Trải nghiệm trao đổi học tập theo dự án ERASMUS+ tại Đại học Valladolid, Tây Ban Nha

Ngày: 07/03/2019

Năm học 2018-2019, 03 sinh viên Trường Đại học Khoa học là Nguyễn Thị Kiều Anh (Lớp Công Nghệ Sinh K11), Phàng A Minh (Lớp Quản lý TNMT K14), Nguyễn Thị Kiều Chinh (Lớp Công Nghệ Hóa K13) đã trúng tuyển Chương trình trao đổi học tập tại Đại học Valladolid (Tây Ban Nha) trong khuôn khổ Dự án Erasmus+ (từ tháng 2/2019 – tháng 6/2019). Dưới đây là những chia sẻ của Nguyễn Thị Kiều Anh khi được trực tiếp trải nghiệm chương trình trao đổi học tập này.

Chương trình hợp tác trao đổi học tập giữa trường Đại học Khoa học và Đại học Valladolid nằm trong khuôn khổ Dự án Erasmus+. Thật may mắn là mình đã có cơ hội được học tập và trải nghiệm cuộc sống ở một môi trường hoàn toàn mới. Trường mà mình được trải nghiệm học tập là Đại học Valladolid thuộc đất nước Tây Ban Nha xa xôi và xinh đẹp nhưng khoa mà mình theo học lại nằm ở một campus thuộc vùng khác - Pallencia. Vì thế, sau khi làm xong các thủ tục nhập trường, mình nhanh chóng về Palencia để chuẩn bị bắt đầu một hành trình học tập mới.

Kiều Anh và các bạn cùng lớp

Lần đầu rời khỏi Việt Nam, lại đúng dịp Tết Nguyên đán, nhưng chính sự đón tiếp cũng như chuẩn bị chu đáo từ phía ĐH Valladolid đã giúp mình nhanh chóng vơi đi cảm giác hụt hẫng, cô đơn, trống trải trong những ngày đầu khi mới đặt chân đến Tây Ban Nha. Cuộc sống có đảo lộn đôi chút về thời gian biểu, lối sống và nề nếp sinh hoạt nhưng mình cũng sớm hòa nhập và thích nghi nhanh chóng. Thật không có gì khó khăn lắm khi chúng ta có một tâm thế sẵn sàng hòa nhập cùng môi trường mới. Nhờ sự giúp đỡ tận tình, chu đáo từ phía Trường bạn, mình nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở để bắt tay vào công việc học tập.

Ngày đầu  tiên đi học, cảm giác của mình giống y như lần đầu tiên cắp sách đến trường tiểu học: trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới, tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm. Tâm trí mình lúc ấy chất đầy những lo lắng, băn khoăn: liệu mình có bắp kịp môn học không? khả năng tiếng Anh của mình liệu có theo nổi không? Họ dạy theo phương pháp giảng dạy nào? Liệu mình có theo  nổi chương trình học này không?

Thế nhưng, "Nobody is perfect" – câu nói đầu tiên của cô Belen – một Giáo sư trong Trường khi lần đầu gặp mặt đã thực sự là liều thuốc trấn an tinh thần đối với mình: "Cô mong rằng trong lớp học các bạn cho cô thấy cái "Imperfect" của mình càng nhiều càng tốt. Cô mong sẽ giúp được các bạn hết sức trong khả năng của mình. Mục đích chính của giáo dục chính là bù đắp những phần thiếu sót của mỗi người". Lời cô nói làm mình thở phào nhẹ nhõm. Những âu lo của mình như được gỡ bỏ vài phần.

Lớp mình học có rất nhiều các bạn sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau. Vì thế, lớp học như một bó hoa đầy màu sắc với nhiều bản sắc riêng, phong phú, thú vị và luôn đầy ắp tiếng cười. Ngoài giờ học trên lớp, chúng mình thường tụ họp cùng nhau trao đổi về văn hóa các vùng miền, chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện thú vị về những miền đất khác nhau.

Buổi giao lưu văn hóa cùng bạn bè quốc tế ngoài giờ học

Cuối tuần thường khoảng thời gian được mình được hòa nhịp cùng cuộc sống của người dân Pallencia. Tây Ban Nha không sử dụng giờ GMT như các quốc gia khác và điều thú  vị đặc biệt ở đây là mặt trời thường mọc vào lúc 8 giờ sáng và lặn vào lúc 8 giờ tối. Mọi nhịp sống vì thế có vẻ như chậm lại. Cuối tuần người dân nơi đây thường tới các quán bar, quán cafe để giao lưu, gặp gỡ bạn bè và người thân. Còn mình thì thường cùng các bạn lên kế hoạch đi khám phá những vùng khác nhau để được trải nghiệm nhiều hơn ở xứ sở này.

Trải nghiệm, thăm quan Valladolid cùng bạn bè quốc tế

Đó là những cảm nhận đầu tiên của mình về những ngày đầu ở xứ sở bò tót đầy thú vị này. Và mình thực sự cảm thấy may mắn khi có được cơ hội tuyệt vời này. Đi xa rồi mình mới nhận ra một điều rằng: không quan trọng bạn học ở đâu, quan trọng là cách bạn học như thế nào. Nhất định mình sẽ không lãng phí một khoảng thời gian nào dù ngắn ngủi nhất để những tháng ngày học tập ở đây thật sự có ý nghĩa và bổ ích hơn. Mong muốn của mình là ngày càng có nhiều bạn sinh viên có cơ hội được học tập, trải nghiệm tại Đại học Valladolid, Tây Ban Nha trong khuôn khổ của Dự án Erasmus+.

Cũng qua những dòng chia sẻ này, mình xin được gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả thầy cô, bạn bè trường Đại học Khoa học yêu dấu một lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, bình an và ngập tràn may mắn. Chúc cho các bạn sinh viên một năm học mới nỗ lực không ngừng để vững vàng tự tin bước chân ra hội nhập với thế giới.

Chương trình Erasmus (European Community Action Scheme for the Mobility of University Students) là chương trình trao đổi sinh viên của Liên minh Âu Châu được thành lập vào năm 1987 về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thanh niên và thể thao. Chương trình được thực hiện bởi Ủy ban châu Âu và một số tổ chức khác nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nâng cao kỹ năng và việc làm cho sinh viên ở các nước châu Âu. Sau gần 30 năm hoạt động, hiện nay chương trình Erasmus đã mở rộng cơ hội cho sinh viên các nước khác trên thế giới (Erasmus+). Trong khuôn khổ của chương trình, năm 2017, Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên và Đại học Valladolid, Tây Ban Nha đã ký kết triển khai chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên giai đoạn 2017-2019, với tổng số 07 suất học bổng cho giảng viên và sinh viên.


Nguyễn Thị Huyền Trang – Phòng KHCN&HTQT

tổng hợpNguyễn Thị Kiều Anh – Palencia, 2/2019