Từ “xứ sở hoa ban trắng”, tôi đã trở thành du học sinh như thế nào?
Phàng A Minh là sinh viên lớp Quản lý tài nguyên và Môi trường K14 Trường Đại học Khoa học. Hiện nay Minh đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Đại học Valladolid, Tây Ban Nha. Dưới đây là chia sẻ của bạn Minh về hành trình từ một cậu học sinh người H’Mông không hề biết tiếng Anh đến một du học sinh Việt Nam tại châu Âu như thế nào.
Tôi là Minh, một sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên môi trường tại Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên. Giống như biết bao sinh viên khác, xuất phát điểm của tôi cũng chỉ là một cậu sinh viên nghèo dân tộc thiểu số vùng cao. Nhưng nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, sự định hướng đúng đắn của thầy cô mà tôi đã trở thành một du học sinh tại đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp. Tôi muốn thông qua bài viết này để chia sẻ đôi điều về hành trình chạm đến ước mơ của mình tại đất nước Tây Ban Nha nơi tôi đang theo học.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng núi cao Tủa Chùa, Điện Biên – một vùng núi Tây Bắc trù phú, tươi đẹp - nơi mà mọi người vẫn thường hay nhắc đến với một cái tên gói trọn sắc màu văn hóa - “xứ sở hoa ban”. Sinh sống trên một mảnh đất giàu có về cả tiềm năng tài nguyên, môi trường và văn hóa, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc quê tôi vẫn rất khó khăn do tập quán lao động sản xuất còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Từ những trải nghiệm về cuộc sống lao động của những người nông dân xung quanh mình, tôi đã quyết định chọn học ngành Quản lý tài nguyên môi trường của Trường Đại học Khoa học với hy vọng tìm kiếm cơ hội tích lũy những kiến thức mới để góp sức giúp quê hương mình phát triển hơn.
Khi vào học ở trường Đại học Khoa học, tôi thực sự say mê, hào hứng với tất cả những bài giảng ngập tràn tri thức mới. Nhưng có lẽ, những gì tôi biết ơn Trường Đại học Khoa học lại không chỉ là như thế. Với những định hướng đúng đắn, các thầy cô như người “chỉ đường đưa lối” dẫn dắt tôi đến những chân trời tri thức cao rộng hơn. Hết năm thứ hai đại học, tôi đã trở thành du học sinh của Trường Đại học Valladolid Tây Ban Nha theo chương trình trao đổi sinh viên ERASMUS+ của Liên Minh Châu Âu (EU).
Mình cùng hai người bạn đồng hương với trang phục dân tộc H’mông
Để có được cơ hội quý giá này, ngoài việc nỗ lực học tốt những học phần trên giảng đường, tiếng Anh thực sự là chiếc “chìa khóa vàng” hết sức quan trọng. Các bạn biết đấy, ở nơi tôi sinh ra, việc sử dụng tiếng Việt đôi khi còn khó khăn với một số người chứ nói gì đến tiếng Anh. Bởi thế, vốn liếng tiếng Anh khi bước vào đại học của một học sinh dân tộc vùng cao như tôi có thể nói - nó là một con số không tròn trĩnh. Nhưng thức sự, tôi đã bắt đầu từ đó.
Ý thức được vai trò, tầm quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập, tôi hiểu ngoại ngữ là hành trang không thể thiếu cho bất cứ ai muốn đặt chân đến “trời Tây” du học. Bởi vậy, tôi không nản trí và chùn bước. Vạn sự khởi đầu nan, thời gian đầu học ngoại ngữ đối với tôi thật sự rất chật vật. Thậm chí có khi tôi còn nghi ngờ vào chính khả năng của bản thân mình - liệu mình có thể học được, nói được tiếng Anh như mong đợi?
Những ngày hè xuống Hà Nội “săn Tây” để học kỹ năng nói
Những ngày đầu bắt chuyện và chụp ảnh cùng người nước ngoài
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân và chỉ có thể bước từ những bước chân đầu tiên mới có thể đến được đích. Quyết tâm học lại từ đầu như một đứa trẻ tập tành học nói, tôi tìm kiếm mọi cơ hội được học, được nói tiếng Anh. Tôi miệt mài tập đọc, tập viết tại trung tâm tiếng Anh; tôi cũng tự tìm đến những người bạn nước ngoài để học nói. Cứ như vậy – cố gắng, cố gắng và bền bỉ, tôi học tiếng Anh ngày này qua ngày khác - đều đặn và kiên trì. Sau 6 tháng, tôi đã nhận thấy rõ sự tiến bộ rõ rệt của bản thân. Bởi thế, tôi càng có thêm động lực và tin tưởng hơn vào con đường mình đang chọn.
Tôi tin rằng thành công có được chỉ một phần nhờ may mắn còn xét đến cùng vẫn phải là sự kiên trì nhẫn nại không ngại khó của bản thân. Khi tôi được cô giáo của tôi là Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai giới thiệu về chương trình trao đổi sinh viên ERASMUS+ của Liên Minh Châu Âu (EU), tôi nghĩ cơ hội được đi du học đã đến. Tôi mạnh dạn nộp hồ sơ. Nhưng may mắn đã không mỉm cười với tôi ngay trong lần đầu tiên. Tôi hiểu rằng tôi cần phải cố gắng hơn nữa thay vì chấp nhận bỏ cuộc. Tôi học tiếng Anh miệt mài hơn - và “Exert yourself and God will do the rest” (học hành chăm chỉ, ông trời sẽ chẳng phụ công), may mắn đã tới với tôi trong lần apply thứ hai – và thật khó có thể tin nổi – từ xứ sở hoa ban trắng, tôi đã thật sự trở thành du học sinh tại trời Âu.
Lớp mình trong buổi học đầu tiên ở Đại học Valladolid, Tây Ban Nha
Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho một hành trình mới nơi vùng trời châu Âu đầy hứa hẹn với những trải nghiệm thú vị chờ đón mình phía trước. Nhưng vào ngày lên đường du học - đúng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên Đán 2019 - tôi vẫn có đôi chút hụt hẫng và lo âu khi phải rời xa gia đình để đến với một vùng trời hoàn toàn khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng như một con chim đã đủ lớn cần phải sải rộng đôi cánh giữa bầu trời - tôi cần phải bước đi bởi cơ hội chỉ có một. Hãy đi thật xa để trở về - trở về với những tri thức mới mẻ, khôn lớn và trưởng thành hơn!
Buổi học ngoài trời cùng giáo sư Pilar
Buổi thực thực hành trong rừng với các bạn cùng lớp
Năm tháng trải nghiệm ở Đại học Valladolid Tây Ban Nha đã qua, những thầy cô đã gặp, những tri thức được khơi mở, những cung đường đã đi qua, những người bạn năm châu đã từng gặp gỡ… tất cả đều để lại trong tôi những xúc cảm mạnh mẽ. Chỉ còn vài tuần nữa là tôi sẽ quay trở lại Việt Nam, trở lại với giảng đường và thầy cô, nhưng với một tâm thế mới - tự tin hơn, háo hức hơn, sẵn sàng học tập để thực hiện ước mơ của mình.
Liên hoan cuối tuần cùng bạn bè
Bữa trưa cùng thầy cô và bạn bè sau buổi trồng cây trong ngày nước Thế giới 22/3
Các bạn ạ! Hành trình vạn dặm tôi đã đi qua như thế. Tôi thực sự cảm ơn Trường Đại học Khoa học, cảm ơn các thầy cô Khoa Tài Nguyên và Môi trường đã giúp tôi có được những cơ hội trải nghiệm học tập tuyệt vời. Qua hành trình tôi đã đi qua, tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng: không gì là không thể khi ta có đủ nỗ lực, niềm tin và sự cố gắng. Hãy bước ra khỏi “tổ kén” của chính mình, bạn sẽ trông thấy một bầu trời xanh cao rộng ngập tràn ánh sáng và ước mơ.
Minh cùng bạn bè và thầy cô trong ngày lễ tốt nghiệp
Minh cùng với bạn học Kiều Anh (lớp Công nghệ Sinh K11) và giáo sư José Reque Kilchenmann
Người Thầy đã dẫn dắt mình học tiếng Anh từ con số 0
Phàng A Minh_ Palencia 25/06/2019.