Tri ân của cựu sinh viên Trần Thị Như – Lớp Khoa học Thư viện K11 nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập trường Đại học Khoa học và 10 năm thành lập khoa Khoa học Cơ bản

Ngày: 10/10/2017

Lời nói đầu

Trần Thị Như – một nhà báo chuyên nghiệp của Khoa KHCB, chuyên về các phóng sự  phong trào của Khoa hoặc các cảm tác ngẫu hứng. Cô học trò xinh đẹp, giỏi giang đã để lại trong lòng các thầy cô, bè bạn cùng trang lứa  nhiều ấn tượng tốt đẹp về tinh thần ham học, ý chí vươn lên trong học tập và các hoạt động xã hội và nhất là tình cảm trong sáng chân thành dành cho mái trường, thầy cô và bè bạn. Khoa KHCB chúc Như vào đời gặp nhiều may mắn - bởi cơ hội luôn dành cho những người biết tạo ra thời cơ cho mọi người và cho chính mình.

Khoa KHCB

NHỮNG LỜI CHƯA KỊP NÓI

          Những dòng chữ đầu tiên khi đặt tay lên bàn phím máy tính, tôi thấy khóe mắt mình cay cay và trực trào những dòng nước mắt. Ngay lúc này tôi thấy nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè và thầy cô…những kỷ niệm cũ ngày cắp sách tới trường trong tôi lại ùa về. Hình ảnh về thầy Trưởng khoa đáng kính, cô giáo chủ nhiệm luôn hết lòng vì sinh viên, những thầy cô bộ môn nhiệt huyết và cả đám bạn nhí nhố trong “ngôi nhà” vỏn vẹn hai mươi bốn thành viên…Mới đó mà đã được hơn 03 tháng sau ngày tôi tốt nghiệp, mọi thứ vẫn nguyên vẹn, chỉ có con đường đến lớp giờ đây “thật xa xăm”…

Tập thể lớp Khoa học Thư viện K11

          Tốt nghiệp Đại học, may mắn hơn nhiều thành viên trong lớp, tôi sớm tìm được một công việc ổn định cho mình. Đến bây giờ, tôi đã trở thành nhân viên chính thức của một công ty Bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí là nhân viên Admin. Tuy công việc không thuộc đúng chuyên ngành mà tôi được đào tạo tại trường nhưng nó lại phù hợp với khả năng cũng như niềm đam mê của tôi, đó là viết báo – một công việc tôi đã tham gia hoạt động trong bốn năm học tập tại Trường Đại học Khoa học. Tôi tin rằng đây là một may mắn đối với bản thân và là một niềm tự hào đối với cha mẹ cũng như thầy cô giáo của mình.

          Nhớ ngày nào mới bước chân lên Thái Nguyên nhập học, biết bao bỡ ngỡ, khó khăn trong tôi khi lần đầu tiên đến với mảnh đất này vì tôi là sinh viên nguyện vọng hai. Trúng tuyển ngành Báo chí nhưng sau đó tôi chuyển sang Khoa học Thư viện bởi lời khuyên từ gia đình. Thế nhưng đến bây giờ tôi vẫn khẳng định chưa một lần mình hối hận về quyết định đó. Có lẽ, Thư viện là một cái duyên lớn đối với tôi. Thấm thoắt mà bốn năm Đại học sao trôi qua nhanh quá, tôi vẫn chưa quen với việc mình đã không còn được gọi bằng hai chữ “sinh viên”. Những dấu ấn về thời  “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” vẫn còn in đậm trong ký ức. Nhiều lần thấy facebook thông báo những kỉ niệm từ một hai năm trước cùng đám bạn, tôi bất giác “phì cười”. Tại sao ngày xưa mình lại nhí nhố đến vậy nhỉ?

          Tôi nhớ những ngày đến lớp, với sĩ số khá ít so với các lớp khác trong trường, một phòng học có thể đủ để những thành viên lớp tôi mỗi người một bàn nhưng tiết nào cũng vậy, giáo viên nào vào lớp cũng ngạc nhiên khi thấy sinh viên dồn hết xuống cuối lớp, mỗi bàn bốn, năm người, chỉ đến khi được nhắc nhở mới bắt đầu tách ra những bàn khác. Ai nói học Thư viện là nhàm chán? Ai nói lớp ít người thì không vui? Với đội ngũ “siêu quậy”, tôi dám khẳng định rằng “khó có chi đoàn nào đoàn kết, năng nổ và hài hước như Khoa học Thư viện K11 đâu nhé!”.

Thư viện K11 – “Gia đình đặc biệt” của tôi

          Học chung một lớp, mỗi người đến từ một nơi khác nhau, gắn bó với nhau được bốn năm thì giờ lại mỗi người đi một hướng. Biết bao kỷ niệm vui buồn, những lần giận dỗi, quát mắng rồi lại lăn ra mà cười ngay được với nhau giờ muốn có lại sao mà khó đến thế. Bước ra ngoài xã hội rồi mới thấu được nỗi lòng mẹ cha nơi quê nhà và sự ân cần, quam tâm chỉ bảo của thầy cô mỗi giờ lên lớp. “Không thầy đố mày làm nên” – câu nói đó muôn đời vẫn đúng. Tự nhiên tôi nhớ đến những người thầy/người cô của mình. Từng gương mặt, từng lời giảng vẫn vang vọng bên tai. Tôi lại khóc! Không phải “sến sẩm”, không phải “nịnh bợ”, chỉ có trong hoàn cảnh của tôi hay những thành viên của Khoa học Thư viện K11 thì bạn mới hiểu được điều đó. Hình ảnh cô giáo chủ nhiệm chạy đôn chạy đáo lo hết giấy tờ này, thủ tục khác cho sinh viên, làm mọi việc có thể để sinh viên của mình được hưởng quyền lợi tốt nhất. Thế nhưng những lần cô ốm đau nằm viện thì chúng tôi lại chẳng biết hết được. Ở nhà, có ai bằng cha mẹ; ở trường, có ai bằng thầy cô. Chỉ có những đứa học trò chúng tôi, nhiều khi còn vụng dại, suy nghĩ non nớt khiến thầy cô nhọc nhằn. Trưởng thành rồi mới thấm dần từng ít. Tôi nhớ cả những ngày cuối ở trường, tất bật cho công tác Kết nạp Đảng. Các thầy cô trong khoa dù bận nhiều việc nhưng vẫn thu xếp lại hết để lo cho chúng tôi. Hình ảnh cô Hiên – Bí thư Liên chi đoàn Khoa Khoa học Cơ bản - giảng viên bộ môn Thư viện chạy vội lên trường hoàn thiện hồ sơ rồi lại vội vã quay về bệnh viện trông mẹ ốm vẫn khiến tôi rớt nước mắt khi nghĩ lại. Một cô giáo trông gầy yếu vậy mà vừa phải lo cho gia đình với hai cậu con trai nhỏ khi chồng cô là bộ đội thường xuyên vắng nhà, lo giáo án những giờ lên lớp rồi vội vã với những tiết dạy liên thông ở các tỉnh. Với tôi, có lẽ còn phải cộng thêm cho cô những đêm thức khuya, miệt mài và tỷ mỉ chỉnh sửa những bài báo tôi viết. Nhờ có cô mà khả năng viết bài của tôi đã tiến bộ lên trông thấy, tôi mạnh dạn hơn trên những trang giấy và lấy được sự tự tin trong công việc.

Mỗi người giáo viên đều để lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Những ngày đầu vào học, cô Quyên là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi. Cô trẻ lắm và lại rất hiền nữa. Những năm đầu Đại học, cô là người tôi hay tâm sự nhiều nhất. Khó khăn về gia đình hay học tập, cô đều động viên, an ủi và giúp đỡ tôi. Còn nhớ kỳ học đầu tiên năm thứ nhất, tôi ở ký túc xá và bị đám bạn cùng phòng bắt nạt, cô đã “giải nguy” cho tôi bằng cách gọi cho cán bộ quản lý ký túc. Khi tôi gặp sự cố về tư trang cá nhân, cô cũng là người chạy đi chạy lại lo lắng, giúp đỡ. Chính cô là người đưa tôi bước chân vào việc viết báo, giúp tôi năng nổ hơn trong mọi hoạt động. Cô đã và đang phải trải qua rất nhiều những khó khăn, nỗi cực nhọc không chỉ công việc mà còn chuyện gia đình. Tôi cảm nhận được rằng nhiều lúc cô rất mệt mỏi và yếu lòng nhưng giờ đây ít nhất tôi cũng cảm thấy rất vui vì thấy cô giáo mình hạnh phúc với cậu con trai bé nhỏ bên gia đình tuyệt vời.

 Những người giảng viên Thư viện tuyệt vời nhất

          Cũng ngay lúc này trên trang giấy trắng tôi muốn nhờ những dòng chữ gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến thầy Cao Duy Trinh – người thầy đáng kính nhất trong lòng tôi. “Thầy ạ! Ngày nhận bằng tốt nghiệp em không thể có mặt để gửi lời cảm ơn đến thầy. Em cảm ơn thầy vì những tình cảm mà thầy đã dành cho em cũng như các bạn trong lớp trong suốt thời gian vừa qua. Cảm ơn thầy vì đã luôn đứng đằng sau tạo điều kiện và hỗ trợ cho chúng em học tập. Em sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của thầy. Đối với em, Khoa Cơ bản sẽ mãi luôn là ngôi nhà đặc biệt nhất, các thầy cô cũng chính là những người cha, người mẹ thứ hai dìu dắt em trên con đường giáo dục để em có được ngày hôm nay. Hứa với thầy em sẽ cố gắng thật nhiều và nhất định thành công để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ. Nhất định trong ngày gần nhất em sẽ quay trở lại “ngôi nhà đặc biệt” của mình. Em cảm ơn thầy nhiều lắm!”

TS. Cao Duy Trinh – người thầy đáng kính trong lòng tôi

          Mỗi thầy cô giáo trong trường, trong khoa đều để lại trong tôi những dấu ấn riêng. “Qua trang giấy của mình, em xin được gửi lời cảm ơn đến các thầy cô đã cho em những nguồn kiến thức quý báu, những tình cảm thầy trò thiêng liêng không thể nói hết thành lời. Cảm ơn thầy cô đã nâng bước chúng em, tạo gốc rễ cho chúng em vững vàng bước ra ngoài xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập trường Đại học Khoa học và 10 năm thành lập khoa Khoa học Cơ bản, em xin gửi lời chúc tốt đẹp và chân thành nhất đến các thầy cô giáo cũng như các bạn sinh viên. Chúc các thầy cô sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, thành công; chúc các bạn sinh viên luôn học tập tốt, năng nổ trong mọi hoạt động; chúc trường Đại học Khoa học ngày càng vững mạnh, trở thành điểm đến tin cậy cho các bạn học sinh và đặc biệt em xin được chúc khoa Khoa học cơ bản sẽ trở thành một trong những khoa “mạnh” của trường, ngày càng phát triển hơn nữa và mãi là nơi nâng bước cho sinh viên trưởng thành!”

 Mái trường mang tên “Đại học Khoa học” – nơi nuôi dưỡng tôi nên người

Bài, ảnh: Trần Như – Khoa học Thư viện K11