Trường Đại học Khoa học – 15 năm một chặng đường

Ngày: 21/10/2017

Đối với tập thể thầy trò Trường Đại học Khoa học (ĐHKH), ngày thành lập Trường (24/10) năm nào cũng là một ngày hội. Nhưng 24/10 năm nay là một ngày hội lớn - một ngày trọng đại sẽ đi vào lịch sử dài lâu của Trường ĐHKH như một dấu mốc đặc biệt – ngày sinh nhật Trường ĐHKH đủ tròn mười lăm năm tuổi (2002 – 2017). Đây cũng là ngày diễn ra cuộc đại hội ngộ chưa từng có giữa những thế hệ cán bộ viên chức cũng như học viên, sinh viên toàn trường. Dẫu mới chỉ mười lăm năm – khoảng thời gian không dài đối với lịch sử quốc gia dân tộc nhưng đối với Trường ĐHKH, đó là mười lăm năm đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển, từng bước khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa và sức vươn lên của một trường đại học trẻ mang trong mình biết bao hoài bão và khát vọng: thắp sáng tri thức – bền vững tương lai.

Mười lăm năm ấy biết mấy gian truân!

“Sinh sau, đẻ muộn”, để thực hiện được sứ mạng lớn lao (trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước), mười lăm năm qua là cả một chặng đường biết bao gian nan và thách thức đối với Trường ĐHKH. Năm 2002, với tên khai sinh ban đầu là Khoa Khoa học Tự nhiên (KHTN), những thế hệ cán bộ viên chức (CBVC) đầu tiên  - những người giữ vai trò “khai sơn, phá thạch” là những người thấm thía nhất những khó khăn thiếu thốn: cơ sở vật chất nghèo nàn, số lượng cán bộ hạn chế (chỉ vỏn vẹn hơn 50 cán bộ viên chức trong đó gần nửa sắp đến tuổi về hưu); dư luận xã hội, sự bất an trong tâm tư của một số CBVC về tương lai phát triển… Đó là những những thách thức không nhỏ đối với Khoa ngày mới thành lập.

Tập thể CBVC Khoa KHTN trong lễ khai giảng đầu tiên và kỉ niệm 1 năm thành lập

Mười lăm năm ấy biết mấy tự hào!

Mười lăm năm qua, Trường ĐHKH đã trải qua hai lần đổi tên và mỗi tên gọi đều thể hiện một bước phát triển mới của Trường: năm 2006 Khoa KHTN đổi thành Khoa Khoa học Tự nhiên và Xã hội; năm 2009 Khoa công bố thành lập Trường ĐHKH. Bởi vậy, đối với Trường ĐHKH, chặng đường mười lăm năm thực sự là chặng đường “lửa thử vàng, gian nan đo sức mạnh”. Đó là mười lăm năm nỗ lực cố gắng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của toàn thể CBVC toàn trường. Từ 50 CBVC ban đầu trong đó có 5 Tiến sĩ và 18 Thạc sĩ, đến nay, số lượng CBVC đã tăng lên gấp 7 lần với 328 CBVC trong đó có 01 Giáo sư, 06 Phó Giáo sư, 63 Tiến sĩ, 66 Nghiên cứu sinh và 189 Thạc sĩ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 99,56%.

Sự mở rộng không ngừng của quy mô và lĩnh vực đào tạo cũng góp phần ghi dấu những bước phát triển mới của Trường ĐHKH. Nếu năm 2003, Nhà trường tuyển sinh khóa đầu tiên của 5 ngành đào tạo đại học với chỉ 159 sinh viên thì đến nay, quy mô đào tạo đã tăng lên gấp 40 lần với 6330 người học của 19 ngành đào tạo bậc đại học. Đã có 11 khóa tốt nghiệp với 11084 Cử nhân khoa học. Đặc biệt, nếu năm 2007, nhà trường tuyển sinh đào tạo thạc sĩ khóa đầu tiên với chỉ 20 học viên thì đến nay, Trường đã mở rộng đào tạo 07 chuyên ngành Thạc sĩ và 03 chuyên ngành Tiến sĩ với 1020 học viên đã được nhận bằng Thạc sĩ, 03 nghiên cứu sinh được nhận bằng Tiến sĩ. Hiện tại, có 401 học viên cao học, 03 nghiên cứu sinh đang học tập tại Trường.

Lễ trao bằng Cử nhân năm 2013

 

Lễ trao bằng thạc sĩ năm 2014

Lễ trao bằng Tiến sĩ năm 2016

Chặng đường 15 năm qua cũng ghi nhận những con số đáng tự hào trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: 13 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 68 đề tài/ dự án cấp Bộ và cấp Tỉnh, 92 đề tài cấp Đại học, 177 đề tài cấp cơ sở, 734 đề tài SV NCKH, hơn 1000 bài báo khoa học được công bố, trong đó có gần 200 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế được xếp hạng ISI – chiếm 50% tổng số công trình công bố quốc tế ISI của toàn Đại học Thái Nguyên. Bởi những thành tích đó, Trường ĐHKH đã vinh dự trở thành đơn vị dẫn đầu Đại học Thái Nguyên về công bố quốc tế (trung bình mỗi năm có khoảng 30 – 40 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế được xếp hạng). Nhà trường và CBVC đã nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xuất sắc trong hoạt động KHCN, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, giải thưởng Quốc gia về môi trường… Nhiều bài báo ISI được Chương trình trọng điểm Quốc gia Phát triển Toán học trao thưởng. Đặc biệt, năm 2011, PGS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn đã vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia cao quý.

PGS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn nhận giải thưởng Kovalevskaya

Cán bộ Trường ĐHKH tại lễ trao giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2012

Đóng góp một phần không nhỏ vào những thành tựu KHCN chung của trường là 26 đề tài sinh viên NCKH được trao giải Nhất, Nhì, Ba Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học, giải Sáng tạo trẻ Việt Nam – VIFOTEC và Sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên…

Ảnh 8. Sinh viên Trường ĐHKH nhận giải thưởng Sinh viên NCKH năm 2016

Hệ thống cơ sở vật chất nhờ được quan tâm đầu tư nay cũng kiên cố, khang trang hơn:

Trường Đại học Khoa học xưa và nay

Với những thành tích đáng quý, Trường ĐHKH đã được tặng 01 Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, 02 Cờ thi đua của UBND tỉnh Thái Nguyên, 06 bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên, 01 bằng khen của Tỉnh ủy Thái Nguyên, 04 bằng khen của Bộ GD&ĐT, 01 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều CBVC của Nhà trường được suy tôn các danh hiệu cao quý.

Trường ĐHKH nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Thái NguyêN

Và mười lăm năm ấy biết mấy gắn bó, biết mấy yêu thương!

Để làm nên những con số đáng tự hào của Trường ĐHKH hôm nay, không thể không nói đến công lao đóng góp của các thế hệ CBCV, học viên, sinh viên toàn trường. Mười lăm năm vật đổi sao dời, mười lăm năm cuộc đời dâu bể. Có những thầy cô về hưu sau khi đã dành trọn vẹn thời gian và tâm huyết cuối cùng của mình cho sự nghiệp trồng người. Có những thầy cô vẫn ở lại tiếp tục chèo lái con thuyền ĐHKH vượt sóng ra khơi. Có những thầy cô mãi mãi đi xa khi sự nghiệp và những khát khao cống hiến cho giảng dạy và NCKH còn đang dang dở… Mười lăm năm ấy cũng ghi dấu sự nở rộ của thế hệ kế cận những giảng viên trẻ - những người tuổi mới đôi mươi đang tràn đầy nhiệt huyết và sinh lực, đã chọn gắn bó với ĐHKH như “mảnh đất dụng võ” đầu tiên - nơi ươm mầm, gieo hạt và nuôi dưỡng những ước mơ được cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Sinh viên Trường ĐHKH ngày nhận bằng Cử nhân

Đặc biệt hơn, đây cũng là chặng đường gửi trọn niềm tin về tương lai con cháu của biết bao thế hệ các bậc phụ huynh. Trường ĐHKH trở thành nơi chắp cánh ước mơ của biết bao thế hệ học viên, sinh viên đến từ nhiều miền đất khác nhau của tổ quốc. Và cũng tại nơi đây, mười lăm năm qua, có biết bao ước mơ, hoài bão đã trở thành hiện thực. Những lớp học trò đầu tiên ngày ấy, giờ đang có mặt ở khắp muôn nơi, đảm đương những vị trí công việc khác nhau: người ở lại làm giảng viên, người đi xa để trở thành giáo viên nuôi dưỡng ước mơ trồng người, người trở thành những nhà quản lý, những doanh nhân, người lại trở thành những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực…. Họ đại diện cho những thế hệ học trò đầu tiên, trẻ trung, tự tin, bản lĩnh đang góp sức vì một Việt Nam hội nhập cùng thế giới.

Vũ Hạnh - Giảng viên Khoa Văn – Xã hội