THẠC SĨ KHOA HỌC QUẢN LÝ

Ngày: 27/09/2022

I. THÔNG TIN CHUNG

Ngành đào tạo: KHOA HỌC QUẢN LÝ

Mã ngành: 8 34 04 01

Trình độ đào tạo: Thạc sĩ

Thời gian đào tạo: 02 năm

 

II. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO  

Hiện nay, thạc sĩ ngành Khoa học quản lý có ba chương trình đào tạo bao gồm

- Chương trình đào tạo Quản lý công

- Chương trình đào tạo Quản trị nhà trường

- Chương trình đào tạo Quản lý Văn hoá – Giáo dục

 

A. Chương trình đào tạo Quản lý công

1. Mục tiêu của chương trình đào tạo 

1.1. Mục tiêu chung

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ Khoa học quản lý định hướng ứng dụng Quản lý công giúp người học có được kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học quản lý; có khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo; có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý do thực tiễn đặt ra;  Đặc biệt trú trọng đến việc nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo cho cán bộ làm việc trong các tổ chức công thuộc bộ máy nhà nước (đặc biệt là chính quyền địa phương). Đồng thời, rèn luyện cho người học khả năng tư duy, phân tích, phát hiện và giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực công và chính sách công, từ đó vận dụng kiến thức, phương pháp và các kỹ năng quản lý để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược chính sách của tổ chức công. 

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Trang bị cho người học những kiến thức khoa học chuyên sâu về khoa học quản lý nói chung và kiến thức chuyên sâu về quản lý và lãnh đạo gắn liền với khu vực công, trong đó tập trung vào năng lực xác định tầm nhìn và sứ mạng của tổ chức công; hoạch định, tổ chức triển khai, và kiểm soát việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu chính sách với hiệu quả cao nhất; quản lý tổ chức công ở các lĩnh vực như nhân sự, tài chính, quản lý chương trình, dự án, tổ chức chính quyền địa phương, quản lý và xử lý khủng hoảng truyền thông,…

- Rèn luyện kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý nói chung, quản lý công nói riêng cụ thể để phục vụ nghiên cứu, phát có khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo.hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn.

-  Rèn luyện khả năng tổ chức giải quyết các tình huống quản lý phát sinh trong thực tiễn; Có khả năng giao tiếp, xác định nhu cầu của người dân, xử lý xung đột, quản lý sự thay đổi, đồng thời động viên, lãnh đạo dẫn dắt các cá nhân hướng vào mục tiêu của tổ chức. 

1.3. Vị trí hay công việc có thể đảm nhiệm của người học sau khi tốt nghiệp

- Lãnh đạo, quản lý, chuyên viên các cơ quan của Đảng, chính quyền, ban ngành từ trung ương đến địa phương; Các cơ quan đoàn thể quần chúng (như lãnh đạo Mặt trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp), Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp như: các Hội, các Hiệp hội, Cơ quan báo chí... 

- Phụ trách, chuyên viên bộ phận hoạch định, phát triển chính sách công; tư vấn chính sách, quản lý rủi ro ở cấp độ vi mô và vĩ mô về quản lý nói chung, quản lý công nói riêng.

- Nghiên cứu chuyên sâu về khoa học quản lý, quản lý công; giảng dạy tại các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về khoa học quản lý, quản lý công.

- Người học có thể tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước về lĩnh vực khoa học quản lý; quản lý công.

 

3. Chương trình đào tạo

3.1. Khái quát chương trình

Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học quản lý định hướng ứng dụng Quản lý côngcủa Trường Đại học Khoa học được thiết kế bao gồm 3 khối kiến thức: Khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ sở, khối kiến thức chuyên ngành và học phần tốt nghiệp thạc sĩ (Đề án). Theo cấu trúc tổng thể của chương trình thì cơ cấu nhóm các học phần và luận văn/đề án thạc sĩ của chương trình gồm 60 tín chỉ trong đó các môn chung 09 tín chỉ, các học phần cơ sở 14 tín chỉ (chiếm 23.3%  trong đó: bắt buộc 06 tín chỉ, tự chọn 08 tín chỉ), các học phần chuyên ngành 20 tín chỉ (chiếm 33.3%  trong đó: bắt buộc 08 tín chỉ, tự chọn 12 tín chỉ). Thực tế, thực tập, thực hành 08 tín chỉ chiếm 13.4%, Đề án (HP tốt nghiệp thạc sĩ) 09 tín chỉ (chiếm 15%). Toàn bộ chương trình sẽ được tổ chức giảng dạy trong 2 năm.

 

B. Chương trình đào tạo Quản trị nhà trường

1. Mục tiêu của chương trình đào tạo 

1.1. Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ Khoa học quản lý định hướng ứng dụng Quản trị trường học giúp người học có được kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học quản lý, quản trị nhà trường; có khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo; có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý do thực tiễn đặt ra, sau đó đặc biệt trú trọng đến việc trang bị cho người học năng lực quản trị, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục theo hướng ứng dùng, giải quyết tốt các vấn đề của thực tiễn giáo dục. Đồng thời, trang bị cho người học khả năng tư duy phản biện, phân tích, đánh giá, tổng hợp các vấn đề cụ thể trong các lĩnh vực, các hoạt động cụ thể tại các tổ chức trường học, các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

1. 2. Mục tiêu cụ thể
- Trang bị cho người học những kiến thức chuyên sâu về khoa học quản lý nói chung và kiến thức chuyên sâu về quản trị trường học nói riêng, trong đó tập trung vào bồi dưỡng năng lực xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm quản lý và kiểm soát toàn bộ hoạt động của một trường học như: xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng, giám sát, đánh giá hoạt động dạy và học; quản trị nguồn nhân lực; tài chính; cơ sở vật chất; Quản trị thương hiệu và marketing của nhà trường; Đo lượng và đánh giá trong giáo dục; Quản lý và xử lý khủng hoảng truyền thông; Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục.

- Trang bị cho học viên khả năng tư duy, phân tích, đánh giá độc lập và ra quyết định trong quá trình quản trị trường học ở các lĩnh vực như nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, giám sát, đo lượng và đánh giá chất lượng giáo dục, xử lý khủng hoảng truyền thông,…

- Rèn luyện kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý nói chung, quản trị trường học nói riêng để phục vụ nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo hiệu quả và giải quyết các vấn đề thực tiễn.

-  Rèn luyện khả năng tổ chức giải quyết các tình huống quản lý phát sinh trong thực tiễn; Có khả năng giao tiếp, xác định nhu cầu của người dân, xử lý xung đột, quản lý sự thay đổi, đồng thời động viên, lãnh đạo dẫn dắt các cá nhân hướng vào mục tiêu của tổ chức. 

1.3. Vị trí hay công việc có thể đảm nhiệm của người học sau khi tốt nghiệp

- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn của các trường THPT, THCS, tiểu học (hoặc tương đương); Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (hoặc tương đương) các trường mầm non.

            - Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, cán bộ quản lí, chuyên viên của các phòng/ban; tổ trưởng, tổ phó trưởng bộ môn của các cơ sở giáo dục & đào tạo (Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp….).

- Cán bộ quản lý của các trung tâm giáo dục; các viện, trung tâm thuộc các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp.

- Cán bộ quản lý, lãnh đạo và chuyên viên ở các tổ chức, cơ quan quản lý giáo dục các cấp (Sở Giáo dục & Đào tạo, Phòng Giáo dục & Đào tạo…).

- Nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu về quản trị trường học tại các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các cơ quan có liên quan.

C. Chương trình đào tạo Quản lý Văn hoá – Giáo dục

1. Mục tiêu của chương trình đào tạo 

1.1. Mục tiêu chung

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ Khoa học quản lý định hướng ứng dụng Quản lý văn hoá - giáo dục giúp người học có được kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học quản lý, quản lý văn hoá - giáo dục; có khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo; có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, quản lý văn hoá - giáo dục do thực tiễn đặt ra. Đặc biệt trú trọng đến việc nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo cho cán bộ làm việc trong các tổ văn hoá, tổ chức giáo dục. Đồng thời, trang bị cho người học khả năng tư duy phản biện, phân tích, tổng hợp các vấn đề trong lĩnh vực quản lý văn hoá và giáo dục, từ đó vận dụng kiến thức, phương pháp và các kỹ năng quản lý để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược chính sách của tổ chức văn hoá - giáo dục.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Trang bị cho học viên những kiến thức chuyên sâu về quản lý các hoạt động cụ thể trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục như xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển văn hóa - giáo dục; quản lý nguồn nhân lực; Quản lý các thiết chế văn hóa; Quản lý văn hóa và phát triển bền vững; Quản lý di sản; Quản lý truyền thông; Quản lý chất lượng giáo dục; Đánh giá và đo lường trong giáo dục; Phát triển chương trình giáo dục; Kiểm định chất lượng; Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục; Tư duy khoa học trong quản lý giáo dục; Văn hóa và đạo đức quản lý trong tổ chức văn hóa -giáo dục,… giúp học viên nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý để đáp ứng tốt với những đổi mới và phát triển của nền văn hoá - giáo dục Việt Nam và thế giới.

- Rèn luyện kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý nói chung, quản lý văn hoá - giáo dục nói riêng như kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá và xây dựng chính sách, chiến lược phát triển văn hóa, giáo dục; kỹ năng xây dựng và quản lý các dự án văn hóa, dự án giáo dục; Kỹ năng tổ chức, thực hiện và điều hành các hoạt động quản lý văn hóa, quản lý giáo dục.

- Rèn khả năng làm việc độc lập, sáng tạo trong công việc, trong xử lý tình huống quản lý trong tổ chức văn hoá - giáo dục; khả năng sẵn sàng phối hợp, dẫn dắt, phát huy trí tuệ tập thể nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức văn hoá - giáo dục.

1.3. Vị trí hay công việc có thể đảm nhiệm của người học sau khi tốt nghiệp

- Lãnh đạo, quản lý, chuyên viên trong các tổ chức văn hoá - xã hội từ trung ương đến địa phương như (Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch; Phòng Văn hoá Thể thao và Du lịch; Ban Văn hoá Xã hội cấp xã; các tổ chức nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng…)

- Cán bộ quản lý, lãnh đạo và chuyên viên ở các tổ chức, cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và đào tạo, viện nghiên cứu giáo dục… từ trung ương đến địa phương.

- Cán bộ nghiên cứu và điều hành nghiên cứu về khoa học giáo dục và quản lý giáo dục ở các Viện nghiên cứu, tổ chức chuyên về hoạt động liên quan đến giáo dục.

- Nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu về quản lý văn hóa - giáo dục tại các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các cơ quan có liên quan.

- Làm việc trong các cơ quan báo chí và truyền thông, làm biên tập trong các cơ quan xuất bản liên quan đến lĩnh vực quản lý văn hóa - giáo dục.

3. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học quản lý định hướng ứng dụng Quản lý Văn hoá - Giáo dục của Trường Đại học Khoa học được thiết kế bao gồm 3 khối kiến thức: Khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ sở, khối kiến thức chuyên ngành và học phần tốt nghiệp thạc sĩ (Đề án). 

 

Theo cấu trúc tổng thể của chương trình thì cơ cấu nhóm các học phần và luận văn thạc sĩ của chương trình gồm 60 tín chỉ trong đó các môn chung 09 tín chỉ, các học phần cơ sở 14 tín chỉ (chiếm 23.3%  trong đó: bắt buộc 06 tín chỉ, tự chọn 08 tín chỉ), các học phần chuyên ngành 20 tín chỉ (chiếm 33.3%  trong đó: bắt buộc 08 tín chỉ, tự chọn 12 tín chỉ). Thực tế, thực tập, thực hành 08 tín chỉ chiếm 13.4%, Đề án (HP tốt nghiệp thạc sĩ) 09 tín chỉ (chiếm 15%). Toàn bộ chương trình sẽ được tổ chức giảng dạy trong 2 năm.

 

File(s) đính kèm: