Thư viện Trường Đại học Khoa học với công cuộc chuyển đổi số
Với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ trong thời gian qua, tại các trường đại học trong đó có Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên (ĐHKH), phát triển thư viện số là một nội dung đang được khuyến khích triển khai. Vậy chuyển đổi số trong thư viện là gì? Thư viện Trường ĐHKH cần làm gì trong công cuộc chuyển đổi số?
Chuyển đổi số (CĐS) trong thư viện được hiểu là việc chuyển đổi mô hình thư viện truyền thống sang mô hình kỹ thuật số. Các tài liệu sẽ được định dạng và mã hóa bằng kỹ thuật số để lưu trữ dưới dạng pdf, ảnh hay định dạng số khác mà không làm thay đổi dữ liệu. CĐS trong thư viện cần ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại để vận hành, quản lý hệ thống thư viện. Như vậy, chuyển đổi số thư viện không phải chỉ đơn giản “số hóa” tài liệu mà cần thay đổi công cụ lao động và cách vận hành một Thư viện kiểu mới.
Để thực hiện chuyển đổi số, thư viện Trường ĐHKH cũng đang từng bước hiện đại hóa, chuyển đổi sang mô hình thư viện điện tử, thư viện số, trong đó, số hóa tài liệu là bước xuất phát đầu tiên của hành trình này. Số hóa không làm dữ liệu bị thay đổi mà được mã hóa ở định dạng số nhằm lưu trữ tiện lợi và mở rộng phạm vi sử dụng tài liệu so với hình thức thư viện truyền thống. Việc số hóa tài liệu tại các thư viện giúp cho việc lưu trữ, bảo quản tài liệu tiện lợi và lâu dài hơn, việc bổ sung tài liệu không bị chồng chéo như trước đây. Số hoá còn giúp mở rộng đối tượng và phạm vi sử dụng các nguồn tài liệu này. Các tài liệu số sẽ được chia sẻ giữa các thư viện với nhau, tạo nên nhiều tiện ích cho người sử dụng khi tìm kiếm và sử dụng thông tin (có thể tìm kiếm ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào, từ nhiều thư viện khác nhau). Đây là một lợi thế rất lớn phù hợp với hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đào tạo liên thông, hệ vừa học vừa làm và đặc biệt đào tạo từ xa trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang bùng nổ.
Thực tế hiện nay, công cuộc chuyển đổi số mới chỉ phổ biến ở một số thành phố hoặc trường đại học lớn, các cơ quan có đủ tiềm lực về nhân lực, cơ sở vật chất, năng lực tài chính, cũng như công nghệ để thực hiện số hóa. Vì vậy, Thư viện cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện thành công chuyển đổi số. Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tốc độ số hóa, Thư viện Trường ĐHKH đã xác định “số hóa” tài liệu là việc làm cần thiết, phải được đầu tư có kế hoạch cụ thể ưu tiên từng nhiệm vụ như sau:
- Lựa chọn số hóa trước những tài liệu cũ, có nguy cơ hư hỏng cao, những tài liệu quý, độc bản và những tài liệu được nhiều bạn đọc quan tâm.
- Tập trung số hóa các giáo trình nội bộ, bài báo khoa học trong nước và quốc tế, các đề tài nghiên cứu các cấp của các giáo viên trong trường, phát huy lợi thế quảng bá sản phẩm nghiên cứu khoa học của đơn vị và đây cũng là một nguồn tài liệu quý để làm nền tảng cho việc nghiên cứu khoa học của trường ngày càng vươn xa hơn.
- Ưu tiên số hóa tài liệu phục vụ các ngành đào tạo chất lượng cao, chuyên ngành mới và các ngành trọng điểm, mũi nhọn bởi nguồn học liệu của Trung tâm Học liệu cung cấp chỉ phục vụ những ngành chung, phố biến và không nó nội dung chuyên sâu.
- Xây dựng các liên kết chặt chẽ với các thư viện có nguồn học liệu ở diện chuyên đề bao quát (như Thư viện đại học Quốc gia, Đại học Luật, Đại học Sư phạm, Đại học Thể dục thể thao, Hiệp hội thư viện các trường Đại học cao đẳng…) cùng thực hiện kết hợp thực hiện số hóa tài liệu cũng như kết nối đồng bộ và sử dụng chung nguồn dữ liệu…
Một trong các điểm mới của Luật Thư viện 2019 (có hiệu lực từ tháng 7/2020) là đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện. Theo đó, khoản 1, Điều 29 quy định cụ thể về liên thông thư viện bao gồm các nội dung sau: Hợp tác trong việc bổ sung, mua, thu thập tài nguyên thông tin dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp; chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện; Liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng và phát triển một hệ thống thư viện số dùng chung, kết nối toàn bộ các thư viện số dữ liệu lớn (BigData) tạo ra cổng thông tin tri thức thư viện số thống nhất.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ như hiện nay, nếu không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, phương thức hoạt động, các thư viện chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc và không thể hoàn thành sứ mệnh cung cấp thông tin, tri thức một cách có hiệu quả. Có thể thấy, nếu không thật sự bước chân vào công cuộc CĐS, thư viện sẽ dần bị thay thế bởi các nguồn tri thức khác.
Lê Hiền- Trung tâm NHTH