Hội thảo chuyên đề bộ môn Địa lý
Trong môi trường đại học, có thể khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ khoa học của giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời khẳng định vị thế và uy tín của trường với xã hội, giúp giảng viên trau dồi kiến thức chuyên môn, phục vụ công tác giảng dạy.
Với mục tiêu đó, ngày 13/12/2017, Bộ môn Địa lý- Khoa KHMT&TĐ tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Địa lí hiện đại và ứng dụng trong khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế”. Buổi hội thảo nhằm tạo không khí thi đua học tập, nghiên cứu khoa học sôi nổi trong cán bộ, giảng viên của khoa. Đồng thời, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất. Đây cũng là cơ hội cho các tiến sĩ trẻ của khoa được giới thiệu về những hướng nghiên cứu mới liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Như chúng ta biết, khoa học Địa lý là một trong những khoa học cổ xưa nhất thế giới gắn liền với nhận thức, hiểu biết không gian lãnh thổ của loài người. Từ những phát kiến nhân loại, khoa học Địa lý không ngừng hoàn thiện lý luận, quan điểm và phương pháp luận.
Khoa học địa lý Việt Nam cũng có tiến trình lịch sử phát triển riêng và chung với thế giới. Trong đó, từ thế kỷ 20 khoa học Địa lý Việt Nam đã có bước hội nhập lớn với thế giới. Với lực lượng hàng chục ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Địa lý trong các cơ quan đào tạo và nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước ở khắp mọi miền đất nước. Nguồn nhân lực này là một thuận lợi lớn của khoa học địa lý Việt Nam phát triển trong chặng đường mới. Và hòa chung vào nguồn nhân lực Địa lý hùng hậu đó có sự đóng góp của các giảng viên, sinh viên bộ môn Địa lý- Khoa KHMT&TĐ- Trường Đại học Khoa học. Các hướng nghiên cứu của thầy cô và các em sinh viên rất đa dạng từ Địa lý Tự nhiên đến Địa lý KT-XH, từ Địa lý lý thuyết đến Địa lý hiện đại. Điển hình trong đội ngũ này là 2 gương mặt giảng viên và cũng là 2 tiến sĩ trẻ của bộ môn là TS Chu Thành Huy và TS Đỗ Thị Vân Hương.
Chỉ qua 3 tiếng hội thảo nhưng là cơ hội quý báu để các giảng viên và sinh viên trong khoa trao đổi, học hỏi về học thuật, về cách thức nghiên cứu khoa học, được tiếp cận những vấn đề Địa lý hiện đại qua 2 báo cáo của thầy cô:
1. TS Chu Thành Huy với báo cáo: Cơ sở khoa học phát triển du lịch công đồng tại các di sản thế giới ở Việt Nam.
2. TS Đỗ Thị Vân Hương:
a, Nghiên cứu tài nguyên sinh khí hậu phục vụ bảo vệ, bảo tồn, phát triển thảm thực vật tự nhiên và tài nguyên rừng vùng Đông Bắc Việt Nam.
b, Đánh giá tài nguyên sinh khí hậu vùng Đông Bắc Việt Nam phục vụ phát triển một số cây trồng nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế
Là một phần nội dung quan trọng trong Luận án Tiến sỹ của thầy Chu Thành Huy vừa bảo vệ tháng 5/2017 với 5/7 phiếu xuất sắc, bài báo cáo đã đưa ra hướng nghiên cứu hay, thiết thực không chỉ góp phần phát triển du lịch mà còn bảo vệ vùng Di sản của Việt Nam. Bởi những năm gần đây, du lịch cộng đồng là xu hướng phát triển tương đối mạnh với hình thức phong phú. Và Luật Du lịch năm 2017 đã chính thức được thông qua loại hình du lịch này với nhiều điểm mới, nhằm đẩy mạnh phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong những điểm mới của Luật là Nhà nước sẽ tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển du lịch. Trên cơ sở thực tiễn đó, với cách tiếp cận phân vùng chức năng lần đầu tiên được đề cập đến trong giới nghiên cứu du lịch đã tạo cơ sở cho việc đánh giá tiềm năng và xây dựng định hướng không gian phát triển Du lịch cộng đồng.
Cùng với những nghiên cứu ứng dụng của khoa học Địa lý, những nghiên cứu lý thuyết cũng tạo lập cơ sở lý luận rất quan trọng cho ngành. Trong đó, hướng sinh khí hậu (SKH) là một trong những mũi nhọn được TS Đỗ Thị Vân Hương dày công nghiên cứu trong nhiều năm gần đây. Xuất phát từ quan điểm nghiên cứu SKH trên cơ sở xem xét mối quan hệ mật thiết giữa điều kiện khí hậu và điều kiện sinh thái phát sinh của thảm thực vật tự nhiên (trên cơ sở nguồn gốc phát sinh), bản đồ SKH, SKH- thổ nhưỡng được thành lập làm cơ sở đánh giá cho phát triển các cây trồng nông, lâm nghiệp và dược liệu có giá trị. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở cho định hướng không gian phát triển nông nghiệp của vùng.
Qua ba báo cáo của hai thầy cô đã nhận được sự quan tâm, trao đổi, chia sẻ của các giảng viên và sinh viên của bộ môn, đặc biệt những góp ý quý báu của TS Hoàng Bích Ngọc- nguyên Trưởng khoa Khoa KHMT&TĐ để hoàn thiện hướng nghiên cứu và đưa những nghiên cứu đến gần với thực tiễn.
Qua thời gian không dài nhưng các thầy cô và sinh viên cô đã có buổi trao đổi học thuật ý nghĩa, thiết thực. Từ những hướng nghiên cứu này , hy vọng bộ môn Địa lý sẽ có nhiều các công trình nghiên cứu thiết thực hơn nữa từ nhiều hướng khác nhau của khoa học Địa lý hiện đại, góp phần nâng cao vị thế của ngành và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Một số hình ảnh hoạt động của buổi chuyên đề:
Phạm Thị Hồng Nhung- GV Khoa KHMT&TĐ