BÁO CHÍ (BÁO CHÍ ĐA PHƯƠNG TIỆN)
Chương trình đào tạo: BÁO CHÍ (BÁO CHÍ ĐA PHƯƠNG TIỆN)
Ngành đào tạo: BÁO CHÍ Mã ngành: 7320101
Trình độ đào tạo: ĐẠI HỌC Thời gian đào tạo: 4 Năm
Tổng số tín chỉ: 135
Tổ hợp môn thi/xét tuyển: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí (C00); Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh (D01); Ngữ văn, Toán, GDCD (C14); Toán, GDCD, Tiếng Anh (D84)
I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
1. Mục tiêu chung
Chương trình ngành Báo chí đa phương tiện có mục tiêu chung là đào tạo cử nhân ngành Báo chí với đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà báo đa phương tiện, tác nghiệp trong môi trường báo chí truyền thông hiện đại; sinh viên có thể trở thành phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình, báo mạng điện tử; chuyên viên truyền thông tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị đòi hỏi kiến thức, kỹ năng ngành báo chí, truyền thông…
2. Mục tiêu cụ thể
Về kiến thức
Người học được trang bị các khối kiến thức giáo dục sau đây:
- Khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm: Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa học xã hội và nhân văn, Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng.
- Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp bao gồm: Kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành Báo chí: các kiến thức về báo chí, truyền thông, quan hệ công chúng, quảng cáo,…
- Người học còn được tham gia các hoạt động thực tế chính trị - xã hội, thực tập, thực tế và tham gia các dự án về báo chí – truyền thông…
Về kỹ năng
Người học được trang bị các kỹ năng cơ bản sau đây:
- Kỹ năng lao động sáng tạo tác phẩm báo chí nói chung, gồm: lý thuyết chung về tác phẩm báo chí (khái niệm, đặc điểm, các yếu tố nội dung và hình thức, quy trình sáng tạo tác phẩm, đánh giá tác phẩm…); sáng tạo các thể loại tác phẩm báo chí nền tảng, đó là thể loại Tin, Phóng sự - Điều tra, Bình luận… bằng các kỹ năng cụ thể như: nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn, phát hiện đề tài; thu thập thông tin - dữ liệu; thể hiện tác phẩm theo thể loại; biên tập và tổ chức tác phẩm trên các sản phẩm báo chí; theo dõi và xử lý thông tin phản hồi từ tác phẩm…
- Kỹ năng tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí – truyền thông: Tổ chức sản xuất báo ngày, báo tuần, tạp chí, chuyên đề, chuyên san; sản xuất tác phẩm phát thanh, sản xuất tác phẩm truyền hình…; thiết kế, tổ chức dự án sản phẩm báo chí – truyền thông ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị…
- Kỹ năng ứng dụng kỹ thuật - công nghệ: Người học được trang bị các kiến thức về kỹ thuật – công nghệ truyền thông số trong lao động báo chí. Cụ thể: áp dụng kỹ thuật – công nghệ truyền thông số trong sáng tạo tác phẩm báo chí nói chung, ảnh báo chí nói riêng (kỹ thuật chụp máy ảnh kỹ thuật số, xử lý và quản lý ảnh kỹ thuật số); tổ chức sản xuất ảnh trên các sản phẩm truyền thông (kỹ thuật biên tập, quản lý ảnh bằng các phần mềm ứng dụng; kỹ thuật thiết kế, trình bày hình ảnh in ấn và đăng tải…);…
- Kỹ năng sáng tạo các thể loại ảnh báo chí phổ biến, đó là Ảnh tin, Ảnh phóng sự bằng các kỹ năng cụ thể như: nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn, phát hiện đề tài và chụp ảnh theo thể loại; thu thập thông tin - dữ liệu chú thích ảnh; biên tập và tổ chức tác phẩm ảnh trên các sản phẩm báo chí; theo dõi và xử lý thông tin phản hồi từ ảnh báo chí. Từ lý thuyết và kỹ năng sáng tạo tác phẩm ảnh báo chí, người học vận dụng để tác nghiệp ảnh báo chí theo từng lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Kỹ năng tổ chức sản xuất ảnh trên các sản phẩm truyền thông: Người học được trang bị kiến thức tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí nói chung, trong đó tập trung vào các kỹ năng tổ chức ảnh theo các loại hình, sản phẩm truyền thông, nhất là đối với các sản phẩm báo chí như: báo in (nhật báo, tuần báo, tạp chí và các ấn phẩm chuyên về ảnh); báo mạng điện tử; truyền hình, các sản phẩm truyền thông khác nhau…
- Một số kỹ năng khác như: Kỹ năng thể hiện các tác phẩm báo chí phù hợp với văn phong, thể loại và đối tượng công chúng; kỹ năng biên tập tin bài; kỹ năng theo dõi, phân tích, đánh giá, phản hồi; kỹ năng xử lý tình huống trong hoạt động tác nghiệp…
Về phẩm chất chính trị và đạo đức
Người được đào tạo theo chương trình này phải có trình độ giác ngộ chính trị và lập trường, tư tưởng vững vàng; có ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước sâu sắc; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ dũng cảm trong cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, chống lại những âm mưu và hành động phá hoại chế độ, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, say mê nghề nghiệp, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, cầu thị trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ và tự giác về vai trò, vị thế xã hội của báo chí - truyền thông.
Người được đào tạo phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của một nhà báo; phát triển thể chất và các phẩm chất về tâm lý, phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của hoạt động nghề nghiệp báo chí - truyền thông.
II. VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Người được đào tạo có khả năng đảm nhiệm các vị trí việc làm sau đây:
- Nhà báo đa phương tiện: Phóng viên, biên tập viên tại các các cơ quan báo; tạp chí; hãng tin; đài phát thanh; đài truyền hình; đài phát thanh – truyền hình; các cơ quan báo mạng điện tử.
- Chuyên viên truyền thông, biên tập viên Website của cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; các tập đoàn; công ty truyền thông; tổ chức phi chính phủ...
- Quản lý và tư vấn các dự án truyền thông đa phương tiện.
- Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực báo chí - truyền thông tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.
III. THÔNG TIN TƯ VẤN - ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN
Văn phòng Khoa Báo chí - Truyền thông (P.301 – Nhà Hiệu bộ) - Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên (Phường Tân Thịnh, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)
Nguyến Thị Trà My - 0983.732.638
Nguyễn Thái Sơn - 0961.950.666
Email: fjcl@tnus.edu.vn
Website: http://fjc.tnus.edu.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/baochitruyenthong.dhkh