Chương trình truyền thông “Phân loại rác, giảm thiểu túi nilon để bảo vệ môi trường” cho sinh viên ký túc xá Trường Đại học Khoa học
Rác thải sinh hoạt là các chất rắn bị loại ra trong quá trình sống, sinh hoạt, hoạt động, sản xuất của con người và động vật. Rác phát sinh từ các hộ gia đình, khu công cộng, khu thương mại, khu xây dựng, bệnh viện, khu xử lý chất thải… Trong đó, rác sinh hoạt chiếm tỉ lệ cao nhất. Số lượng, thành phần chất lượng rác thải tại từng quốc gia, khu vực là rất khác nhau, phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Bất kỳ một hoạt động sống của con người, tại nhà, công sở, trên đường đi, tại nơi công cộng… đều sinh ra một lượng rác đáng kể. Thành phần chủ yếu của chúng là chất hữu cơ và rất dễ gây ô nhiễm trở lại cho môi trường sống nhất. Cho nên, rác sinh hoạt có thể định nghĩa là những thành phần tàn tích hữu cơ phục vụ cho hoạt động sống của con người, chúng không còn được sử dụng và vứt trả lại môi trường sống.
Rác khi thải vào môi trường gây ô nhiễm, đất, nước, không khí. Ngoài ra, rác thải còn làm mất vệ sinh công cộng, làm mất mỹ quan môi trường. Rác thải là nơi trú ngụ và phát triển lý tưởng của các loài gây bệnh hại cho người và gia súc. Rác thải ảnh hưởng tới môi trường nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nền kinh tế của từng quốc gia, khả năng thu gom và xử lý rác thải, mức độ hiểu biết và trình độ giác ngộ của mỗi người dân. Khi xã hội phát triển cao, rác thải không những được hiểu là có ảnh hưởng xấu tới môi trường mà còn được hiểu là một nguồn nguyên liệu mới có ích nếu chúng ta biết cách phân loại chúng, sử dụng theo từng loại.
Rác thải đang là vấn đề bức xúc ở nước ta hiện nay. Mỗi năm có khoảng hơn 15 triệu tấn chất thải rắn phát sinh trên cả nước và theo dự báo thì tổng lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong những thập kỷ tới đây, đặc biệt ở các đô thị lớn, khu du lịch. Chất thải rắn được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau.Trong số hơn 15 triệu tấn CTR có khoảng 12,8 triệu tấn (khoảng 80% tổng lượng chất thải) phát sinh từ các hộ gia đình, nhà hàng, chợ, khu kinh doanh; 2,6 triệu tấn (chiếm 17%) từ các cơ sở công nghiệp và khoảng 160.000 tấn (chiếm 1%) là chất thải nguy hại (gồm chất thải y tế nguy hại, các chất dễ cháy, chất độc hại từ công nghiệp, các loại thuốc trừ sâu, thùng chứa thuốc, vỏ, bao bì). Lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị ở nước ta phát sinh ngày càng tăng, tính trung bình mỗi năm tăng khoảng 10-15%.
Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất lượng rác mang chôn lấp, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xử lý rác thải, từ năm 2014, thành phố Thái Nguyên đã thực hiện Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhưng việc thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn.Tác dụng của việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là không phải bàn cãi, nếu thực hiện tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường. Tuy nhiên, để tạo ra thói quen thực hiện của người dân không dễ. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Đề án chưa thành công là do người dân chưa hoàn toàn tự nguyện thực hiện.
Là một trong những trường đại học lớn trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, với đặc thù là một trường đại học nghiên cứu và ứng dụng khoa học, giảng viên trong Trường luôn có những thay đổi phương pháp giảng dạy, tích cực đẩy mạnh thực hành, thực tế, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện nay Trường Đại học Khoa học có khoảng 750 sinh viên đang sống trong ký túc xá. Công tác quản lý môi trường trong ký túc xá ngày càng được hoàn thiện. Môi trường sống và học tập của sinh viên được đảm bảo. Tuy nhiên, trong xu thế chung, lượng rác thải sinh hoạt từ khu ký túc xá ngày một lớn, đặt ra một yêu cầu bức thiết về giải pháp hỗ trợ và tuyên truyền tới sinh viên về tái chế và phân loại rác thải tại nguồn, tiếp cận với đề án phân loại rác của thành phố Thái Nguyên.
Tối ngày 08 tháng 11 năm 2017, được sự đồng ý của Ban lãnh đạo Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất và Ban Quản lý Ký túc xá, giảng viên Nguyễn Thị Hồng Viên đã tổ chức cho sinh viên lớp Khoa học Môi trường K12 thực hiện chương trình truyền thông “Phân loại rác, giảm thiểu túi nilon để bảo vệ môi trường” cho sinh viên ký túc xá Trường Đại học Khoa học.
Chương trình đã kết hợp nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của sinh viên về phân loại rác, định hướng các hành động và hướng dẫn sinh viên phân loại rác tại nguồn: Thuyết trình, hoạt động văn nghệ, trò chơi ô chữ... Đặc biệt, với phần thi Phân loại và tái chế rác, các bạn sinh viên đã được tự thực hành phân loại rác thải, tận dụng những thành phần tái chế được để tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống: Để điện thoại bằng vỏ lon coca hoặc lon bia, đèn ngủ bằng chai coca nhựa, chậu trồng cây bằng vỏ lon, chai nhựa, quạt giấy từ giấy bỏ, hộp quà từ giấy bìa, khuôn làm bánh từ lon coca...
Cảm nhận của các bạn sinh viên tham gia chương trình là “cảm thấy phân loại và tái chế, tận dụng rác thải rất dễ. Đây là hoạt động hay và ý nghĩa, rất cần thiết cho sinh viên”. Mục tiêu của chương trình là giảm lượng rác thải thông qua hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Rất nhiều bạn sinh viên tham gia chương trình đều có chung suy nghĩ là sẽ áp dụng các giải pháp tận dụng rác thải và bảo vệ môi trường vào cuộc sống hàng ngày.
Dưới đây là một số hình ảnh của chương trình:
Các đội thi với hoạt động Phân loại rác
Chương trình thu hút sự chú ý của giáo viên nước ngoài tại ký túc xá
Móc khóa - 1 sản phẩm tuyên truyền của chương trình
Một đội chơi khẩn trương hoàn thành các sản phẩm tái chế từ rác thải vừa phân loại
Sinh viên tham gia chương trình hào hứng với các phần thi và trò chơi
Tạn dụng chai lọ cũ làm kệ điện thoại và chậu trồng cây
TS Nguyễn Phương Mai - GV Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất chia sẻ về phân loại và xử lý rác thải tại Đức và các nước Châu Âu
Nguyễn Thị Hồng Viên - Giảng viên, Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất