TNUS trong trái tim tôi!
Theo dòng tâm trạng của các bạn học sinh 2K1 “bên thềm” giảng đường đại học, tôi sống lại cảm xúc của mình tròn mười năm về trước khi được là Tân sinh viên lần đầu đặt chân đến Trường Đại học Khoa học.
TNUS – nơi tôi đã chọn!
Tôi là Nguyễn Thị Lệ, cựu sinh viên K7 ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Hiện nay tôi đang là kỹ sư tại Phòng Nghiên cứu và Phát triển, Công ty TNHH Năng lượng mặt trời Boviet, Bắc Giang. Những ngày này của mười năm về trước, tôi cũng chênh vênh giữa rất nhiều những lựa chọn – Học ở đâu? Học trường nào? Học ngành gì? Giờ nhìn lại, tôi tự hỏi tại sao ngày ấy mình lại phải mất quá nhiều thời gian để đắn đo và cân nhắc cho những lựa chọn này. Nhưng đó là suy nghĩ của tôi lúc này, còn mười năm về trước, việc học trường gì và ngành gì đã trở thành chủ đề chính trong những cuộc trò chuyện của gia đình tôi.
Phân vân giữa rất nhiều lựa chọn, cuối cùng, tôi quyết định giành “tấm vé” ấy cho Trường Đại học Khoa học. Quyết định của tôi được bố mẹ rất đồng tình và phải thú thực là, Trường Đại học Khoa học chính là “gợi ý” của bố mẹ tôi ngay từ đầu. Bởi thế, tôi tin là lựa chọn của tôi hoàn toàn đúng đắn.
Nhớ từng giờ học trên giảng đường
TNUS – nơi tôi gắn bó
Ngày 5/9/2009 tôi nhập học Trường Đại học Khoa học và trở thành tân sinh viên ngành Công nghệ sinh học. Ngày nhập Trường, tôi thực sự thất vọng bởi trong hình dung của tôi, Trường Đại học phải là những giảng đường khang trang và những thư viện bạt ngàn sách. Nhưng điều đó hoàn toàn khác xa với một ngôi trường mới thành lập và tọa lạc ở khu vực trung du miền núi phía Bắc này. Tất cả khắc sâu trong tôi ấn tượng về một ngôi trường ngày mới thành lập với biết bao thiếu thốn về cơ sở vật chất. Trong khoảnh khắc ấy, thực sự, tôi vô cùng chán nản, muốn từ bỏ để bắt đầu lại. Đã hơn một lần tôi có ý định thi lại đại học để về Hà Nội cho bằng bạn bằng bè.
Đúng lúc ấy, tôi gặp cô giáo chủ nhiệm của mình. Ở cô có sự gần gũi, ấm áp, cảm thông đến kì lạ. Cô nói với tôi những điều gợi cho tôi biết bao suy nghĩ: “Em chưa học sao biết được thầy cô Trường mình không giỏi? Em chưa ra trường sao lại nghĩ cơ hội của em không bằng các bạn học dưới Hà Nội? Ở đâu cũng vậy – em sẽ chẳng có gì nếu em không học hỏi và chịu khó trau dồi kiến thức. Em có chắc là em sẽ học giỏi nhất Khoa, nhất Trường, và giỏi nhất Đại học Thái Nguyên không?”. Thực sự, đó là những lời nói rất thấm thía đối với tôi. Tôi không còn trăn trở về sự lựa chọn đã qua. Trước mắt tôi chỉ là con đường tri thức rộng mở thênh thang phía trước.
Từ một sinh viên có ý định bỏ học, tôi đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đại học xuất sắc, được giữ lại làm cán bộ của Khoa Vật lý và công nghệ và được cử đi học thạc sỹ.
TNUS – nơi ươm mầm cho tài năng khoa học
Mặc dù là một trường thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc nhưng Trường Đại học Khoa học là nơi làm việc của nhiều chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc. Trong khối Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học thuộc Top những trường thành viên có công bố quốc tế nhiều nhất. Đặc biệt, đây là nơi gắn bó trong suốt nhiều năm của GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn - nữ PGS Toán học trẻ tuổi nhất Việt Nam đồng thời là nữ Giáo sư Toán học thứ hai của Việt Nam, sau GS Hoàng Xuân Sính.
Gắn liền với sự nghiệp nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trẻ, Trường Đại học Khoa học thực sự là một môi trường lý tưởng cho những ai đam mê nghiên cứu khoa học. Những nhà khoa học trẻ nhiều đam mê, tâm huyết với khoa học và cũng thật sự tận tâm với học trò sẽ là người luôn sẵn sàng dìu dắt sinh viên từ những bước chập chững đầu tiên đến với khoa học.
Chia sẻ với các bạn sinh viên như vậy bởi chính bản thân tôi, từ ngôi Trường này, tôi đã bắt đầu biết đến khoa học. Được định hướng ngay từ năm đầu tiên, cuối năm thứ hai tôi đã xác định được hướng nghiên cứu của mình. Dưới sự hướng dẫn tận tình của cố PGS. TS Nguyễn Vũ Thanh Thanh và TS. Hoàng Thị Thu Yến, TS. Nguyễn Thị Hải Yến, tôi lần đầu tiên biết tách gen, điện di, chạy máy PRC, nuôi cấy tế bào chọn dòng … là như thế nào? Bởi những miệt mài đam mê và sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của các thầy cô, đề tài nghiên cứu khoa học của tôi đã đạt giải Nhất sáng tạo trẻ trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp – sinh học phục vụ nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên lần thứ X. Thành tích ấy của tôi chỉ là một trong số ít những thành tích nghiên cứu khoa học của Trường bởi ngoài tôi, Trường còn có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải cao trong các cuộc thi Tài năng khoa học trẻ toàn quốc.
Những giải thưởng và bằng khen cao quý mà tôi đã nhận được
TNUS - nơi chắp cánh đưa ta đến những chân trời tri thức mới
Cho đến bây giờ, dù đã đi xa nhưng mỗi khi nhớ về TNUS tôi đều có cảm giác rưng rưng như nhớ về ngôi nhà chung ấp áp của các thành viên trong gia đình. Thầy cô luôn là người đồng hành cùng các bạn sinh viên vượt qua những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện giúp đỡ các bạn sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như miễn giảm học phí, có nơi ăn chốn ở khang trang, được hỗ trợ tìm kiếm việc làm…
Cũng tại ngôi trường này, nhờ sự định hướng đúng đắn và tầm nhìn xa rộng của thầy cô mà tôi đã có cơ hội sang Pháp thực tập và gắn bó với công việc nghiên cứu, chế tạo pin mặt trời tinh hiện tại. Càng học, càng nghiên cứu, tôi càng nhận ra rằng: dù bạn học sinh học, hoá học hay vật lý thì giữa chúng đều có sự giao thoa và bổ trợ lẫn nhau. Càng học lên cao, càng nghiên cứu sâu thì càng thấy mối quan hệ khăng khít giữa 3 ngành nghiên cứu cơ bản này. Và đặc biệt, vật lý và hoá học có ứng dụng vô cùng to lớn trong sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy những bạn sinh viên học vật lý hay hoá học ra trường sẽ có cơ hội xin việc làm cao. Đây cũng chính là lý do em gái tôi tiếp tục lựa chọn theo học ngành Công nghệ và kỹ thuật Hóa học tại Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên.
Tự sự đôi điều chưa thể hết về Trường Đại học Khoa học. Các bạn tân sinh viên K17 hãy đến đây để trải nghiệm cùng tôi những điều tuyệt vời từ ngôi trường này. Bạn thấy không:
Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là bạn học như thế nào?
Tốt nghiệp ở đâu không quan trọng, quan trọng là bạn đã tốt nghiệp như thế nào?
Học ở đâu không phải là yếu tố quyết định việc bạn có ít hay nhiều cơ hội việc làm tốt. Cơ hội việc làm ít hay nhiều phụ thuộc vào bạn đã học và tự học như thế nào.
Mục đích của việc học hành là trau dồi kiến thức và kĩ năng để có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn.
Chính vì vậy, chỉ ai dám đối diện, đương đầu với những khó khăn thử thách thì người ấy mới thu hái được những trái ngọt, quả thơm.
Ban Truyền thông