PGS.TS.NGƯT. Phạm Thị Phương Thái: Tôi hạnh phúc nhất khi được là cô giáo dạy Văn
Hòa cùng niềm vui chung của ngày Hiến chương các nhà giáo, Trường Đại học Khoa học có niềm vui, sự tự hào riêng bởi nhân dịp này, nhiều thầy, cô giáo Nhà trường đã được vinh danh với những danh hiệu và giải thưởng cao quý. Trong số đó, có đồng chí Phó Hiệu trưởng – PGS.TS Phạm Thị Phương Thái. Với sự nỗ lực không mệt mỏi trên hành trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lí giáo dục, cô giáo Phạm Thị Phương Thái đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú. Gặp gỡ, chia sẻ với Phó giáo sư vào một buổi chiều thu se lạnh, chúng tôi đã rất xúc động và ấm áp khi biết rằng: sau 30 năm gắn bó với nghề, ở nhiều vị trí, trải nghiệm nhiều lĩnh vực chuyên môn, cô vẫn thấy hạnh phúc nhất khi được dạy Văn – công việc đầu tiên mà cô đã lựa chọn, từ nguyện vọng của người cha thân thương.
Ngày 14 tháng 11 năm 2021, sau khi đón nhận danh hiệu mà bất cứ người giáo viên nào cũng tự hào, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái đã tâm sự trên trang cá nhân với nhiều cảm xúc. Đọng lại sâu lắng nhất trong những chia sẻ ấy, có lẽ là câu chuyện về ước mơ thuở thiếu thời và hình bóng của người Cha nay đã về miền xa vãng: “Mình vốn ban đầu không chọn sư phạm. Trong những trò chơi thơ bé, hình như chưa bao giờ mình thích trò chơi làm cô giáo. Có lẽ do cá tính nghịch ngợm, hiếu động, chỉ thích chơi cùng bọn con trai. Thuở đó, mơ nhiều và ước nhiều. Nhưng toàn là những nghề được bay nhảy hoặc đấu lý, đấu khẩu, điều tra hình sự… Thế mà, mình được trở thành cô giáo. Bắt đầu từ lời khuyên giản dị của Cha: con được vào thẳng ĐHSP Việt Bắc. Hàng ngày đi mấy bước chân đến lớp, về ăn cơm với bố mẹ. Cả tủ sách - gia sản duy nhất của nhà mình sau này là của con!”. Thân sinh của cô giáo Phạm Thị Phương Thái cũng là thầy giáo của bao thế hệ sinh viên Đại học Sư phạm Việt Bắc – một nhà giáo, nhà Kiều học nổi tiếng hiền hậu, tài hoa và khí tiết. Con đường vào trường ĐHSP Việt Bắc của cô quả đúng là một con đường thẳng, hành trình sinh viên của cô là “mấy bước chân đến lớp” rồi lại trở về ăn cơm với bố mẹ trong căn nhà nhỏ có gác lửng và giàn hoa tím ngắt cheo leo trên đồi Yên ngựa ngay sát giảng đường A. Nhưng hành trình nghề nghiệp sau này của nhà giáo Phạm Thị Phương Thái đã không thẳng và gần như thế. Hơn ba thập kỉ gắn bó với ngành Giáo dục, cô đã nhiều lần chuyển cơ quan, thay đổi hướng nghiên cứu, trải nghiệm nhiều lĩnh vực chuyên môn và vị trí công tác. Cuộc sống riêng tư vất vả trong thời đoạn đất nước thăng trầm cũng đã từng đặt ra cho cô giáo dạy Văn trường cấp 3 Đồng Hỷ khi ấy nhiều sự lựa chọn, trong đó có cả việc gác lại ước mơ của cha để theo gia đình nhà chồng định cư ở nước ngoài. Nhưng sau tất cả những lấn cấn, quyết định cuối cùng của cô vẫn là ở lại với nghề, với Thái Nguyên, phần vì chữ duyên, phần vì nguyện vọng của cụ thân sinh gửi gắm qua những cái tên đầy ân nghĩa mà cụ đặt cho hai người con út: Thái – Nguyên.
Tản mạn vu vơ về những câu chuyện bên lề cuộc sống, cô giáo Phương Thái thường tự kể xấu, rằng ngày bé, mình nghịch, mình bướng, mình là “bưởng trưởng” của đồi Yên Ngựa. Nhưng dường như, cho đến tận bây giờ, khi đã quá tuổi năm mươi, cô vẫn chưa một lần đi ngược mong muốn của cụ thân sinh. Yêu và hiểu cha, cô chọn gắn bó với văn học trung đại, kế thừa tủ sách hồi môn năm nào và giúp cha viết tiếp những trang còn dang dở. Cả một đời nổi chìm, cười khóc với những kiếp tài nhân, ngày rời bỏ trần gian, nhà giáo Phạm Luận đã được con gái tiễn đưa theo cách xưa nay chưa từng có. Vợ con, học trò, đồng môn, tri kỉ quây quần, cùng ngâm Kiều để tiễn Người đến miền mây trắng, vượt qua mười hai rán nước gian nan bằng lời “đưa đò” là những tiếng thơ đã theo thầy cả một đời dạy học: “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”. Tình phụ tử với những yêu thương và thấu hiếu ấy lí giải tại sao, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái nặng lòng với nghiệp văn chương và sau mỗi bước ngoặt trên hành trình nghề nghiệp, cô lại hay nhắc nhớ đến cha mình như cây cao không quên cội rễ. Ngày 14 tháng 11 vừa qua, là một lần vấn vương như thế.
Trong ấn tượng của nhiều sinh viên, học viên, đồng nghiệp và đối tác, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái là một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, người luôn tràn đầy cảm hứng với văn hóa vùng cao, luôn tất bật và đầy áp lực với rất nhiều bài báo, đề tài, nghiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển sinh kế và bảo tồn văn hóa. Điều đó không sai, bởi quả thực, những năm gần đây, cô ưu tiên nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học. Nhưng tự trong sâu thẳm, nhà nghiên cứu Phạm Thị Phương Thái lại nhớ nhung và hạnh phúc khi được trở về làm cô giáo dạy Văn, để nói cho học trò về “những điều trông thấy”, về luân lí ở đời: “thiện căn ở tại lòng ta…” hay đơn giản là cùng học trò thổn thức cùng những người phụ nữ: “Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu/ Hẹn ngày về ước nẻo quyên ca/ Nay quyên đã giục oanh già/ Ý nhi lại gáy trước nhà líu lô…”. Và học trò sẽ lại được mường tượng về thầy giáo Phạm Luận của trường Đại học Sư Phạm Việt Bắc ngày xưa qua lời giảng của cô giáo Phạm Thái của trường Đại học Khoa học hôm nay, trong những bài văn học trung đại đau đáu tâm tình:
“Kết TRUYỆN KIỀU thật đúng là có hậu
Thầy vẫn xót Nàng, nhoi nhói nỗi đời dư ???
Nguyễn Trãi cả cười khi án oan ập đến
Hồn Ức Trai ngạo nghễ đỉnh sương mù…!
Nguyễn Đình Chiểu rồi Tú Xương, Nguyễn Khuyến
Một đời thơ trộn lẫn một đời đau…!
Cao Bá Quát bật câu thơ nghẹn uất,
Hồ Xuân Hương yêu khát đến bạc đầu…”
(Trích bài thơ “Thầy ơi” của nhà thơ Võ Sa Hà)
Những ngày này, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái tràn đầy cảm xúc, không phải chỉ bởi niềm vui được vinh danh, bởi việc lớn trong gia đình được lo liệu trọn vẹn vào đúng tháng có ngày kỵ của Cha, bởi mùa hoa lan tỏi nở rộ gợi nhớ kỉ niệm về thời “sáng đến giảng đường chiều về ăn cơm cùng bố mẹ”, mà còn bởi, cô lại vừa được trở về sinh hoạt chuyên môn với Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa, nơi có ngành Văn học Việt Nam, có những đồng nghiệp và học viên, sinh viên đồng tâm, tri kỉ. Trong niềm tin mãnh liệt của Phó giáo sư, văn chương có lúc thăng trầm, nhưng vẫn luôn hiện diện trên hành trình hình thành phẩm giá. Xin kính chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc với nghề, với tình yêu văn chương không bao giờ vơi cạn!
Thanh Tâm
PGS.TS Phạm Thị Phương Thái trong suốt 30 năm công tác cho ngành Giáo dục đã có bề dày thành tích: 1 Huân chương Lao động hạng 3; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 bằng khen cấp Bộ; Hướng dẫn 1 TS, hơn 30 Thạc sĩ; hướng dẫn SV NCKH đạt 1 giải Nhất, 03 Giải Nhì, 01 giải Ba Tài năng Khoa học trẻ VN, Nghiên cứu khoa học toàn quốc; Chủ trì 1 đề tài cấp Nhà nước, 03 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp tỉnh, công bố gần 40 bài báo trên Tạp chí trong và ngoài nước…). Với những nỗ lực ấy, Phó giáo sư đã vinh dự đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021. |
PGS.TS.NGƯT.Phạm Thị Phương Thái
Ngôi nhà có giàn hoa tím, nơi khởi đầu ước mơ của cô giáo Phạm Thị Phương Thái
Tình yêu nghề trong PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái bắt nguồn từ những trang kí ức đẹp đẽ.
Đằng sau hành trình rong ruổi...
và nhiệm vụ khoa học nặng nề.. (1)
Cô hạnh phúc trở về bên đồng nghiệp ngành Văn
...bên học viên Cao học VHVN
bên bạn học ngày xưa
và những tiết học Văn nhiều cảm xúc