Cơn bão giông tuổi 19 tôi đã trải qua! - Tâm sự của tân sinh viên K19 ngành Báo chí
Tôi là một thanh niên tuổi 19 quê ở Lạng Sơn còn trẻ người non dạ, bồng bột trong suy nghĩ. Vừa rời khỏi chiếc áo trắng học sinh do áp lực từ gia đình và xã hội nên bị khủng hoảng tâm lí khi chọn nghề, chọn trường đại học nên đã mạnh dạn bước chân ra xã hội đi thử làm công nhân với mục đích học hỏi thêm kinh nghiệm sống, tìm hiểu và khai thác các yếu tố xã hội đang “cần và đủ” như thế nào để có lựa chọn sáng suốt nhất cho tương lai sau này.
Năm đầu tiên bước chân ra xã hội tôi chọn Bắc Giang là điểm đến và khu công nghiệp Quang Châu - Việt Yên là nơi tôi trải nghiệm và làm việc trong thời gian ngắn. Nào ngờ giữa tháng 5/2021 dịch bệnh Covid 19 xuất hiện hoành hành làm đảo lộn cuộc sống xã hội và cả kinh tế, cuộc sống vật chất của công nhân chúng tôi đặc biệt là công nhân trọ tại thôn Núi Hiểu- Quang Châu - Việt Yên- Bắc Giang lúc bấy giờ (Núi Hiểu được coi là tâm dịch của Bắc Giang).
Vào giữa tháng 5 khi có quyết định phong tỏa cả thôn Núi Hiểu, công nhân như chúng tôi không được đi ra ngoài đường, không được đi ra khỏi phòng trọ và được xét nghiệm Sars CoV 2 thường xuyên. Tưởng rằng dịch đã đi qua nhanh chóng nhưng mọi việc dường như diễn ra ngày càng phức tạp hơn, Covid hoành hành bắt buộc mọi cơ sở kinh doanh, cửa hàng tạp hóa phải đóng cửa nên càng khó khăn về nhu cầu sinh hoạt ăn uống của tất cả người dân và công nhân nơi đây mọi nhu cầu đi lại, sinh hoạt đều bị cô lập, thiếu thốn giữa tiết trời oi bức gần 40°C.
Nơi đất khách quê người ấy tưởng chừng xô bồ, bon chen mà lúc khó khăn mới thấu hiểu được tình người. Núi Hiểu nơi tôi trú trọ có đến hơn 10.000 công nhân từ mọi miền đất nước đến trọ và làm việc chủ yếu ở khu công nghiệp Quang Châu vì đó tập trung nhiều tập đoàn công ty lớn với mức lương tương đối ổn định: công ty Luxshare ICT, tập đoàn Foxcon Hồng Hải, công ty Lens, siflex, Samkwang....
Được khoảng một tuần phong tỏa các ca nhiễm dần dần tăng lên và lương thực cũng đã hiếm. Lúc đó các mạnh thường quân từ mọi miền đất nước đều hướng về tâm dịch Núi Hiểu hỗ trợ kịp thời từ những bó rau xanh, quả dưa, quả trứng, gói mì, cân gạo, chai nước mắm.... Những thứ tưởng chừng giản dị nhất nhưng trở nên quý giá lúc bấy giờ, và cũng không thiếu được các tình nguyện viên, thanh niên Núi Hiểu hỗ trợ vận chuyển. Khi đó, những thanh niên không còn trong trang phục màu xanh truyền thống nữa, thay vào đó là bộ đồ bảo hộ chống dịch kín người. Ở đó có đến hơn 800 nhân khẩu không thể ra khỏi nhà cùng hơn 10.000 công nhân bị phong tỏa không được ra khỏi phòng trọ, nên những nhu yếu phẩm đồ dùng thiết yếu đều do các bạn trẻ trong màu áo bảo hộ ấy chuyển tận tay mỗi người.
Thanh niên Núi Hiểu hỗ trợ người dân và công nhân (Nguồn: Nguyễn Thị Thơ)
Cùng với sự tương trợ giúp đỡ của các mạnh thường quân, tại tâm dịch đã có cửa hàng 0 đồng giúp đỡ công nhân với những đồ dùng sinh hoạt cần thiết, các cô chú, anh chị chủ trọ đều tiếp tế hỗ trợ lương thực, thực phẩm,cho từng công nhân không để ai bị bỏ lại giữa đại dịch...
Cửa hàng 0 đồng hỗ trợ công nhân Núi Hiểu. (Nguồn: Nguyễn Hiền)
Tâm dịch Núi Hiểu đã từng chìm trong sự lo lắng tột độ của mỗi người dân nơi đây. Có ngày loa phát thanh 5h sáng đã tuyên truyền, phát thanh tìm những F0 không ghi rõ địa chỉ, hay còn báo tên tuổi những ca F0 trong cộng đồng để đi điều trị cách li. Có những đêm gần 500 ca dương tính với Sars-Cov-2 được chuyển đi từ tâm dịch Núi Hiểu, tiếng xe cấp cứu còi ing ỏi, nườm nượp ra vào trên con đường nhỏ của thôn trở thành nỗi ám ảnh của người dân và công nhân. Tuy nhiên với sự quyết tâm đồng lòng chống dịch của thanh niên tình nguyện tuổi 17, 18, cùng cảnh sát cơ động ngày đêm vẫn miệt mài tuần tra, trực chốt, đảm bảo tất cả mọi người thực hiện tốt lệnh giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của nhà nước.
Tại Nhà văn hóa Núi Hiểu tháng 5/2021. (Nguồn: Facebook: Kun Mon).
Vào đầu tháng 6/2021 dịch bệnh hoành hành lan rộng hơn bao giờ hết, vì thế mà các đoàn y tế của các tỉnh lân cận cũng “ chia lửa” giúp Bắc Giang dập dịch mong cho cuộc sống yên bình. Đoàn y tế Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, đoàn y tế Chợ Rẫy không quản đường xá xa xôi..... Các y bác sĩ, anh chị sinh viên dưới thời tiết mùa hè gần 40°C khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín người, ngày đêm lấy mẫu tất cả người dân và công nhân trên cả địa bàn huyện Việt Yên và cả tỉnh Bắc Giang, truy dấu F0 trong cộng đồng rồi khoanh vùng dập dịch. Kiểm soát và ngăn ngừa tối đa về tình hình lây lan dịch bệnh.
Thanh niên thôn Núi Hiểu cùng đoàn y tế Hải Dương quyết tâm chiến thắng dịch bệnh Covid-19 tại tâm dịch. (Nguồn: Công an tỉnh Bắc Giang)
Ngày này qua ngày khác, tình hình càng trở nên phức tạp vì mật độ công nhân trú trọ quá đông nên chính quyền ra quyết định đưa tất cả công nhân Núi Hiểu đi cách li tập trung tại các khu nhà ở xã hội, trường học.. Trên địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên.... Để giảm tình hình lây lan, cũng để khử khuẩn toàn bộ thôn Núi Hiểu.
Và tôi cũng là công nhân trọ ở đó nên không ngoại lệ cùng đi cách li tập trung tại khu nhà ở xã hội Fugiang thuộc Khu công nghiệp Vân Trung - Việt Yên - Bắc Giang. Ở đó các bác sĩ, anh chị sinh viên đều đều 2 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần để ngăn ngừa F0 phát sinh trong khu cách li.
Sau 9 ngày cách li tập trung tôi không may sốt cao 39°C, cũng nghĩ là cảm lạnh do thời tiết thay đổi thất thường, nào ngờ trung tâm y tế Việt Yên báo kết quả dương tính với Sars-CoV-2. Lúc nghe tin tôi rất “sốc”, rồi tự động viên mình phải bình tĩnh, nhưng lúc đó tâm trí tôi nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực. Tôi được chuyển từ khu Fugiang lên bệnh viện dã chiến ung bướu cơ sở Fuji để điều trị, ở đó già trẻ, gái trai, trẻ em... Đều có cả. Chủ yếu là các ca bệnh nhẹ, ít triệu chứng, ca bệnh nào tiến triển xấu sẽ được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị. Với những triệu chứng tôi gặp phải: Ngủ li bì, mệt mỏi, mất cả vị giác và khứu giác, ho có đờm, bị hụt hơi... Nên đã điều trị tại Fuji vài ngày. Trong bệnh viện dã chiến đó hầu như mọi người rất lạc quan, yêu đời nên tôi cũng bớt lo lắng, tự động viên bản thân bình tĩnh, cố gắng vượt qua, xem đó là 1 thách thức nhỏ. Ở đó tôi gặp và kết giao thêm nhiều người bạn mới, anh chị đồng hương cũng như tôi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. May mắn hơn là gặp được đoàn y bác sĩ Phú Thọ nhận nhiệm vụ điều trị ở đó. Anh chị y bác sĩ cũng rất cởi mở, hỏi thăm tình hình sức khỏe đều đặn. Cũng do Covid mà tôi gặp được anh bác sĩ điều trị Nguyễn Minh Phương tại khu Fuji, anh hay đến buồng bệnh hỏi thăm bệnh nhân, cắt thuốc điều trị triệu chứng, động viên F0 chúng tôi ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe, lạc quan lên để sớm khỏi bệnh quay lại cuộc sống yên bình trước kia.
Các y bác sĩ Phú Thọ tại bệnh viện dã chiến ung bướu cơ sở Fiji 6/2021 (Nguồn: Lê Phượng)
Cũng như các cơ sở điều trị F0 khác: Bệnh viện dã chiến số 1 (bệnh viện Nội tiết), bệnh viện dã chiến số 2 (nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang), bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến tại trường cao đẳng Ngô Gia Tự, tại Fuji, kí túc xá Luxshare.... Đều có những ca bệnh nặng nhẹ khác nhau, mang cả bệnh lí nền, có vài ca bệnh nặng, thở máy ECMO được chuyển xuống bệnh viện Trung ương tiếp tục cứu chữa,. Còn tùy thuộc vào sức đề kháng, thể trạng của mỗi người mà thời gian điều trị cũng khác nhau, có trường hợp 15 ngày đã được xuất viện ra về tiếp tục theo dõi, có ca đến 2 tháng vẫn tiếp tục điều trị (chủ yếu là nhẹ, không có triệu trứng). Đến khi tôi được về tỉnh tiếp tục theo dõi sức khỏe thì dịch bệnh hầu như đã được kiểm soát, khống chế hoàn toàn, mọi người đều trở lại khu công nghiệp tiếp tục làm việc, cuộc sống trở về yên bình, kinh tế xã hội được phục hồi dần.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, trọn vẹn 3 tháng từ khi Núi Hiểu phong tỏa đến lúc điều trị, cách li theo dõi, đến 15/8/2021 tôi mới được tái hòa nhập cộng đồng, trở về cuộc sống ước mơ riêng mình. Tôi cảm thấy mình đã rất may mắn khi vượt qua Covid-19, vượt lên chính mình. Tôi đã từng nghe những câu chuyện mà các F0 tại đó: có anh thanh niên 28 tuổi đã từng phải dùng máy xâm nhập kể lại như được chết đi sống lại lúc bấy giờ, có chị đã từng bị mất cả thai nhi, có anh chị nhớ nhà, nhớ con mà không thể nào về được..... Nhưng chúng tôi đã cùng nhau cố gắng vượt qua Covid, trở lại cuộc sống đầy niềm vui, tiếng cười, không bị gò bó bởi Covid-19 nữa. Cũng qua “cơn giông bão” tuổi 19 này tôi càng thêm quý trọng sắc áo blouse, đặc biệt là các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. 3 tháng cách li giúp tôi nhìn nhận lại được quá khứ, nhận thức, suy ngẫm về giá trị thực tại, và nghĩ về tương lai.
Trong quãng thời gian đó, tôi có biết đến và tìm hiểu về Khoa Báo chí - Truyền thông của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Thấy đây là một môi trường năng động, có thể trau dồi nhiều kinh nghiệm, kĩ năng phù hợp với năng lực của bản thân nên tôi đã đăng kí và nhờ anh chị, bạn bè gửi giúp hồ sơ xét tuyển, hồ sơ xác nhận nhập học xuống Trường. Sau 1 năm trải nghiệm “Trường Đời” tôi thấy bản thân mình chưa thực sự đủ kĩ năng, kinh nghiệm sống, chưa đủ kiến thức để tự đứng trên đôi chân của mình... Nên tôi nghĩ môi trường học tập tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên sẽ giúp tôi phát huy hết khả năng, bồi dưỡng thêm nhiều kĩ năng và kiến thức để bước đi thật vững chắc trong tương lai.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên cả nước, chúng ta mỗi người dân Việt Nam hãy luôn đồng lòng, quyết tâm đánh đuổi đẩy lùi Covid-19. Thực hiện đúng chỉ thị giãn cách, thực hiện tốt khẩu hiệu 5K của bộ y tế: “Khẩu trang- khử khuẩn- khoảng cách- không tụ tập- khai báo y tế”; Hãy luôn trân trọng cuộc sống, dành thời gian chăm sóc chính mình thật tốt và giữ nếp sống lạc quan, giản dị của người Việt Nam ta.
(Lý Kim Phượng)
Thông tin cá nhân Họ và tên: Lý Kim Phượng Giới tính: Nữ. Sinh năm: 2002 Quê quán: Nà Ngần - Khánh Xuân - Lộc Bình- Lạng Sơn. |