CÔNG TÁC XÃ HỘI

Ngày: 23/04/2024

Ngành đào tạo: CÔNG TÁC XÃ HỘI

Mã ngành: 7760101

Trình độ đào tạo: Đại học;         Loại hình đào tạo: Từ xa

Phương thức đào tạo: Truyền thống kết hợp E-Learning

Đơn vị đào tạo: Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung:

Đào tạo cử nhân Công tác xã hội (CTXH) có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên môn được đào tạo, nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý, các quy luật tự nhiên và xã hội được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường xã hội; có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ cộng đồng.

1.2. Mục tiêu cụ thể: 

- PO1:  Có kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, pháp luật, ngoại ngữ, tin học, quốc phòng - an ninh để đảm bảo cơ hội học tập suốt đời.

- PO2: Có kiến thức nền tảng về cơ sở ngành và chuyên ngành CTXH để vận dụng vào việc giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp, phát triển bản thân và học tập suốt đời.

- PO3: Người học có năng lực nghiên cứu, thực hành các kiến thức chuyên môn được đào tạo từ cơ bản đến chuyên biệt để giải quyết vấn đề và nâng cao năng lực cho con người. 

- PO4: Có kỹ năng làm việc độc lập hoặc phối hợp làm việc theo nhóm, có kỹ năng giao tiếp, tư duy sáng tạo và thích ứng với môi trường làm việc đa dạng.

- PO5: Có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân và có ý thức phục vụ cộng đồng; Có năng lực tự học tập, tự tích luỹ kiến thức và có tinh thần khởi nghiệp.

2. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

2.1. Chuẩn đầu ra về kiến thức: 

- Vận dụng được kiến thức cơ bản của khoa học chính trị và pháp luật Việt Nam vào phân tích các vấn đề kinh tế-xã hội trong thực tiễn thuộc lĩnh vực chuyên môn CTXH.

- Vận dụng được các kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn đáp ứng yêu cầu công việc.

- Vận dụng được các kiến thức nền tảng liên quan đến tâm lý học, hành vi con người và môi trường xã hội, giới và phát triển giới để can thiệp và hỗ trợ đối tượng.

- Vận dụng được các nguyên tắc đạo đức CTXH, kiến thức về an sinh xã hội, trợ giúp xã hội trong hoạt động tham vấn, trợ giúp các nhóm đối tượng thân chủ khác nhau.

- Vận dụng được các lý thuyết CTXH, phương pháp CTXH ở cấp độ cá nhân, nhóm, cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, hỗ trợ các đối tượng thân chủ đa dạng trong các môi trường khác nhau.

2.2. Chuẩn đầu ra về kĩ năng:

- Có khả năng vận dụng thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và các phương pháp nghiên cứu khoa học vào hoạt động nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp CTXH.

- Sử dụng được các kỹ năng tham vấn cơ bản trong tiến trình trợ giúp các nhóm đối tượng khác nhau.

- Thực hành được kỹ năng như tiếp cận, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề trong tiến trình CTXH cá nhân, CTXH nhóm và Phát triển cộng đồng.

- Thiết kế được công cụ thu thập thông tin trong hoạt động thực hành CTXH theo phương pháp định tính và định lượng.

- Có khả năng xử lý được các tình huống khi thực hiện các hoạt động thực hành, thực tập nghề nghiệp.

- Thể hiện khả năng tư duy sáng tạo, có kỹ năng giao tiếp hiệu quả và làm việc trong môi trường hội nhập.

- Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo quy định của cơ sở đào tạo.

- Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng ngoại ngữ theo quy định của cơ sở đào tạo.

- Có khả năng sử dụng tư duy phản biện để đánh giá và lồng ghép tính đa dạng, sự khác biệt vào thực hành nghề nghiệp.

2.3. Chuẩn đầu ra về mức độ tự chủ và trách nhiệm:

- Có năng lực làm việc độc lập và làm việc theo nhóm.

- Có kỹ năng tổ chức thực hiện công việc và học hỏi, phát triển bản thân; có khả năng tự đổi mới và tinh thần khởi nghiệp.
Thực hành theo tiêu chuẩn đạo đức nghề CTXH.

- Có ý thức trách nhiệm với bản thân và ý thức phục vụ cộng đồng; Hình thành kỹ năng thích ứng với sự thay đổi trong môi trường đa văn hoá.

3. Thời gian đào tạo và khối lượng kiến thức toàn khóa

3.1. Thời gian đào tạo: 

- Từ 4 đến 5 năm: thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

- Từ 2 đến 3,5 năm: thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành, cao đẳng, đại học hoặc đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. 

3.2. Khối lượng kiến thức toàn khóa:

- Đối với thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương: 135 tín chỉ. 

- Đối với thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng hoặc đại học: Hội đồng chuyên môn xem xét chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo. Hội đồng chuyên môn công nhận chuyển đổi khối lượng tốt đa không vượt quá 50% khối lượng học tập của chương trình đào tạo.

Xem thêm thông tin tại website Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn: https://khxhnv.tnus.edu.vn

File(s) đính kèm: