Tọa đàm khoa học: Nghiên cứu, tổng kết lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và vấn đề con người và quyền con người và đề xuất, bổ xung, phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới

Ngày: 03/12/2018

Ngày 13/11/2018, Khoa Khoa học Cơ bản – Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên phối hợp Viện Nghiên cứu Con người tổ chức Tọa đàm khoa học “Nghiên cứu, tổng kết lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề con người và quyền con người và đề xuất, bổ sung, phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Đề tài cấp Nhà nước KX 02.18/16-20: Nghiên cứu tổng kết lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề con người, quyền con người và đề xuất, bổ sung, phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới do Viện Nghiên cứu Con người thực hiện, trực thuộc Chương trình KX 02/16-20, “Nghiên cứu, tổng kết, đề xuất, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin – cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới” do Ban Bí thư trực tiếp quản lý. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2020.

Đến dự Tọa đàm có đông đủ các khách mời là các nhà khoa học, các trí thức đến từ nhiều cơ quan khác nhau. Với sự chủ trì của PGS.TSKH. Lương Đình Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, với sự tham dự của GS. TS. Hồ Sỹ Quý (nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội), PGS.TS.Mai Quỳnh Nam (Nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu con người), GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các chuyên gia từ Viện nghiên cứu con người.

Với các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, các nhà khoa học, các trí thức đã đóng góp những tiếng nói có giá trị lý luận và thực tiễn cao, gợi mở ra nhiều vấn đề mới, đáng suy ngẫm cho Ban chủ nhiệm đề tài. Hầu hết các quan điểm đều thống nhất cho rằng, với sự phát triển mới của thực tiễn trong nước và quốc tế hiện nay, đặc biệt là với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, trong kỷ nguyên số và thông tin đa chiều, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin cần được bổ sung, phát triển những điểm mới về vấn đề con người và quyền con người.

Tiêu biểu, có thể kể đến ý kiến của TS. Vũ Thị Tùng Hoa (nguyên Trưởng Khoa GDCT – Trường ĐHSP) trao đổi về vấn đề quyền con người trong thời đại công dân toàn cầu, quyền được biểu đạt tư tưởng của tầng lớp trí thức trong xã hội và quyền được đảm bảo môi trường xã hội an toàn khi biểu đạt thông tin. Theo đó, trong thời đại hiện nay, cần tạo ra những quy định, những chế tài một mặt thúc đẩy tinh thần thẳng thắn, sáng tạo của trí thức nhưng mặt khác cần đảm bảo được an toàn cho bản thân người trí thức khi tham gia góp ý. Quan điểm này nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của rất nhiều các đại biểu tham dự. TS. Lưu Bình Dương (Phó chủ nhiệm Khoa Luật và QLXH – Trường ĐHKH) đặt ra vấn đề quyền con người ở Việt Nam hiện nay cần được xem xét và luật hóa từ khi con người còn là một bào thai. Đây là một quan điểm khá lý thú và thu hút được ý kiến tranh luận sôi nổi từ các chuyên gia tham dự. Theo đó, luật pháp Việt Nam hiện nay mới chỉ bảo vệ con người và quyền con người khi con người đã được sinh ra khỏi bụng mẹ. Chính vì vậy, tình trạng nạo hút thai hay các hành vi khác xâm phạm đến bào thai đều không bị truy cứu trước pháp luật – đó là một điểm khác biệt, là một lỗ hổng và  là một điểm lạc hậu của luật pháp Việt Nam so với một số nền luật pháp tiên tiến trên thế giới như luật pháp ở Mỹ hay các nước Bắc Âu. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Tất Thắng (Trưởng ban Công tác HS-SV – ĐHTN) đưa ra quan điểm về bảo vệ quyền con người của học sinh, sinh viên, đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc lợi dụng tự do tôn giáo để truyền bá, lôi kéo các sinh viên theo các tà đạo… và rất nhiều các đóng góp tâm huyết khác của nhiều đại biểu tham dự. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cho thấy những trăn trở của tầng lớp trí thức đối với sự phát triển của đất nước hiện nay.

Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến mới từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Sự thành công của Tọa đàm là khởi đầu cho sự kết nối trong nghiên cứu khoa học giữa Nhà Trường và Viện Nghiên cứu Con người – như ý kiến phát biểu của Đại diện Ban giám hiệu Nhà trường – PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái khi phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Sau đây là một số hình ảnh đáng chú ý:

 

 PGS.TSKH. Lương Đình Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người chủ trì Tọa đàm phát biểu ý kiến Khai mạc

 

 PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường phát biểu khai mạc

 

TS. Phạm Tất Thắng – Trưởng ban Công tác HS-SV ĐHTN phát biểu ý kiến

 

 Nhà báo Nguyễn Thúy Quỳnh (Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên) phát biểu ý kiến

TS. Vũ Thị Tùng Hoa phát biểu ý kiến tại tọa đàm

 

TS. Cao Duy Trinh (Trưởng Khoa KHCB –Trường ĐHKH) tham dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị

TS. Lê Quang Dực (Khoa Luật, Trường ĐHKH phát biểu tại hội nghị)

Cán bộ và sinh viên Khoa KHCB tham gia buổi tọa đàm.