Diễn đàn: Văn học – Báo chí: Góc nhìn đa chiều; lan tỏa ngọn lửa đam mê văn chương và báo chí

Ngày: 15/11/2018

Sáng ngày 11/11/2018, tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã diễn ra chương trình tọa đàm với chủ đề: “Văn học – Báo chí: Góc nhìn đa chiều”. Dù chỉ là một hoạt động chuyên môn thường xuyên của Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học nhưng tọa đàm đã thu hút rất nhiều học trò THPT trên địa bàn tỉnh Thải Nguyên và sinh viên đại học khối ngành Khoa học Xã hội nhân văn tham gia. PGS.TS - Nhà Văn Cao Thị Hồng, Phó Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học, người trực tiếp kết nối tổ chức chương trình đã chia sẻ cảm xúc sau tọa đàm: “Văn học - Báo chí: Góc nhìn đa chiều”

PV: Thưa PGS.TS, cô có thể chia sẻ gì về ý tưởng tổ chức chương trình này?
PGS.TS: Hiện nay, có rất nhiều học sinh, sinh viên và cả phụ huynh đang hiểu chưa đúng về giá trị của các ngành Khoa học Xã hội nhân văn. Khi lựa chọn nghề nghiệp, các bạn học sinh thường lựa chọn những ngành HOT để có thể kiếm tiền nhanh mà chưa hiểu rằng những ngành thuộc Khoa học Xã hội nhân văn vốn mang một giá trị đặc biệt, nó cung cấp kiến thức nền tảng để người học có một hành trang tri thức tổng hợp, có thể sử dụng những tri thức này xử lý nhiều tình huống đời sống đặt ra, và với bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội, khoa học xã hội nhân văn cũng phát huy tác dụng, đặc biệt khi khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng cần vận dụng đến những giá trị đích thực của khoa học xã hội nhân văn để phát triển cuộc sống một cách hài hòa. Chính vì vậy, chúng tôi đã có ý tưởng kết nối các diễn giả là những nhà văn hóa, nhà văn, nghệ sĩ, và các thầy cô giáo xích lại gần nhau, chia sẻ tri thức cũng như kinh nghiệm cho các em học sinh, sinh viên, từ đó từng bước giúp xã hội đổi mới tư duy trong cách lựa chọn ngành học khi các em bước chân vào ngưỡng cửa của các trường Đại học. Chọn mời các diễn giả cùng làm chương trình là Nhà phê bình văn học nghệ thuật, nhà báo Phạm Xuân Nguyên (Cán bộ viện Văn học, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), Diễn viên điện ảnh, cựu phát thanh viên, biên tập viên Văn Báu, Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Bàng Ái Thơ chúng tôi đồng thời cũng muốn gửi đến các em học sinh, sinh viên một thông điệp: nghề báo và nghiệp văn - đó là những nghề nghiệp mà người làm nghề đích thực, dám dấn thân và dám hy sinh, cống hiến sẽ nhận được sự tôn vinh cao quý của cộng đồng xã hội.

PV: PGS.TS có thể cho biết chương trình tạo đàm này có ý nghĩa như thế nào đối với các bạn học trò và các bạn sinh viên?
PGS.TS: Tôi hi vọng buổi tọa đàm sẽ lan tỏa ngọn lửa đam mê văn chương và báo chí cho các em sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học cũng như các em học sinh đang học phổ thông. Từ đó các em sẽ tự học, tự đọc, tự lao động, phấn đấu để đạt được ước mơ của bản thân. Hy vọng dần dần giúp các em sẽ tự nhận biết tiềm năng nào trong con người mình cần được đánh thức? khả năng (và cả thiên năng) thực sự của mình là gì? khi mình lựa chọn ngành nghề theo học mình nên lựa chọn theo khả năng và sự đam mê để thành công hay mình lựa chọn theo “tâm lý đám đông” và thụ động bởi ý muốn của người khác? Chương trình cũng phần nào đó giúp các em hình dung rõ hơn nghề báo, nghiệp văn là những ngành nghề góp phần không nhỏ giúp xã hội hướng đến những giá trị nhân văn, nhân bản, những giá trị tinh thần tiến bộ, sự công bằng và văn minh.  Báo chí và văn học có mối liên hệ rất chặt chẽ nhau. Học tốt văn, hiểu biết sâu rộng về văn hoá và nhiều lĩnh vực khác của đời sống sẽ giúp chúng ta làm báo giỏi, viết văn hay; Các bạn có thiên năng và khả năng theo học các ngành khối C và D nên có bản lĩnh khi lựa chọn ngành học khi vào đại học. Hãy vững tin với sự lựa chọn của mình bởi trên nền tảng của những kiến thức nhân văn của nhân loại, các bạn sẽ có một hành trang tri thức và kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để ứng xử trước mọi tình huống đời sống đặt ra. Vì vậy, bài học cho chúng ta hôm nay là ngoài kiến thức được học trên lớp, mỗi bạn học sinh, sinh viên cần phải tự đọc, tự viết, tự học và biết lắng nghe những âm vang từ cuộc sống bằng tất cả tấm lòng mới mong trở thành nhà văn, nhà báo đích thực, mới có thể dấn thân trên con đường mà ở đó chúng ta sẽ ung dung, tự tại là người tư do để sống hướng về những lý tưởng tinh thần cao quý: dám sống thật với bản thân, với mọi người, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những công việc mình đảm nhận.  Suy cho cùng giá trị của một Con Người và một đời người cuối cùng là ở đó!


PV: Vậy, với tư cách là người tổ chức chương trình,  PGS.TS đánh giá như thế nào về chương trình?
PGS.TS: Buổi tọa đàm ngày hôm nay đã diễn ra thành công, với gần 500 học sinh, sinh viên và thầy cô giáo các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tham gia và hào hứng lắng nghe những chia sẻ của những người thầy, những nhà văn, nhà báo lão luyện, những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm. Tôi cho rằng hiệu ứng lan tỏa trong xã hội từ chương trình là rất tốt đẹp.

PV: Trong không khí ngày hôm nay, PGS.TS có cảm nhận như thế nào về các bạn học sinh, sinh viên?
PGS.TS: Mặc dù thời tiết không ủng hộ, trời mưa rất to,  nhưng các bạn học sinh ở các trường THPT của tỉnh Thái Nguyên (THPT Ngô Quyền, THPT Vùng Cao Việt Bắc, THPT Chuyên, THPT Chu Văn An, THPT Điềm Thụy Phú Bình, THPT Lương Ngọc Quyến…) và các bạn sinh viên vẫn đến tham gia tọa đàm rất đông.  Các bạn học sinh đã lắng nghe, ghi âm, ghi hình, và biết tận dụng cơ hội để đặt câu hỏi, những thắc mắc của bản thân cho các diễn giả. Còn các bạn sinh viên đang học ngành Báo chí thì rất năng động, biết tận chớp khoảnh khắc để tác nghiệp ngay tại chương trình. Ngay bài phỏng vấn các bạn đang thực hiện với tôi, tôi cho đó là ý tưởng tác nghiệp thông minh của các bạn. Qua buổi tọa đàm, tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại quan niệm của không ít người cho rằng học sinh, sinh viên chán học Văn và chán học các môn khoa học Xã hội Nhân văn. Việc thực hiện chương trình cho thấy học trò và sinh viên không hẳn là chán học các môn khoa học xã hội nhân văn mà vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm thế nào để các em được tiếp cận tri thức một cách sinh động, tự nhiên, dễ đi vào lòng người nhất. Phải làm gì và làm thế nào để mở ra một chân trời giúp các bạn trẻ thấy được cái hay, cái cần thiết, sự hữu ích của khoa học nhân văn đối với cuộc đời của mỗi con người và đối với sự phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội.

PV: PGS.TS hãy chia sẻ thêm về định hướng và mong muốn phát triển của Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học trong tương lai gần?
PGS.TS: Trong cuộc đời mỗi con người, niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi chúng ta là được sống và được làm việc với cái nghề mà mình yêu thích nhất. Song để sống được với nghề, ngoài lòng say mê nghề nghiệp thì việc học hành, trau dồi vả rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp là một điều vô cùng quan thiết. Cổ nhân đã từng khuyến cáo: “cho con ngàn vàng chẳng bằng dạy con một nghề”. Điều này không chỉ đúng với ngày xưa mà còn đúng với hôm nay và cho mãi đến mai sau. Báo chí – Văn học không chỉ là những lĩnh vực chuyên môn thuộc khoa học xã hội nhân văn mà còn là lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp, một nghề nghiệp vô cùng đặc biệt vì nó đỏi hỏi ở người làm nghề không chỉ có niềm say mê, có kỹ năng mà còn phải có thiên năng. Vì vậy, việc trao đổi kinh nghiệm, học tập từ những lớp người đi trước cũng như những người cùng thời, cùng những lĩnh vực chuyên môn với nhau là điều rất cần thiết. Đó cũng là mục tiêu đào tạo của Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học hướng đến.Tại buổi tọa đàm,  Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học cho ra mắt CLB mang tên Windstep (các bạn trẻ của Khoa thích cái tên với nghĩa đại ý là “Bước gió” – cái tên nhắc nhở các bạn sinh viên cần phải học tập và nỗ lực hết mình để tiến kịp sự phát triển như vũ bão của tri thức nhân loại, đặc biệt là lĩnh vực Truyền thông). CLB ra đời có sự đồng hành của ban cố vấn chuyên môn gồm nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ, các thầy,cô giáo, các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn để giúp các em rèn nghề. Mục tiêu đào tạo của chúng tôi là hướng đến sản phẩm giáo dục chất lượng, đáp ứng nhu cầu công việc của xã hội hiện đại. Muốn đạt điều đó, chúng  tôi sẽ chuyển mạnh hướng trong chiến lược đào tạo, tăng cường, mở rộng kết nối sinh viên với các cơ quan, đơn vị, các nhà tuyển dụng để các em có thể làm quen dần với môi trường xã hội, môi trường công việc. Chúng tôi tiếp tục phương châm giúp sinh viên độc lập tư duy, tu luyện ý chí tự học, học đi đôi với thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp để vượt qua giới hạn của chính bản thân, vượt qua những rào cản bởi khung kiến thức hàn lâm nặng tính giáo điều, xơ cứng vốn đã và đang tồn tại trong giáo dục và đào tạo hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi cũng rất mong muốn lãnh đạo các cấp tạo điều kiện, các bậc phụ huynh vào cuộc và đồng hành cùng chúng tôi để trong thời gian tới đây chất lượng đào tạo cử nhân Báo chí, cử nhân Văn học của Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học được nâng lên tầm cao mới.  
PV: Cảm ơn PGS.TS - Nhà văn Cao Thị Hồng đã dành chút thời gian cho buổi phỏng vấn.

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:

Chăm chú lắng nghe diễn giả chia sẻ kinh nghiệm làm báo, viết văn

Diễn giả -  nhà phê bình, nhà báo Phạm Xuân Nguyên

Diễn giả - Diễn viên điện ảnh, cựu phát thanh viên, biên tập viên Văn Báu

Giao lưu với các nhà văn, nhà báo

Ban Tổ chức và các diễn giả

Đại diện các thầy, cô giáo đến từ các trường THPT trong tỉnh Thái Nguyên

Các diễn giả cùng cô giáo Lê Mai Ngân và học trò trường THPT Chuyên Thái Nguyên

Các diễn giả cùng cô giáo Vân Anh và học trò trường THPT Vùng Cao Việt Bắc

PGS.TS. Nhà văn Cao Thị Hồng (Khoa Báo chí Truyền thông&Văn học) cùng các diễn giả

  Sinh viên ngành báo chí tác nghiệp

Nhóm sinh viên Báo chí K13

 Khoa Báo chí, Truyền thông và Văn học