Cây Xương rồng sẽ trổ hoa
“Cây xương rồng” ấy xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, lớn lên từ bữa đói, bữa no, từ củ khoai, củ sắn, trải qua những tháng năm khó nhọc mưu sinh và những tháng ngày miệt mài đèn sách trong sự giúp đỡ, bao bọc của thầy cô, bạn bè dưới mái trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Gắn bó với trường Đại học Khoa học từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, trải qua không ít khó khăn, vất vả nhưng “cây xương rồng” vẫn mạnh mẽ, kiên cường và nở ra những bông hoa mang vẻ đẹp giản dị mà tinh khiết.
Đó là người lãnh đạo, người chị, người đồng nghiệp của chúng tôi - GS. TS Lê Thị Thanh Nhàn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Chị đã trở thành biểu tượng ở nơi này, là tấm gương sáng trong học tập và lao động, một nhà nữ khoa học đầy nhiệt huyết, người giảng viên tận tụy, nhà quản lý, lãnh đạo có tâm, có tầm; Là người đồng nghiệp giản dị, thân tình, tin cậy được bao thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên yêu mến và noi theo.
GS. Lê Thị Thanh Nhàn - một người phụ nữ mạnh mẽ mà giản dị
Là một nhà khoa học đầy nghị lực với đam mê Toán học, GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn đã gặt hái được nhiều thành công: năm 35 tuổi, chị được phong hàm PGS.TS toán học (năm 2005). Khi đó, chị có hơn 20 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí thế giới Vietnam Journal of Math và Communication in Algebra - một tạp chí chuyên ngành Đại số của Hội Toán học Mỹ. Năm 2011, chị là một trong những phụ nữ thuộc ngành toán học Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Đặc biệt, chị là nữ giáo sư toán học thứ 2 của Việt Nam. Quý trọng tài năng của chị, nhiều viện Toán học, Vật lý của Pháp, Ý, Thụy Sĩ… đã mời chị sang nghiên cứu, làm việc. Tuy nhiên, chị vẫn gắn bó máu thịt với mảnh đất này, bởi chính nơi đây đã nuôi dưỡng, đào tạo và khích lệ chị theo đuổi, thực hiện đam mê nghiên cứu khoa học của mình.
Một tiết giảng dạy về Toán học của GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người phụ nữ khi theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, chị Nhàn luôn động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, đặc biệt nữ giới, con em vùng dân tộc, miền núi khó khăn, trong việc theo đuổi đam mê của mình. Chị cho rằng, cần trân trọng hơn nữa và đánh giá xứng đáng giá trị các sản phẩm khoa học, nhất là các công trình khoa học cơ bản. Riêng đối với phụ nữ khu vực miền núi nên có chính sách ưu tiên, hỗ trợ hợp lý để họ có thêm những cơ hội được tham gia và cống hiến cho khoa học.
Chị từng bộc bạch "Nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có gia đình là một thử thách gian lao. Bởi, ngoài công việc xã hội, chúng tôi còn phải đảm đương thiên chức của người phụ nữ. Công việc gia đình, cơ quan, xã hội… thực tế, đã chiếm hầu hết thời gian của chị em. Đúng là, nếu thực sự không có lòng say mê khoa học, không có sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ của người thân, đặc biệt là chồng con thì khó lòng có thể yên tâm nghiên cứu khoa học. Cho nên, để có được sự đóng góp thật sự, dù là nhỏ cho khoa học thì phụ nữ chúng tôi phải đổi bằng năm, bằng tháng, bằng sự hi sinh của chính mình và của người thân".
Trên cương vị là người quản lý, GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn cũng rất nghiêm khắc, thẳng thắn nhưng giản dị và thân tình, là cảm nhận của bất kỳ ai khi tiếp xúc, làm việc với chị. Chúng tôi tiếp xúc và làm việc với chị hàng ngày nhưng chưa bao giờ có cảm giác đang đứng trước thủ trưởng, cho dù rất kính phục tài năng và nhân cách của chị. Chị luôn tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện từ ánh mắt hiền hòa, nụ cười ấm áp, lối nói giản dị, chân thành đến suy nghĩ và tâm hồn rất đỗi hồn hậu, trong sáng. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn, lúc nào cũng hối hả, gấp gáp, người ta mới hiểu, người phụ nữ ấy quý trọng quỹ thời gian đến từng phút, tùng giây.
Trong cuộc sống đời thường, chị là một người phụ nữ hiền hậu, đảm đang, sống ấm êm, hạnh phúc bên TS.Cao Duy Trinh- một người chồng người hết mực yêu thương và chia sẻ, ủng hộ con đường khoa học đầy gian khó của chị.
GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn trong buổi chia tay tại Khoa Luật và Quản lý xã hội
Với những cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà, GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn đã được Bộ Giáo dục Đào tạo tin tưởng, điều động về Bộ đảm nhiệm nhiệm vụ mới với nhiều trọng trách lớn lao hơn.
Đây cũng là niềm tự hào của tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Dù có chút nuối tiếc, chông chênh khi không hàng ngày nhận được sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp từ chị nhưng chúng tôi hiểu rằng, người đặc biệt như chị sẽ phải gánh trên vai mình trọng trách lớn hơn, và sự “mất mát” nhỏ bé của chúng tôi là vì sự phát triển chung của nền giáo dục nước nhà.
Buổi chia tay với cán bộ, giảng viên và sinh viên đầy xúc động
Rất nhiều buổi gặp mặt chia tay của các phòng, khoa với chị trong ngày cuối năm bận rộn. Dưới cái rét “cắt da cắt thịt” của mùa đông khiến thời khắc chia tay càng thêm xúc động và bịn rịn. Ai cũng mong ghi lại thêm những kỷ niệm, khoảnh khắc, ánh mắt, nụ cười, những lời chia sẻ nhắn nhủ gửi trao với chị...
Món quà nhỏ nhưng đong đầy tình cảm của các em sinh viên gửi tới cô
Chia tay nhưng không phải chia ly, chúng tôi tin rằng sẽ gặp lại chị trên cương vị mới, cùng những nhiệm vụ mới. Món quà ân tình một lọ hoa đặc biệt mà mỗi bông hoa là hình trái tim, trên đó ghi lại một cách giản dị những tình cảm chân thành, sâu sắc và lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của học trò Khoa Luật và Quản lý xã hội cũng như sinh viên toàn trường gửi tới GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn.
Chúc “Cây xương rồng” luôn mạnh mẽ và sẽ trổ hoa tô sắc cho đời. Chúng tôi sẽ luôn nhớ và dõi theo những bước đi của chị như là lời động viên, cổ vũ từ xa tới Chị.
Vũ Thị Vân
Khoa Luật và Quản lý Xã hội