Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn thăm và chúc tết tại Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất nấm sạch Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên

Ngày: 01/03/2018

     Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, trong những năm gần đây, cán bộ giảng viên Trường Đại học Khoa học rất chú trọng tới mảng khoa học ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế, thiết thực phục vụ đời sống xã hội. Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất nấm sạch của Trường Đại học Khoa học là một trong những nơi thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao khoa học công nghệ của các nhà nghiên cứu trẻ của nhà trường.

      Khởi động từ tháng 6 năm 2017, trung tâm chính thức đi vào hoạt động và cung cấp sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu ra ngoài thị trường vào cuối năm 2017. Trung tâm được xây dựng trên mặt bằng diện tích đất hơn 2000m2 với công suất trên 50 nghìn bịch nấm treo. Trung tâm có đủ hệ thống phòng ươm, giàn ươm, hệ thống khử trùng đảm bảo đầy đủ những yêu cầu về cơ sở vật chất cho việc nghiên cứu sản xuất thương mại các loại nấm ăn và nấm dược liệu. Hai loại nấm chính đang được sản xuất tại trung tâm làm nấm sò và Linh chi. Với quy mô sản xuất hiện tại, mỗi ngày trung tâm cung cấp khoảng 50 - 70 kg nấm sạch ra thị trường nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong thời gian tới, trung tâm dự kiến sẽ tập trung nghiên cứu, sản xuất thêm một số loại nấm mới nhập từ nước ngoài nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt và có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ tập trung đầu tư mở rộng nhà xưởng để nâng sản lượng lên gấp 2 - 3 lần hiện nay và hướng tới xây dựng một thương hiệu nấm sạch mang tên Trường Đại học Khoa học.
Đầu xuân 2018, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn và đoàn cán bộ lãnh đạo nhà trường đã tham quan và chúc tết tại trung tâm. GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn đã đánh giá rất cao những nỗ lực và những kết quả đã đạt được của trung tâm trong thời gian qua. Việc đầu tư, xây dựng trung tâm nghiên cứu và sản xuất nấm sạch không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nhà trường mà cũng là địa chỉ thực tập rèn nghề hiệu quả cho sinh viên ngành Công nghệ Sinh học. Bên cạnh việc giúp sinh viên có cơ hội thực tập, trung tâm còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp cho sinh viên có thêm thu nhập và những kinh nghiệm khởi nghiệp ban đầu có giá trị. Sau khi tham quan trung tâm, Ban giám hiệu nhà trường đã tư vấn trung tâm nên có thêm các hoạt động sản xuất phụ nhằm tạo ra một mô hình khép kín trong sản xuất. Nhà trường muốn nhân rộng mô hình của trung tâm để đẩy mạnh ứng dụng những nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, phụ trách chung các hoạt động của trung tâm cho biết: Trung tâm được xây dựng dựa trên sự hợp tác của các thành viên là những cán bộ giảng viên, kỹ thuật viên có đam mê nghiên cứu khoa học, đam mê với nghề, dám làm và dám đương đầu với khó khăn để xây dựng nhóm tiên phong. Các thành viên trong trung tâm được phân công những nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường nhằm đảm bảo cho sự hoạt động hiệu quả nhất của trung tâm. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học để có những công bố quốc tế có giá trị, các thầy cô trong Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) nói chung và của trung tâm nói riêng còn có những trăn trở về định hướng nghề, về rèn luyện kĩ năng một cách có hiệu quả cho sinh viên trước khi ra trường. Chính vì vậy, việc từng bước xây dựng trung tâm với nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến các loại nấm ăn, nấm dược liệu đồng thời với chuyển giao công nghệ được đặc biệt chú trọng hiện nay của Khoa CNSH.  

 

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn và PGS.TS Phạm Thị Phương Thái thăm và trao đổi về kế hoạch phát triển của trung tâm

 

 Sinh viên chuẩn bị vật liệu đóng bầu theo chương trình thực tập sản xuất tại Trung tâm

Phòng KH-CN&HTQT