GIỚI THIỆU DỰ ÁN QUỐC TẾ ECOVIP VÀ PHÁT ĐỘNG CUỘC THI Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP NĂM 2023
Hoà chung không khí học tập sôi nổi của năm học 2023-2024, khích lệ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn sinh viên của trường Đại học Khoa học, ngày 12/9/2023, nhóm dự án ECOVIP đã triển khai chương trình “Giới thiệu hoạt động khởi nghiệp” nhằm mục đích: (1) Giới thiệu và phát động cuộc thi khởi nghiệp dành cho SV trường Đại học Khoa học, (2) Giới thiệu dự án ECOVIP và lan toả ý nghĩa của Dự án đến toàn thể SV Nhà trường.
Chương trình có sự tham dự của các đại biểu: PGS.TS. Phạm Thế Chính – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐT, Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoà – Trưởng Phòng Đào tạo, TS. Ngô Văn Định – Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, PGS.TS. Kiều Quốc Lập – Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường, TS. Chu Thành Huy – Trưởng Khoa Du lịch, các giảng viên và đông đảo sinh viên đến từ các khoa chuyên môn (30 sinh viên khoa Du lịch, 10 sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường, 10 SV ngành Luật, 05 sinh viên chuyên ngành báo chí, 05 sinh viên Khoa học quản lý, 05 sinh viên Trung quốc học, 05 sinh viên Hàn Quốc học, 05 sinh viên ngành Công tác xã hội. Trong 75 sinh viên tham dự có 21 sinh viên năm thứ 4 (chiếm tỷ lệ 28,0%), 19 sinh viên năm ba (25,3%), 22 sinh viên năm thứ 2 (29,3%) và 13 sinh viên năm thứ nhất (17,4%)).
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Phạm Thế Chính chỉ rõ hoạt động khởi nghiệp được tổ chức và dự án ECOVIP được triển khai với mong muốn tiếp thêm năng lượng, nhiệt huyết, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trường Đại học Khoa học.
Buổi báo cáo tập trung trình bày 03 nội dung:
Nội dung 1: Báo cáo của TS. Trương Phúc Hưng về hoạt động khởi nghiệp. Nội dung báo cáo giới thiệu Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và chuyển giao công nghệ (TRACOTECH) và nhiệm vụ khởi nghiệp; Quy chế Nhà trường hỗ trợ HSSV đối với hoạt động khởi nghiệp; Cách tiếp cận Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; Giới thiệu về cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp TNUS năm học 2023 - 2024”.
Nội dung 2: Giới thiệu và triển khai dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch sinh thái để hỗ trợ phát triển bền vững tại Việt Nam và Philippines” (ECOVIP) tới toàn thể sinh viên do TS. Nguyễn Thị Phương Mai trình bày. Dự án ECOViP được Cơ quan Điều hành Giáo dục và Văn hóa (EACEA) thuộc Ủy ban châu Âu viện trợ với thời gian thực hiện 36 tháng (5/2023-5/2026), với 11 đơn vị thuộc 4 quốc gia châu Á và Châu Âu tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, mục tiêu Dự án, nội dung công việc và lợi ích của chương trình được thể hiện rõ tới toàn thể người tham dự. Trong đó tại trường Đại học Khoa học có 07 cán bộ GV tham gia thực hiện dự án.
Nội dung 3: “ECOVIP và sinh viên” do TS Đỗ Thị Vân Hương trình bày: Từ việc thực thi dự án ECOViP, trường Đại học Khoa học và sinh viên được hưởng nhiều lợi ích. Trước tiên, Trường sẽ hình thành 01 Trung tâm du lịch sinh thái (Ecotourism Hub) với đầy đủ tư liệu, trang thiết bị nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp du lịch sinh thái và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hỗ trợ phát triển các dự án kinh doanh đổi mới và đa ngành. Thứ hai, các khoá tập huấn về khởi nghiệp và Dự án khởi nghiệp của sinh viên nhằm thúc đẩy, hỗ trợ nhận thức khời nghiệp của sinh viên. Trong đó, các mentor và Doanh nghiệp được lựa chọn sẽ hỗ trợ SV hoàn thành tốt ý tưởng, thiết kế, xây dựng kế hoạch kinh doanh cơ bản và cách thức marketing, quảng bá kế hoạch. Thứ ba, sinh viên được tham gia chương trình ECOViP Boot Camp - chương trình tập huấn mùa hè chuyên sâu kéo dài 1 tuần tại Philippines. Ngoài ra, thông qua dự án, sinh viên tự tin, được học hỏi, truyền cảm hứng từ kinh nghiệm của các doanh nhân trong lĩnh vực DLST; nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và DLST; nâng cao nhận thức về các cơ hội và tiềm năng phát triển DLST; tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục và thị trường lao động...
Để hiểu sâu và tăng tính tương tác của chương trình, ThS. Mai Thị Lan Anh tổ chức phần thảo luận và đố vui, được sinh viên tham gia nhiệt tình, sôi nổi. Nội dung câu hỏi và câu hỏi đố vui được đưa ra liên quan đến cuộc thi khởi nghiệp và dự án ECOVIP đã dần lan toả thông điệp của chương trình tới tất cả sinh viên.
Một số sinh viên tham dự đã chia sẻ cảm nghĩ về chương trình: SV Nguyễn Thị Hiên năm thứ 4 và Đoàn Minh Trung năm 2 phát biểu “Sinh viên Nhà trường đến từ khu vực trung du, miền núi phía Bắc của Việt Nam, nơi kinh tế còn nghèo khó, tuy nhiên lại giàu tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch. Dự án ECOVIP là cơ hội cho sv được tập huấn, nâng cao hiểu biết, được các mentor đồng hành sẽ là những hỗ trợ quan trọng, tạo nền tảng cho SV dám nghĩ, dám làm và dám khởi nghiệp”.
Bạn Phu Gì Suy, sinh viên Dân tộc H’Mông đến từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Em thấy rõ giá trị và ý nghĩa lớn lao của dự án mang lại cho sinh viên, chúng em coi trọng cơ hội này”.
Sau hơn 3 giờ trao đổi sôi nổi, cán bộ, sinh viên tham gia hiểu rõ về tầm quan trọng, cơ hội của dự án mang lại. Và đây cũng là những người sẽ lan toả tinh thần hoạt động khởi nghiệp tới toàn thể sinh viên Nhà trường. Hy vọng đây sẽ là những bước khởi đầu cho những hoạt động phát triển dự án sau này.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của chương trình:
Hình 1. Đại biểu và sinh viên tham dự chương trình
Hình 2. TS. Nguyễn Phương Mai giới thiệu dự án ECOVIP tại chương trình
Hình 3. Sinh viên Đoàn Minh Trung chia sẻ ý kiến tại chương trình
Hình 4. Thầy và trò quyết tâm thực hiện dự án
Hình 5. Phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp TNUS năm học 2023 – 2024”
(Nhóm Dự án ECOVIP)