Nghiệm thu dự án chuyển giao công nghệ "Xử lý nước ô nhiễm sinh hoạt cho cộng đồng dân tộc thiểu số vùng khó khăn"

Ngày: 02/01/2018

Sau hai năm thực hiện, dự án “Xử lý nước ô nhiễm phục vụ sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực khó khăn” đã được nghiệm thu và chuyển giao công nghệ tại 02 tỉnh Cao Bằng và Hà Giang vào đầu tháng 12 vừa qua. Đây là dự án do TS. Ngô Văn Giới, Trưởng khoa Khoa học Môi trường và Trái đất, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên làm chủ nhiệm dự án, Học viện Dân tộc chủ trì dưới sự quản lý của Ủy ban Dân tộc.

Dự án tập trung xử lý nước ô nhiễm dùng cho sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn hiện đang trực tiếp sử dụng nguồn nước chưa hợp vệ sinh cho sinh hoạt. Mục tiêu của dự án là xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ để xử lý nước mặt hoặc nước ngầm thành nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn và sử dụng nước sạch.

Qua khảo sát và lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình tại xã Minh Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng và xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho thấy, người dân vẫn sử dụng nguồn nước trực tiếp từ khe mo, khe suối cho sinh hoạt hàng ngày. Cách thức dẫn nước, lấy nước khó khăn như dẫn nước qua các ống nhựa hoặc gánh nước từ các bể chứa nước tập trung đã rất cũ kĩ nên ít nhiều ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường xung quanh. Hơn nữa, hình thức chứa nước tạm bợ và cách thức sử dụng nước sinh hoạt lạc hậu cũng là yếu tố khiến nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, sự hiểu biết về nước sạch của người dân còn chưa đầy đủ và chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này.

TS. Ngô Văn Giới và nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu và phân tích chất lượng nguồn nước mặt cấp cho sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã thuộc dự án trước khi dựa án được thực hiện. Kết quả phân tích cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng, sắt, amoni, nitrat, độ đục, chưa đảm bảo vệ sinh, cần được xử lý trước khi sử dụng cho sinh hoạt. Do mức độ ô nhiễm không quá cao so với nguồn nước mặt khác nên công nghệ bồn lọc đa tầng được lựa chọn để xử lý nguồn nước này.

Trong hai năm 2016-2017, dự án đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho 120 đại diện hộ đồng bào dân tộc thiểu số về nước sạch, lợi ích của việc sử dụng nguồn nước sạch, cũng như hướng dẫn xây dựng mô hình, quy trình vận hành và sử dụng mô hình bồn lọc nước đa tầng phục vụ cho sinh hoạt. Dự án cũng đã tiến hành chuyển giao quy trình công nghệ, kết hợp với Ban quan lý dự án tại 02 xã xây dựng 40 mô hình bồn lọc nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ gia đình. Kết quả phân tích mẫu nước sau khi được xử lý qua bồn lọc đa tầng cho thấy chất lượng nước đã được cải thiện rất tốt, hầu hết các chỉ tiêu sau xử lý đều đạt tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT về tiêu chuẩn nước cấp cho sinh hoạt của Bộ Y tế.

Dự án cũng đã tổ chức được các nhóm thăm quan, học tập quy trình xây dựng, vận hành và sử dụng mô hình cho các hộ nông dân khác ở trong và ngoài hai xã thực hiện mô hình trình diễn với mục đích nhân rộng mô hình tại hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang.

Các kết quả của dự án và thành công của mô hình đã được nghiệm thu vào đầu tháng 12 năm 2017 với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân các xã, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện, Phòng Dân tộc và các hộ dân tham gia dự án. Hội đồng nghiệm thu dự án đã đánh giá cao những kết quả mà dự án đã đạt được. Dự án cũng được đề nghị tiếp tục triển khai tại các địa phương khác có nguồn nước bị ô nhiễm.

Dưới đây là một số hình ảnh trong quá trình thực hiện dự án và chuyển giao quy trình công nghệ xây dựng bể lọc nước đa tầng tại 2 xã Ngọc Minh và Minh Thanh

 

Khảo sát và lấy mẫu phân tích tại địa điểm thực hiện dự án

Lớp tập huấn về nước sạch và vệ sinh môi trường

Xây dựng bể lọc hộ bà Đinh Thị Đào thôn Bản Hỏ, xã Minh Thanh

Hoàn thiện vật liệu lọc (ngày 18/10/2016 tại xã Ngọc Minh

Nghiệm thu đánh giá mô hình tại Hà Giang

 

Thăm quan học tập mô hình xây dựng bể lọc nước đa tầng tại Hà Giang

TS. Ngô Văn Giới trao đổi ý kiến tại buổi nghiệm thu đánh giá mô hình tại xã Ngọc Minh

 

Tác giả:

Bài: Phương Mai   Ảnh: Kiều Quốc Lập

Khoa KH Môi trường và Trái đất