Ấn tượng Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc năm 2021
Ngày 24/10/2021, tại Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc 2021. Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự quan tâm theo dõi của hơn 500 nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, các y, bác sĩ trong và ngoài nước.
PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học – Trưởng Ban tổ chức phát biểu Khai mạc Hội nghị
Sau lễ khai mạc đã diễn ra phiên toàn thể, các diễn giả đã trình bày các báo cáo tham luận nêu nên những mũi nhọn của công nghệ sinh học hiện nay cũng như ứng dụng của công nghệ sinh học trong nghiên cứu, phát triển sinh phẩm chẩn đoán và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam như: Các biến chủng của SARS-CoV-2 và các thành tựu cập nhật trong phòng chống Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam; Chẩn đoán và giải pháp cho sàng lọc cộng đồng đối với Covid-19 bằng Realtime PCR; Giới thiệu về vắc xin Nanocovax phòng Covid-19. Hội nghị diễn ra trong 01 ngày và đã thu hút hơn 500 người tham dự trực tiếp, trực tuyến ở các điểm cầu trên toàn quốc.
GS.TS. Lê Trần Bình - Chủ tịch Hội CNSH Việt Nam phát biểu chào mừng tại Hội nghị
Ban điều hành Phiên toàn thể
Chủ trì Hội nghị gồm nhiều nhà khoa học uy tín: GS.TS. Lê Trần Bình - Chủ tịch Hội CNSH Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học; GS.TS Chu Hoàng Mậu – Trường Đại học Sư Phạm, PGS.TS. Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam …
TS. Nguyễn Phú Hùng trình bày báo cáo “Chẩn đoán và giải pháp cho sàng lọc cộng đồng đối với Covid-19 bằng Realtime PCR”
Hội nghị năm nay gồm 04 tiểu ban chuyên môn: Công nghệ Gene, Protein và Tế bào; Công nghệ Sinh học Nông nghiệp; Công nghệ Sinh học Y Dược; Công nghệ Vi Sinh và Môi trường. Sau Phiên Toàn thể, chiều 24/10, các phiên báo cáo song song của 04 tiểu ban đã được diễn ra tại các phòng họp riêng tại Trường Đại học Khoa học. Được biết, Hội nghị có 26 báo cáo được lựa chọn từ gần 100 báo cáo đăng ký để báo cáo trực tiếp tại các tiểu ban chuyên môn. Điều hành các phiên báo cáo song song là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Công nghệ Sinh học ở Việt Nam như: GS. Phan Tuấn Nghĩa – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS. Nguyễn Hoàng Lộc – Trường Đại học Khoa học Huế, Đại học Huế, GS. Nguyễn Lĩnh Toàn – Học viên Quân Y, GS. Phan Văn Chi – Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ, GS. Trần Linh Thước, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia TPHCM...
Hình ảnh tại phiên báo cáo song song của một số tiểu ban
Trước những ngày diễn ra Hội nghị, đã có 197 báo cáo toàn văn được phản biện bởi các nhà khoa học trong cả nước và được đăng tải trong tuyển tập Báo cáo khoa học của Hội nghị. Hội nghị năm 2021, đã thu hút cả các bạn học sinh THPT đam mê nghiên cứu khoa học tham gia, đó là nhóm các học sinh trung học của Hệ thống Giáo dục Vinschool. Đề tài "Nghiên cứu vai trò của hai gen PHD1 (ID 81394 và 80124) đối với kiểu hình của nấm Mucor circinelloides bằng kỹ thuật RNAi” của các bạn được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS.Triệu Trung Anh – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Ban tổ chức lựa chọn là một trong những đề tài xuất sắc và được báo cáo tại Phiên báo cáo song song của tiểu ban Công nghệ sinh học Y Dược, nghiên cứu này đã góp phần tạo tiền đề cho việc tìm kiếm các liệu pháp điều trị triệt để bệnh nấm đen mucormycosis.
Trong Phiên Bế mạc của hội nghị, Ban Tổ chức đã tổng kết, đánh giá về kết quả hội nghị và cho rằng đây là một hội nghị rất đặc biệt vì diễn ra bằng cả hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến; hội nghị có nhiều công trình tham gia có chất lượng chuyên môn cao. Ban Tổ chức đã trao 04 giải thưởng cho 04 báo cáo Xuất sắc tại 04 tiểu ban chuyên môn, đó là các báo cáo: Ứng dụng hệ thống CRISPR/CAS9 tạo đột biến nhằm nâng cao tính kháng virus PVY trên cây Thuốc lá (NCS. Lê Thu Ngọc, Viện Công nghệ Sinh học); Phát hiện gen kháng bệnh mốc sương Cà chua bằng chỉ thị phân tử và đánh giá khả năng kháng của các gen bằng lây nhiễm nhân tạo (ThS. Tống Văn Hải - Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam); Hiệu quả của Capa IVM trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm tại IVFMD (ThS. Lê Thị Bích Phượng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản - IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức, Phú Nhuận); Phát triển hệ thống chuyển gen hiệu suất cao phục vụ biểu hiện protein tái tổ hợp ở hai loài Nấm sợi Aspergillus niger và Aspergillus oryzae (NCS. Thái Hạnh Dung - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Các báo cáo năm nay đều được các Hội đồng các nhà Khoa học nhận định mang tính ứng dụng cao trong sản xuất, phục vụ cộng đồng trong ngành Y-Sinh nói riêng và các ngành khoa học khác nói chung.
Đại diện điều hành của các tiểu ban báo cáo tổng kết và công bố các báo cáo đạt xuất sắc
Ngay sau phát biểu bế mạc, Ban Tổ chức Hội nghị năm 2021 đã trao Cờ Luân lưu cho Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, Đại học Tây Nguyên - đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị năm 2022.
PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học – Trưởng Ban tổ trao cờ Luân lưu cho đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị năm 2022
Hội nghị Công nghệ Sinh học năm 2021 đã khép lại, để lại nhiều ý nghĩa cũng như các nghiên cứu khoa học giá trị cho ngành Công nghệ Sinh học, góp phần tổng kết, đánh giá sự tiến bộ trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ kinh tế - xã hội, xác định những mặt đã làm được và các vấn đề còn hạn chế, từ đó góp phần đề ra các giải pháp và phương hướng để đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghệ sinh học Việt Nam. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên từ các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, doanh nghiệp trên cả nước gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu - ứng dụng công nghệ sinh học.
Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức Hội Nghị
TNUS MEDIA