TIẾN SĨ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG
Ngành đào tạo: QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG
Mã số: 985.01.01
Bậc đào tạo: Tiến sĩ
Thời gian đào tạo: 3-4 năm
Đơn vị đào tạo: Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên
1. Mục tiêu đào tạo
1.1. Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường nhằm đào tạo những nhà khoa học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có trình độ cao về lý thuyết và năng lực thực hành phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ; có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về quản lý tài nguyên và môi trường, có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường, và có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng đó trong công tác thực tế; Có khả năng độc lập sáng tạo, chủ động nắm bắt công nghệ, nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường vào thực tế đời sống.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Trang bị cho nghiên cứu sinh các kiến thức nâng cao, chuyên sâu về quản lý tài nguyên, quản lý và xử lý các vấn đề môi trường cũng như phương pháp hiện đại được sử dụng để nghiên cứu trong lĩnh vực này.
- Nghiên cứu sinh có được các kỹ năng phân tích các vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường; sử dụng các kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu hiện đại, các công cụ phân tích dữ liệu và thống kê trong quản lý tài nguyên và môi trường; tìm kiếm và sử dụng hiệu quả các thông tin từ các nguồn tài liệu liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường; viết và trình bày báo cáo nghiên cứu và bài báo khoa học có chất lượng tốt; sử dụng tiếng Anh trong việc trao đổi và truyền bá khoa học; triển khai và áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường.
- Sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh có khả năng nghiên cứu và phát triển các giải pháp quản lý tài nguyên và môi trường; giảng dạy về ngành quản lý tài nguyên và môi trường; sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong việc trao đổi về chuyên ngành quản lý tài nguyên và môi trường; triển khai các giải pháp quản lý tài nguyên và môi trường trong các doanh nghiệp và tổ chức. Nghiên cứu sinh cũng có khả năng tổ chức và lãnh đạo một nhóm nghiên cứu chuyên môn.
2. Chuẩn đầu ra
2.1. Chuẩn đầu ra về chất lượng luận án và công bố khoa học
- Chất lượng luận án của nghiên cứu sinh thể hiện qua việc phát hiện và giải quyết những vấn đề mới, đóng góp mới cho khoa học và thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý Tài nguyên và Môi trường.
- Nghiên cứu sinh là tác giả chính (trong thời gian làm nghiên cứu sinh) của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá từ 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án; Hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả của: 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế.
2.2. Chuẩn đầu ra về năng lực nghiên cứu
- Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường có khả năng vận dụng sáng tạo các kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo vào thực tiễn; có thể luận giải các định nghĩa, khái niệm cơ bản; có khả năng phát hiện và thiết lập các chủ đề nghiên cứu liên quan đến chuyên môn quản lý tài nguyên và môi trường hoặc quản lý các dự án, phân tích, đánh giá dự án về khai thác tài nguyên, xử lý ô nhiễm môi trường…
- Có khả năng tổ chức thực hiện công việc, đạt mục tiêu công việc và hoàn thành công việc chuyên môn tốt.
2.3. Chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên môn
- Hiểu biết chuyên sâu về kiến thức quản lý tài nguyên và môi trường, bao gồm các lý thuyết cơ bản và tiên tiến nhất liên quan đến lĩnh vực này; nắm vững các khái niệm, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường; có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nóng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
- Giải quyết được các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả cho các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. NCS có kỹ năng phân tích, đánh giá và quản lý tài nguyên và môi trường, cũng như các kỹ năng liên quan đến đào tạo và tư vấn trong lĩnh vực này.
- Độc lập, sáng tạo và chủ động trong nghiên cứu, có khả năng phát hiện ra các điểm mới trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ vào thực tiễn; có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình để đưa ra các giải pháp tiên tiến và đổi mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2.4. Chuẩn đầu ra về kĩ năng
- Phân tích và đánh giá được các vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường, sử dụng các phương pháp và công cụ thích hợp.
- Thiết kế và thực hiện được các dự án nghiên cứu về quản lý tài nguyên và môi trường: từ việc lựa chọn đề tài, thu thập, xử lý, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu, đến việc phân tích và đưa ra kết luận.
- Có khả năng tìm kiếm tài liệu, thông tin chuyên ngành bằng tiếng anh; phân tích và viết báo cáo nghiên cứu, bài báo khoa học và các tài liệu chuyên ngành khác liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường; trình bày và thuyết trình các kết quả nghiên cứu một cách logic và rõ ràng, dễ hiểu.
- Có khả năng đào tạo và hướng dẫn NCS, học viên cao học về các kỹ năng nghiên cứu và chuyên môn liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường.
- Chủ động, sáng tạo làm việc độc lập hoặc trong nhóm và có khả năng thích nghi với môi trường làm việc khác nhau.
2.5. Chuẩn đầu ra về năng lực tự chủ và trách nhiệm
- Chủ động, độc lập lên kế hoạch, thực hiện nghiên cứu, xác định rõ mục tiêu, phương pháp, lựa chọn công cụ và thiết bị cần thiết cho nghiên cứu của mình.
- Chủ động quản lý thời gian và tài nguyên để hoàn thành nghiên cứu, đáp ứng được các yêu cầu và thời hạn quy định
- Có khả năng đánh giá và phân tích các thông tin, dữ liệu và kết quả thu thập được một cách độc lập và chính xác.
- Có trách nhiệm đối với quá trình nghiên cứu và kết quả của mình, đảm bảo tính khách quan, chính xác, đảm bảo “liêm chính khoa học”.
- Có khả năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu với tinh thần trách nhiệm, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.
3. Chuẩn đầu vào và thời gian đào tạo
Người dự tuyển phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 ngành phù hợp hoặc tốt nghiệp hạng giỏi trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp với ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường; có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc trình độ tương đương trở lên); có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu.
Thời gian đào tạo toàn khóa: từ 3-4 năm.
4. Chương trình đào tạo và khối lượng kiến thức toàn khóa
Chương trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường bao gồm: các học phần bổ sung (đối với NCS có bằng đại học và NCS có bằng thạc sĩ ngành gần), các học phần ở trình độ tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ và luận án tiến sĩ.
Khối lượng kiến thức toàn khóa khác nhau theo từng đối tượng đầu vào: Đối với NCS có bằng đại học là 144 tín chỉ; Đối với NCS có bằng thạc sĩ ngành gần là 114 tín chỉ; Đối với NCS có bằng thạc sĩ ngành đúng là 96 tín chỉ
Xem thêm tại website Khoa Tài nguyên và Môi trường: http://tnmt.tnus.edu.vn