Thông tin về sự kiện Công bố các chương trình đào tạo mới năm 2025
Căn cứ Thông báo số 809/TB-ĐHKH ngày 27/5/2025 của Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học; Kết luận cuộc họp Xây dựng, ban hành và Công bố các CTĐT mới năm 2025; Căn cứ Kế hoạch năm học 2025-2026, Nhà trường xây dựng Kế hoạch tổ chức Chương trình Công bố các CTĐT mới năm 2025 của Trường Đại học Khoa học cụ thể như sau:
1. Thời gian và địa điểm
- Thời gian: Dự kiến ngày 10/6/2025
- Địa điểm: Hội trường lớn Trường Đại học Khoa học
2. Nội dung chương trình
2.1. Công bố 03 CTĐT mới gồm:
+ CTĐT Chăm sóc sắc đẹp từ dược liệu
+ CTĐT Khoa học Tự nhiên tích hợp STEM
+ CTĐT Quản trị Truyền thông
2.2. Ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học và các Doanh nghiệp
2.3. Trao các suất học bổng do đối tác, doanh nghiệp tài trợ.
3. Thành phần tham dự
3.1. Trường Đại học Khoa học
- Đại diện lãnh đạo Nhà trường
- Đại diện Lãnh đạo các Phòng, Trung tâm chức năng; Lãnh đạo các Khoa/Bộ môn; Giảng viên Khoa KHTN&CN; Giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông.
3.2. Khách mời
- Các đối tác, công ty. doanh nghiệp ký kết hợp tác với Trường Đại học Khoa học
- Hiệu trưởng, Học sinh, Phụ Huynh học sinh các Trường THPT trong tỉnh.
- Các Phóng viên, Báo đài….
4. Một số thông tin chung về các CTĐT mới
4.1. Chương trình đào tạo Khoa học Tự nhiên tích hợp STEM
Chương trình đào tạo Khoa học Tự nhiên tích hợp STEM (định hướng giảng dạy) trang bị cho sinh viên nền tảng vững chắc về khoa học tự nhiên, hóa học, cùng với các phương pháp giáo dục STEM hiện đại. Đồng thời, sinh viên được bổ sung kiến thức về tin học, ngoại ngữ, khoa học xã hội và nhân văn để nâng cao năng lực giảng dạy.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đáp ứng chuẩn kiến thức và kỹ năng để giảng dạy Khoa học Tự nhiên, Hóa học theo mô hình STEM, đồng thời có thể tổ chức các hoạt động STEM một cách linh hoạt, sáng tạo. Chương trình đào tạo giúp người học bắt kịp xu hướng đổi mới giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển của các cơ sở giáo dục trong thời đại mới.
Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Người học có nhiều cơ hội làm việc và học tập tại nhiều lĩnh vực khác nhau:
- Dạy học môn Khoa học tự nhiên, Hóa học ở trường phổ thông cũng như các môn học liên quan ở các bậc học cao hơn.
- Xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục STEM ở trường trung học cơ sở và trung tâm giáo dục STEM.
- Tiếp tục học tập và nghiên cứu ở trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ trong và ngoài nước.
- Làm việc tại các sở, ban ngành về các lĩnh vực thuộc Khoa học tự nhiên như Sở Khoa học Công nghệ, Sở nông nghiệp và Môi trường, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, …
- Làm việc tại các công ty, nhà máy về các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực Hóa học, Sinh học, Vật lý.
- Kinh doanh: Tham gia hoặc thành lập các công ty về các lĩnh vực liên quan đến Khoa học Tự nhiên, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Môi trường, Công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực STEM.
4.2. Chương trình đào tạo Quản trị truyền thông:
CTĐT Quản trị truyền thông được thiết kế gồm 126 tín chỉ, thời gian đào tạo được rút ngắn 3 năm rưỡi, hướng tới đào tạo người học toàn diện cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực chủ động, sáng tạo của người học, tích hợp phát triển kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể đảm nhận công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong tương lai, cũng như cơ hội học tập nâng cao trình độ.
Chương trình đào tạo Quản trị truyền thông được xây dựng theo hướng mở, với 2 chuyên ngành là quản trị sự kiện và báo chí – truyền thông số, hướng tới mục tiêu chung là đào tạo nhân lực chất lượng cao được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành một chuyên gia truyền thông của các doanh nghiệp/công ty truyền thông, có khả năng tác nghiệp trong môi trường báo chí truyền thông hiện đại; sinh viên có thể trở thành phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình, báo mạng điện tử.
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Báo chí, chuyên ngành Quản trị truyền thông có năng lực đảm nhận các vị trí sau:
(1) Báo chí và truyền thông đa phương tiện: Phóng viên, Biên tập viên, Chuyên viên sản xuất nội dung đa phương tiện.
(2) Quản trị sự kiện và quan hệ công chúng: Chuyên viên tổ chức sự kiện, Chuyên viên quan hệ công chúng (PR), Chuyên viên gây quỹ.
(3) Marketing và truyền thông thương hiệu: Chuyên viên marketing số, Chuyên viên quản trị thương hiệu, Chuyên viên nội dung sáng tạo.
(4) Nghiên cứu và giảng dạy: Giảng viên chuyên ngành báo chí – truyền thông, Chuyên gia đào tạo kỹ năng truyền thông.
(5) Khởi nghiệp và kinh doanh truyền thông: Nhà sáng lập công ty truyền thông, Quản lý dự án truyền thông.
4.3. Chương trình đào tạo Chăm sóc sắc đẹp từ dược liệu
Chương trình đào tạo Chăm sóc sắc đẹp từ dược liệu nhằm trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về hóa dược và dược liệu học, làm cơ sở cho việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên. Trong đó, tập trung các kỹ năng về các phương pháp chiết xuất, bào chế và đánh giá chất lượng mỹ phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế (GMP, ISO, ASEAN Cosmetic Directive).
Chương trình cũng chú trọng trang bị kỹ năng thực hành chăm sóc sắc đẹp, quản lý và vận hành spa, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong khoa học dược liệu và lĩnh vực thẩm mỹ. Ngoài ra, sinh viên còn được phát triển các năng lực khởi nghiệp, marketing và quản trị thương hiệu mỹ phẩm nhằm thích ứng với xu hướng đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp làm đẹp.
Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp:
Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm
Chuyên viên R&D (Nghiên cứu và Phát triển) tại các công ty dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm chuyên chiết xuất dược liệu, phân tích hoạt chất.
Nghiên cứu viên tại viện dược liệu, trung tâm nghiên cứu mỹ phẩm tự nhiên.
Sản xuất và Quản lý chất lượng
Chuyên viên công nghệ bào chế mỹ phẩm tại nhà máy sản xuất dược mỹ phẩm.
Chuyên viên kiểm nghiệm (QC/QA) đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn GMP, ISO.
Quản lý sản xuất dây chuyền mỹ phẩm từ dược liệu.
Tư vấn và Chăm sóc sắc đẹp
Chuyên gia tư vấn mỹ phẩm tự nhiên tại spa, clinic, trung tâm làm đẹp.
Chuyên viên đào tạo cho các thương hiệu mỹ phẩm về sản phẩm chiết xuất thảo dược.
Cố vấn khoa học cho các dự án khởi nghiệp về mỹ phẩm xanh.
Giảng dạy và Đào tạo
Giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành Hóa dược, Công nghệ mỹ phẩm.
Chuyên gia đào tạo ngắn hạn về chăm sóc da bằng dược liệu.
Kinh doanh và Khởi nghiệp
Nhà sáng lập/đồng sáng lập thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên.
Chuyên viên marketing cho sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ dược liệu.
Quản lý kinh doanh tại các công ty phân phối mỹ phẩm hữu cơ.
(TNUS MEDIA)