Ngọn lửa đam mê của sinh viên ngành cử nhân Địa lý
Đồng hành cùng mỗi chuyến đò qua sông là những ước mơ, hy vọng của thầy cô giáo nói chung và những giảng viên Địa lý- Khoa KHMT&TĐ nói riêng gửi gắm vào các thế hệ sinh viên mình giảng dạy. Trong chuỗi thời gian 15 năm xây dựng và trưởng thành của mái trường Đại học Khoa học, ngành Địa lý đã đào tạo 10 khóa sinh viên. Mặc dù, còn rất non trẻ so với các đơn vị cùng lĩnh vực khác trên cả nước nhưng chúng tôi cũng đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Cùng với những đóng góp đó, có những hạt nhân, những tấm gương không chỉ trong quá trình học tập tại trường, mà quan trọng nhất là những cố gắng, nỗ lực không ngừng của cá nhân khi bắt đầu con đường sự nghiệp. Và, một gương sáng chúng tôi muốn giới thiệu ở đây là cựu sinh viên Dương Thanh Tùng- Bí thư lớp Địa K5.
Tôi một cựu sinh viên Địa lý của Khoa Khoa học Môi trường và Trái Đất, thật vinh dự và tự hào là một trong những 17 sinh viên đầu tiên của ngành cử nhân Địa lý. 05 năm sau khi ra trường và hiện tại tôi là giảng viên bảo hiểm nhân thọ tập đoàn Generali (tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Ý). Nhìn lại thời sinh viên, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ thời tuổi trẻ với nhiều hoài bão, mơ ước màu hồng, nhớ thời bồng bột và lúc này người ta hay nghĩ tới từ “giá như”. Giá như ngày xưa chăm học hơn, giá như ngày xưa chăm tham gia các hoạt động hơn, giá như ngày xưa kiên trì hơn, giá như quyết đoán hơn … thì có lẽ ước mơ của mình đã thành hiện thực từ lâu. Nhưng ngẫm lại, đó mới là tuổi trẻ đầy bồng bột và khờ dại.
Tập thể SV lớp Địa K5 trong chuyến thực tế tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai
Các bạn sinh viên thân mến, có phải các bạn đang băn khoăn học xong ra trường khó xin việc, chấp nhận công việc trái ngành học? Tôi cũng từng băn khoăn như các bạn. Vậy các bạn đã đủ trình độ để đáp ứng công việc đó hay chưa? Và công việc đó có đúng sở trường, đam mê của mình hay không? Có một thực tế rằng, công việc nào cũng cần bạn có:
- Tinh thần làm việc cao
- Thái độ tích cực
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng quản lý thời gian
- Khả năng làm việc nhóm
- Tự tin, linh hoạt, thích nghi
- Khả năng chịu áp lực
Thời tuổi trẻ đó đã cho tôi những kiến thức, kinh nghiệm, những bước đi đầu tiên để xây dựng tương lai cho mình. Đầu tiên, nhớ lại ngày sinh viên, tôi rất thích mảng kiến thức về Hệ thông tin Địa lý (GIS) và đã đăng ký thực tập tốt nghiệp tại Viện Địa Lý (Viện Hàn lâm Công nghệ Việt Nam). Theo đánh giá của các thầy cô, đó là quyết định thực tập mạo hiểm với một sinh viên khóa đào tạo đầu tiên của khoa về ngành Địa lý và lại chọn một ngành mới, hiện đại, khó. Nhưng rất may mắn, tôi hoàn thành tốt đợt thực tập đó. Cuối đợt thực tập, tôi được GS Nguyễn Trần Cầu (cây đại thủ của ngành bản đồ Việt Nam) tặng một cuốn sách hướng dẫn học ArcGIS với lời chúc: “Chúc em luôn vững bước trên con đường khoa học”.
Nhưng rất tiếc, tôi lại không tiếp tục ước mơ thời sinh viên còn đang dang dở. Tôi không làm đúng ngành, đúng nghề được đào tạo. Và như vậy, cả 4 năm học đại học có lãng phí đối với tôi? Và câu trả lời chắc chắn là không. Học đại học không chỉ là thời gian giúp bản thân trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp phục vụ cho công việc mà đó còn là cơ hội quý giá để mỗi sinh viên học được rất nhiều, để sinh viên rèn luyện tư duy, kỹ năng mềm, kinh nghiệm xã hội. Bởi, trường đại học là nơi học để trưởng thành. Ví dụ, tôi rất thích học về bản đồ. Để thực hiện thiết kế được một tấm bản đồ đẹp mắt, ngoài tính thẩm mỹ thì phải đảm bảo tính khoa học. Một tấm bản đồ được hoàn thành là sự sắp xếp giữa các layer với nhau một cách logic, vì vậy cần hoàn thành layer nào trước, layer nào sau. Đó là cách suy luận logic. Chính vì học được cách suy luận logic, đã giúp tôi rất nhiều trong công việc sau này. Vì vậy, các bạn hãy thực sự tập trung cho những môn học mình yêu thích, ngoài kiến thức chuyên môn các bạn hãy tìm hiểu nguyên lý, logic của sự vật, hiện tượng, nó sẽ giúp hình thành cho bạn cách suy nghĩ về một vấn đề một cách hiệu quả, bạn sẽ có cách xử lý tối ưu.
Thanh Tùng với những cơ hội học hỏi
Điều thứ hai, tham gia tích cực vào các hoạt động của trường của khoa. Đó là cách để chúng ta rèn luyện tinh thần làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, năng động của bản thân, giúp chúng ta tự tin hơn. Các hoạt động của trường, của khoa là những hoạt động tập thể, khi bạn tham gia vào các hoạt động tập thể đó, bạn sẽ học được cách lắng nghe đối phương, cách làm việc nhóm, thậm chí bạn học được cách kiểm soát cảm xúc sau những lần tranh luận với bạn bè. Kỹ năng này rất quan trọng bạn nhé, nếu sau này bạn dự định làm việc ở một đơn vị nào đó thì chắc chắn nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều
Điều thứ ba, tôi luôn muốn nhắc các bạn hiện nay bằng đại học không còn là tấm giấy thông hành để bạn chắc chắn có việc làm và cũng không phải là sự đảm bảo chắc chắn cho sự thành công. Bằng cấp bạn có trên tay phải đồng hành với kiến thức, kỹ năng bạn rèn luyện được và nhất là bạn cần có động cơ, sự tự tin, quyết tâm, nhiệt tình và đam mê với công việc, sự thích nghi và tìm tòi cái mới. Khi mới ra trường, tôi luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao mà không do dự thậm chí không thuộc trách nhiệm của bản thân. Đó là cách để chúng ta khám phá bản thân, vượt qua giới hạn và làm tinh thần chúng ta mạnh mẽ hơn. Tôi còn nhớ, mỗi lần tham gia văn nghệ, tôi được giao nhiệm vụ làm diễn viên, có lần phải viết kịch bản. Tôi phát hiện ra rằng, tôi có thể viết được kịch bản chương trình, sau này phát hiện được khả năng làm MC. Nhờ vậy mà, sau này công tác tại trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel Thái Nguyên tôi được giao nhiệm vụ viết kịch bản các chương trình văn nghệ, chương trình thiện nguyện. Và thành công của tôi là đảm nhiệm tổng đạo diễn dự án CC Media Music Strees năm 2015, chương trình đó gây được tiếng vang toàn tỉnh Thái Nguyên đối với các bạn trẻ năm đó. Vì vậy, các bạn đừng ngại khó, hãy chủ động nhận nhiệm vụ để khám phá khả năng bản thân. Khi biết khả năng của bản thân, bạn sẽ biết sau này bạn sẽ bước trên con đường sự nghiệp như thế nào.
Thanh Tùng với vai trò “ông bầu” kiêm MC
Điều thứ tư để rèn luyện thêm các kỹ năng cần thiết, đó là các bài tập được giao, hãy hoàn thành trong thời gian thầy cô yêu cầu. Việc này sẽ giúp bạn hình thành khả năng quản lý thời gian, đặc biệt những bài tập khó nhưng thời gian nộp lại gấp còn giúp bạn hình thành khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng, khả năng chịu áp lực. Đặc biệt các bài tập nhóm, các bạn hãy mạnh dạn nhận làm nhóm trưởng, khi các bạn nhận trách nhiệm đó, đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiếp nhận được kinh nghiệm quản lý nhóm nhỏ, nếu bạn ham học hỏi, bạn học được thêm kỹ năng thúc đẩy các thành viên trong nhóm. Chính vì điều này đã giúp tôi rút kinh nghiệm rất nhiều trong công việc quản lý sau này tại nơi làm việc cũ TTCSKH Viettel Thái Nguyên, nhờ đó tôi đạt được các danh hiệu “người truyền lửa”, “ông bầu”.
Tình thần đội nhóm của Dương Thanh Tùng tại Generli
Được trải qua thời sinh viên đó là điều may mắn, sau khi tốt nhiệp nó là hành trang cho bạn bước vào đời. Có thể bạn tìm được công việc đúng nghành nghề bạn theo học, có những bạn sẽ phải tìm những công việc khác. Nhưng nếu bạn xây dựng cho mình những kỹ năng cần thiết thì làm việc gì không quan trọng, quan trọng làm việc theo đúng sở trường, năng lực của bản thân, lúc đó bạn mới thấy cuộc sống này đầy thú vị. Vì vậy, nếu bạn còn là sinh viên hãy tận hưởng tuổi trẻ của mình, tận hưởng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời, để khi nhớ lại sẽ không phải “giá như” như tôi bạn nhé.
Dương Thanh Tùng- lớp cựu Sv CN Địa lý K5
Phạm Thị Hồng Nhung- Phó BM Địa lý- Khoa KHMT&TĐ