chắn mô hình bảo tàng trong trường học này không chỉ phát huy được giá trị trong hoạt động đào tạo mà sẽ còn là nơi góp phần lưu giữ và bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam một cách sống động và thiết thực.

 “Xây dựng, bồi đắp, lan tỏa” là phương châm của Khoa Du lịch Trường học Khoa học Thái Nguyên. Giá trị từ hoạt động này sẽ chắp cánh tương lai cho các bạn sinh viên và tân sinh viên đã và đang lựa chọn tình yêu gắn bó với ngành du lịch.

TNUS Media