Khoa Tài nguyên Môi trường tổ chức hoạt động thu gom pin đã qua sử dụng
Ngày 5/6/2019, tại Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, Khoa Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình thu gom pin đã qua sử dụng. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Đây là hoạt động phi lợi nhuận với ý nghĩa chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, được triển khai thường xuyên trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Theo đó, pin đã qua sử dụng sẽ được các nhóm sinh viên, tình nguyện viên thu gom tại nhiều điểm như: siêu thị, các khu vui chơi công cộng, một số trường học trong thành phố Thái Nguyên để thu gom pin thải và tập kết tại khoa Tài nguyên và Môi trường, trường Đại học Khoa học - ĐHTN.
Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, cô Nguyễn Thị Hồng Viên - Giảng viên khoa Tài nguyên và Môi trường cho biết: ''Nhiều loại thiết bị điện tử sử dụng năng lượng từ pin. Khi sử dụng xong, phần lớn các hộ gia đình loại thải pin lẫn với rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Việc thu gom pin đã qua sử dụng để xử lý tập trung sẽ làm giảm tác hại của pin đối với môi trường và sức khỏe con người”.
Hình ảnh của các bạn sinh viên trong Trường và sinh viên khoa Tài nguyên và Môi trường đang chung tay dọn rác thải điện tử.
Việc tiêu hủy pin đã qua sử dụng không đúng cách sẽ mang đến hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những bệnh về ung thư, tim mạch, hại não, thận và hệ thống sinh sản…. Đối với trẻ em, pin đã qua sử dụng có thể gây ra các bệnh còi xương, chậm lớn, trí nhớ kém phát triển. Nếu đốt thì các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm... trong pin sẽ bốc hơi lên thành khói độc gây ra ô nhiễm không khí. Nếu chôn xuống đất thì lượng thủy ngân có trong một viên pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc một mét khối đất trong 50 năm.
Khoa cũng khuyến cáo cho các gia đình nếu chưa có cách nào xử lý chúng thì hãy kiếm một chiếc lọ thủy tinh sạch, bỏ pin đã qua sử dụng vào đó để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hãy để ở nơi khô ráo, sạch sẽ, xa tầm tay trẻ em. Sau đó hãy trực tiếp chuyển cho công nhân chuyên thu gom rác thải điện tử để họ có cách xử lý đúng quy định.
Kết quả thu gom pin của khoa Tài nguyên và Môi trường trong ngày đầu phát động phong trào
Đây là một hoạt động có ý nghĩa. Hoạt động hướng tới việc giáo dục bảo vệ môi trường, vận động người dân hãy thay đổi thói quen xử lý pin phế thải bừa bãi không đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường sống. Khoa cũng phối hợp với các đơn vị khác trong toàn trường đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thông để nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi của các bạn sinh viên, người dân trong địa bàn thành phố Thái Nguyên để cùng hướng tới việc xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp.
Giàng Thị Dung (Báo chí K15)