Dấu ấn của cựu sinh viên các ngành khoa học cơ bản tại Trường Đại học Khoa học (phần 1 – lĩnh vực KHXH&NV)
Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên (ĐHKH) không chỉ là một cơ sở giáo dục đào tạo thuần tuý mà còn là một trong những cái nôi nuôi dưỡng những tài năng xuất sắc trong lĩnh vực khoa học cơ bản, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành giáo dục và xã hội Việt Nam. Với sứ mệnh “trồng người”, Trường đã chắp cánh cho bao thế hệ sinh viên trở thành những nhà giáo, nhà nghiên cứu, và doanh nhân thành đạt, đặc biệt là cựu sinh viên các ngành Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) như: Văn, Sử, Địa.
Những Dấu ấn đặc biệt trong Ngành Giáo dục
Với đặc thù là Trường đào tạo hệ Cử nhân đã ngành, đa lĩnh vực, trong đó có các ngành KHXH&NV nên định hướng về vị trí việc làm của các ngành này cũng rất đa dạng, linh hoạt. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm nghiên cứu viên, chuyên viên trong các viện nghiên cứu, trung tâm KH&CN; Giảng viên, giáo viên các trường THCS, THPT, các trường quốc tế, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, các trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị; chuyên viên trong văn phòng cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội;…
Có thể kể đến những tấm gương như: Nguyễn Thị Mai Hương, cựu sinh viên Văn học K5, hiện là Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung tại Nam Định. Hương chia sẻ: “Tôi luôn trân trọng những kỷ niệm quý giá từ thời gian học tập tại Trường, nơi đã nuôi dưỡng và hình thành những kỹ năng quý báu, giúp tôi vững bước trên con đường trở thành một người dẫn dắt tâm hồn hay một người truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau.” Dưới sự lãnh đạo của Hương, trường THPT Quang Trung đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời, cô cũng chú trọng đến việc đào tạo giáo viên, khuyến khích họ tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng để thường xuyên cập nhật kiến thức mới và phát triển, hoàn thiện bản thân.
Ảnh 1: Nguyễn Thị Mai Hương, cựu sinh viên Văn K5
Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Thùy Dương, cựu sinh viên Lịch sử K5, hiện là Trưởng phòng Hành Chính tại Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, cũng đã có những đóng góp nổi bật trong việc xuất bản tài liệu, sách báo phục vụ nhiệm vụ phát triển ngành Giáo dục, đào tạo. Cô cho biết: “Việc phát hành những cuốn sách giáo khoa chất lượng là một phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ học sinh.” Dương đã tham gia vào quy trình biên soạn và chỉnh sửa sách giáo khoa, đảm bảo nội dung phù hợp với chương trình giảng dạy hiện hành, từ đó cung cấp nguồn tài liệu phong phú cho giáo viên và học sinh.
TS. Lê Văn Hiếu là cựu sinh viên lớp Lịch sử K6 được giữ lại trường làm giảng viên và hiện đang là Bí thư đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Thái Nguyên - người có nhiều đóng góp trong hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên, sinh viên tại Đại học Thái Nguyên. Anh đã chỉ đạo tổ chức nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên Đại học có hiệu quả. Anh chia sẻ: “Trường ĐHKH không chỉ là nơi tôi tiếp thu kiến thức mà còn là môi trường giúp tôi trưởng thành từng ngày. Những trải nghiệm quý báu này đã truyền cảm hứng cho tôi trong việc tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống và các dự án tình nguyện. Tôi rất biết ơn Mái trường đã dìu dắt tôi trên con đường phát triển bản thân và cống hiến cho cộng đồng”. Anh Hiếu đã khởi xướng nhiều dự án tình nguyện, giúp sinh viên phát triển kỹ năng mềm và nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên trưởng thành hơn mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết và phát triển.
Ảnh 2: TS. Lê Văn Hiếu, cựu sinh viên Lịch Sử K6
Trong số các cựu sinh viên ngành KHXH&NV có nhiều bạn đã trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên, giáo viên giỏi trong các cơ sở giáo dục đào tạo như: TS. Nguyễn Văn Đức – Lịch sử K5, hiện là giảng viên Phân viện 1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Khuê – Văn học K6, giáo viên Trường Phổ thông Liên cấp quốc tế Edison, Hà Nội; Mai Thị Huế, Địa K6, Bí thư Đoàn trường, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thái, Tiền Hải, Thái Bình; Cao Thị Thu – Lịch sử K6, Giảng viên Trung tâm GDNN-GDTX Huyện Tiên Yên – Quảng Ninh; Nguyễn Bích Lụa, Văn K7, Giáo viên Trường THPT Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng; Ngô Thu Giang, Văn K7, Tổ trưởng chuyên môn KHXH, Trường THCS Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên; Hoàng Bích Trâm, Lịch sử K5, giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn; Trần Lan Hướng, Lịch sử K6, giáo viên Trường THPT Lưu Nhân Chú, Đại Từ, Thái Nguyên; Trịnh Thị Ngọc Linh, Lịch sử K5, giáo viên Trường THCS Chu Văn An TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh; Phùng Hồng Nhung, Địa lý K9, giáo viên Trung tâm GDTX 2 tỉnh Lạng Sơn; Đào Quỳnh Anh – Văn K7, Tổ trưởng chuyên môn, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên; Hà Thị Nhung, Địa lý K12, giáo viên Trường THCS Xuân Phương, Phú Bình, Thái Nguyên; Hoàng Thị Phương Thảo, Địa lý K6, giáo viên Trường THCS Đồng Khê, Văn Chấn, Yên Bái; Trần Thị Thành, Văn K7, giáo viên Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương; Lê Kiều Anh, Văn K6, giáo viên Hệ thống giáo dục liên cấp Dạ Hợp, Hoà Bình; Lý Thị Huyền Trang, Văn K7, giáo viên Trường THCS Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên; Nguyễn Trà Giang, Văn K7, giáo viên Trường Phổ thông liên cấp Lương Thế Vinh, Bắc Ninh; Lăng Thu Ngân, Văn K6, giáo viên Trường THCS Trưng Vương, TP Thái Nguyên…
Trở thành những nhà quản lý giỏi - những nhân tố góp phần xây dựng, phát triển nền kinh tế - chính trị - xã hội
Trong hành trình phát triển chung của đất nước, cựu sinh viên Trường ĐHKH đã dần khẳng định vai trò của mình qua những đóng góp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước. Họ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng quản lý hành chính, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của xã hội và công cuộc cải cách hành chính công hiện nay.
Một trong những câu chuyện đáng chú ý là của cựu sinh viên Bùi Thị Chung, Lớp Văn học K5, hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Cô là một hình mẫu điển hình cho sự cống hiến và tâm huyết với cộng đồng xã hội. Cô luôn nỗ lực không ngừng để mang lại những thay đổi tích cực cho nơi mình sống, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng đến nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Cô chia sẻ: “Tôi luôn khao khát tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng nơi mình sinh sống. Những kiến thức và trải nghiệm từ thời gian học ở trường đã giúp tôi hiện thực hóa ước mơ ấy.” Từ những kiến thức và kỹ năng được trang bị tại trường, cô đã áp dụng vào thực tiễn công việc, tạo ra những chương trình phát triển bền vững, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và phát triển.
Ảnh 3: Bùi Thị Chung, cựu sinh viên Lớp Văn K5
Giống như Bùi Thị Chung, cựu sinh viên Mai Thu Hương, lớp Địa lý K8, cũng là một hình mẫu tiêu biểu cho sự cống hiến và tâm huyết với cộng đồng, luôn nỗ lực mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng nơi mình đang sống. Mai Thu Hương hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
Sau khi tốt nghiệp, Hương đã làm việc tại phòng Văn hóa - Thông tin của huyện, nơi cô tích cực tham gia vào các dự án phát triển du lịch địa phương. Hương chia sẻ: “Chương trình học tại Trường Đại học Khoa học đã trang bị cho tôi không chỉ kiến thức lý thuyết vững chắc về địa lý, mà còn những kỹ năng thực tiễn cần thiết. Các môn học như Địa lý kinh tế, Quản lý tài nguyên và Môi trường đã giúp tôi hiểu rõ hơn về các vấn đề phát triển bền vững. Hơn nữa, các buổi thực địa và dự án nhóm đã rèn luyện khả năng làm việc nhóm và lãnh đạo của tôi, điều này rất quan trọng trong công việc hiện tại.” Dưới sự lãnh đạo của Hương, xã Trung Thành đã triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân, khẳng định vai trò quan trọng của những cựu sinh viên trong việc xây dựng và phát triển địa phương.
Là cựu sinh viên ngành Lịch sử khóa K6 của Trường ĐHKH, ThS. Dương Mạnh Hà hiện đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Xây dựng Đoàn, Tỉnh đoàn Thái Nguyên. Khi còn là sinh viên, anh đã năng nổ tham gia công tác Đoàn - Hội, không chỉ ở lớp mà còn ở cấp Khoa, Trường; thể hiện tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với phong trào thanh niên. Chính những trải nghiệm quý báu, kiến thức vững chắc và tinh thần cống hiến đó đã giúp anh vững bước trên con đường sự nghiệp. Dương Mạnh Hà luôn chú trọng việc kết nối và phát huy sức mạnh của tuổi trẻ, tạo ra những chương trình thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho thanh niên. Anh tin rằng, giáo dục và sự tham gia tích cực của thanh niên là chìa khóa để xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Dưới sự lãnh đạo của anh, nhiều dự án phát triển cộng đồng đã được triển khai, góp phần cải thiện đời sống và khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương.
Ảnh 4: Dương Mạnh Hà, cựu sinh viên ngành Lịch sử khóa K6
Ngoài ra có thể kể đến nhiều cựu sinh viên thành đạt, hiện đang công tác trong các cơ quan quản lý Nhà nước; có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, công tác giáo dục chính trị, công tác đoàn thể tại các địa phương như: Nguyễn Quang Ngà, Lịch sử K6, hiện là Phó Bí thư thường trực Huyện đoàn Quốc Oai, Hà Nội; Vương Văn Yên – Lịch sử K6 – Uỷ viên BTV Huyện đoàn Đại Từ, Thái Nguyên; Dương Thời Hưng, Địa lý K5, Phòng Chính trị, Lữ đoàn TTG 409, Quân khu 1; Dương Tiến Trung, Địa lý K10, hiện là Đại đội trưởng, Trung đoàn 111, Sư đoàn 306, Quân khu 1; Đào Thanh Thư, Địa lý K9, chuyên viên tại Thành uỷ TP. Sông Công; Nông Thị Nhung, Địa lý K9, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; Nguyễn Thu Hương, Địa lý K6, chuyên viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thái Nguyên; Ma Thị Loan, Địa lý K10, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ UBND xã Bình Yên, huyện Định Hoá, Thái Nguyên; Phan Thị Huệ, Văn K7, Phóng viên Đài PTTH tỉnh Hà Nam; Đỗ Thị Thu, Văn K5, Công chức UBND xã Thống Nhất, TP. Hạ Long, Quảng Ninh; Nguyễn Ngọc, Lịch sử K5, phóng viên Báo Thái Nguyên...
Các cựu sinh viên đó đều là những tấm gương sáng ngời về tinh thần cống hiến cho đất nước và trách nhiệm với cộng đồng. Họ thể hiện rõ vai trò quan trọng của giáo dục trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu, nền tảng; đã vận dụng những bài học quý giá từ giảng đường vào thực tiễn, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội từ TW đến địa phương; khẳng định sức mạnh của tri thức trong việc xây dựng một xã hội phát triển.
Hành trình từ Giảng đường tới Doanh nghiệp
Phạm Tường Lâm, cựu sinh viên khóa 2 ngành Tài nguyên và Môi trường, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật Môi trường Cao Bằng, là một tấm gương sáng cho sự nỗ lực và cống hiến trong lĩnh vực của mình. Với những kỷ niệm đáng nhớ từ thời sinh viên tại Trường Đại học Khoa học, Lâm chia sẻ rằng sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô và môi trường học tập đã giúp anh vững bước trên con đường sự nghiệp. Dù chỉ mới 11 năm ra trường, nhưng Lâm đã khẳng định được vị thế của mình trong ngành, đồng thời luôn thể hiện lòng tri ân đối với mái trường và những người thầy đã dìu dắt mình. Anh không chỉ là một người thành đạt mà còn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sinh viên tiếp theo, chứng minh rằng lựa chọn đúng đắn trong giáo dục có thể mở ra những cơ hội lớn trong tương lai. Những đóng góp của anh cho xã hội và cho ngôi trường đã nuôi dưỡng ước mơ của biết bao thế hệ sinh viên.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo của tỉnh Thái Nguyên - huyện võ Nhai, đến năm lớp 10 thì chị Ma Thị Út Sinh thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Năm 2008, chị trở thành sinh viên Trường ĐHKH và theo học chuyên ngành Văn học. Sau khi ra trường, chị chuyển hướng về công tác tại doanh nghiệp gia đình. Đến năm 2018, bằng những kinh nghiệm đã tích lũy và tinh thần khởi nghiệp, chị cùng gia đình mở công ty riêng chuyên về giáo dục trực tuyến.
Học ngành Văn học, nhưng lại trở thành một Giám đốc công ty đào tạo trực tuyến, thoạt nghĩ, ngành được đào tạo và nghề nghiệp chị đang theo đuổi dường như ít liên quan. Nhưng khi trò chuyện với giám đốc Ma Thị Út Sinh mới biết, những kiến thức được trang bị trên giảng đường Trường Đại học Khoa học đã giúp chị rất nhiều trong công việc hiện tại. Theo chị, bên cạnh kiến thức trên lớp, chị còn được thầy cô chia kinh nghiệm cuộc sống, kiến thức thực tế qua những lần thực tập, thực tế tại các làng bản xa xôi, hẻo lánh hay các sở, ban ngành. Với chị, đó là những trải nghiệm vô cùng quý báu giúp chị có thể tự tin bước vào cuộc sống, khởi nghiệp.
Hiện nay Công ty IMUS của chị Út Sinh đang cố gắng để hoàn hệ sinh thái giáo dục trực tuyến từ mầm non đến đại học và sau đại học với mong muốn hệ thống trực tuyến mà công ty đã và đang xây dựng góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành. Hy vọng, trong tương lai không xa, hình thức online và offline sẽ được phổ cập đến toàn quốc, giúp cho các em học sinh, sinh viên có thêm những kiến thức trong chuyên môn và trong cuộc sống.
Ảnh 5: Ma Thị Út Sinh – Cựu sinh viên ngành Văn học
Là một trong những sinh viên của lớp cử nhân Văn K7 trường ĐHKH sớm tìm được cho mình một công việc như ý muốn ngay khi ra trường, Tạ Hồng Oanh đã gắn bó với công việc tại Đài Truyền hình VTC. Ngay từ khi ra trường, Oanh đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thành công bước đầu trong sự nghiệp. Là một người hiền lành, hòa đồng nhưng khá ít nói, Oanh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ngay từ thời sinh viên, cô đã nỗ lực vừa học tập vừa kinh doanh để phụ giúp gia đình.
Sau khi tốt nghiệp, Oanh thi tuyển và được nhận vào Đài Truyền hình VTC – Hà Nội. Dù thời gian đầu còn bỡ ngỡ vì không được đào tạo đúng chuyên ngành, cô nhận thấy rằng những kiến thức văn học và văn hóa đã học tại trường là nền tảng quý giá, giúp ích nhiều trong quá trình làm biên tập viên. Sau ba năm làm việc, Oanh đã dần khẳng định được mình và nhận được sự quý mến từ bạn bè, đồng nghiệp. Hiện tại, cô không chỉ là biên tập viên của Truyền hình Thông tấn mà còn là CEO của một hãng thời trang, thể hiện sự đa tài và quyết tâm trong sự nghiệp.
Học tại Trường Đại học Khoa học đã trang bị cho Tạ Hồng Oanh không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn giúp cô xây dựng sự tự tin vững vàng. Những trải nghiệm quý báu từ thời sinh viên, cùng với sự hỗ trợ từ giảng viên và bạn bè, đã tạo nên nền tảng vững chắc cho Oanh trong sự nghiệp. Chính sự tự tin này đã giúp cô vượt qua những thử thách ban đầu, khẳng định bản thân trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh. Oanh không ngừng phát triển và mở rộng khả năng của mình, trở thành một hình mẫu cho nhiều bạn trẻ, chứng minh rằng với sự nỗ lực và quyết tâm, bất kỳ ai cũng có thể đạt được ước mơ của mình.
Ảnh 6: Tạ Hồng Oanh, cựu sinh viên lớp Cử nhân Văn K7
Ngoài ra, các cựu sinh viên ngành KHCB (lĩnh vực KHXH&NV) có nhiều bạn thành công trong lĩnh vực kinh doanh, trở thành những nhà quản lý, doanh nhân xuất sắc như: Hoàng Văn Tuấn, Địa lý K11, hiện là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Trà an toàn Phú Đô, Thái Nguyên; Chu Ngọc Hà, Văn K7, Phó Giám đốc Cty TNHH TMDV Du lịch Lưỡng Hà; Dương Thị Sinh, Văn K7, Trưởng phòng Kinh doanh cấp cao, Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên; Hoàng Thị Thu Hồi, Lịch sử K5, Trưởng phòng nhân sự, Công ty TNHH G.S Electronics; Phan Thị Tuân, Địa lý K9, Phó Phòng EI, Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Thagaco; Đỗ Thị Xuân, Văn K7, Trưởng phòng CSKH, Công ty TNHH Hinh Vượng; Nguyễn Diệu Thuỳ, Văn K7, Trưởng vùng huấn luyện, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam; Kiều Thị Thảo, Địa lý K8, Quản lý cấp cao, Trung tâm anh ngữ Popodoo Sơn Tây; Trần Thanh Nga, Văn K7, Cửa hàng trưởng Viettel Lào Cai; Hoàng Thanh Hiếu, Địa lý K9, Phó Phòng, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Quốc Tế Thagaco; Khiếu Thị Nhung, Văn K7, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Guo Xiang Hải Phòng; Bùi Văn Thân, Địa lý K13, Chuyên gia cao cấp tổ chúc sản xuất tại Tập đoàn Sun Group; …
Trường Đại học Khoa học (TNUS) mặc dù là ngôi trường còn rất trẻ trong nền giáo dục quốc dân nhưng đã ươm tạo được nhiều tài năng xuất sắc, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục, đào tạo khu vực trung du, miền núi phía Bắc nói riêng và nền kinh tế - chính trị - xã hội Việt Nam nói chung. Những cựu sinh viên tiêu biểu từ Mái trường này đã trưởng thành và dần khẳng định vị thế, vai trò của mình trong xã hội.
(TNUS MEDIA)