Phối hợp thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tại Trường Đại học Tây Bắc, vùng nguyên liệu và các doanh nghiệp của tỉnh Sơn La
Nối tiếp thành công trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ với các trường đại học, đơn vị, doanh nghiệp,... thuộc vùng Tây Bắc của của các nhà khoa học thuộc Khoa TN&MT, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên (ĐHKH); Thực hiện nhiệm vụ Bảo vệ Môi trường năm 2021 của Bộ Giáo dục & Đào tạo "Biên soạn tài liệu quản lý chất thải rắn nông nghiệp dùng cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối Nông - Lâm - Ngư nghiệp" – Mã số: B2021-TNA-03MT, ngày 17/11 – 19/11/2021, đoàn công tác do ThS. Nguyễn Thu Huyền - Giảng viên Khoa Tài nguyên & Môi trường, chủ nhiệm đề tài đã cùng với các thành viên tiến hành công tác tại Trường Đại học Tây Bắc, vùng nguyên liệu, doanh nghiệp trồng, chế biến nông sản của tỉnh Sơn La.
Được sự phối hợp, ủng hộ của Trường Đại học Tây Bắc, đoàn công tác đã làm việc, khảo sát 50 cán bộ, giảng viên và 150 sinh viên khối ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp về quản lý chất thải rắn nông nghiệp tại Trường. Cán bộ quản lý, giảng viên của Trường Đại học Tây Bắc, Khoa Nông lâm và sinh viên đã rất nhiệt tình, tạo điều kiện để kết quả công tác đạt hiệu quả cao nhất. Tại Trường Đại học Tây Bắc, đoàn công tác làm việc với Trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Thực nghiệm các mô hình trồng cây trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng; mô hình chăn nuôi theo giai đoạn và mô hình ủ phân hữu cơ.
Để nắm rõ hơn vấn đề quản lý chất thải nông nghiệp, đoàn công tác đến làm việc tại khu vực trồng, sơ chế cafe theo quy mô hộ gia đình ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La và Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La. Hiện nay cây cafe đã trở thành cây công nghiệp chủ lực tại xã Chiềng Ban và nhiều xã khác tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, mang lại kinh tế ổn định cho bà con nông dân nơi đây. Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La (Thôn Bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là đơn vị chuyên trồng, thu mua, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ cafe. Công ty đặc biệt chú trọng xây dựng dây truyền sản xuất các sản phẩm từ cafe. Đồng thời, Công ty cũng rất đến vấn đề an toàn thực phẩm và quản lý chất thải. Công ty đã sử dụng quỹ đất để xử lý chất thải rắn sản xuất, chế biến cafe bằng phương pháp ủ phân hữu cơ. Phân sau khi được ủ sẽ được sử dụng để bón cây cafe trồng trong khu vực công ty và bán cho các hộ nông dân vùng nguyên liệu. Việc khảo sát, đánh giá về việc quản lý chất thải nông nghiệp tại các đơn vị trên đã rất thuận lợi khi được đối tác phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình. Với các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”đã tạo điều kiện mang lại rất nhiều kết quả tốt đẹp cho đoàn công tác về tình hình sản xuất nông nghiệp và quản lý chất thải rắn nông nghiệp tại Sơn La và các tỉnh Tây Bắc.
Có thể nói, việc đem lý thuyết từ giảng đường đại học đến khu thực nghiệm và đồng ruộng, qua tham vấn ý kiến của nông dân, các doanh nghiệp, đối tác ở địa phương và lấy kết quả thực nghiệm, khảo sát thực tế quay trở lại trường đại học để đúc rút ra những kết quả NCKH mang tính thực tiễn, ứng dụng cao là một hướng đi đúng đắn, gắn kết được nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Một số hình ảnh:
(Nguyễn Thu Huyền – Khoa Tài nguyên & Môi trường)