Nhật ký thủ thư
Khoa KHCB: Thật không đúng nếu nói rằng tất cả mọi người đều có ước mơ và sẽ luôn quyết tâm theo đuổi để đạt được ước mơ.Cũng giống như Nhi, cô nuôi ước mơ trở thành một cô giáo từ nhỏ nhưng “cơ duyên” lại dẫn lối cô trở thành một thủ thư. Hãy cùng lật mở vài trang nhật ký mà Nhi chia sẻ để biết cô đã vào nghề như thế nào với “cơ duyên” đó nhé!
Hà Tĩnh, ngày 10 tháng 2 năm 2019
Hôm nay là chủ nhật - mưa phùn bay bay. Tôi tỉnh dậy và hoàn thành mọi thủ tục cá nhân buổi sáng nhưng rồi lại cuộn mình trong chăn lướt Facebook như một con mèo lười. Những kỉ niệm chợt ùa về - kỉ niệm của tám năm trước. Tôi thích thú nhấn vào dòng thông báo trên Facebook, nhìn lại hình ảnh của mình và các bạn tám năm về trước - cái thời ngô nghê, dại khờ khi mới bước chân vào cánh cổng đại học. Ngày ấy, tôi như con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn trời rộng muốn bay nhưng đôi cánh còn ngập ngừng e sợ. Khi đó tôi là một cô sinh viên ngoại tỉnh xa nhà - có lẽ tôi là đứa xa nhất trong đám bạn cùng lớp. Từ mảnh đất quê hương Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt, tôi một mình đến một nơi xa xôi với bao nhiêu bỡ ngỡ đầu đời. Đó là nơi tôi gắn bó bốn năm đại học - ngôi trường thân yêu Đại học Khoa học Thái Nguyên.
Còn nhớ như in, mơ ước ngày bé của tôi là sau này sẽ trở thành cô giáo. Lớn hơn một chút, khi đã là học sinh cấp ba, ước mơ làm cô giáo của tôi lại càng mãnh liệt hơn. Nhưng lúc đó, khi mà sinh viên Sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan, bố mẹ tôi đã hướng cho tôi theo học một nghề khác – nghề cũng được học sinh gọi là “cô” và cũng làm việc tại trường học - đó là ngành Thư viện - Thiết bị trường học - ngành mà tôi đã từng học và hiện tôi đang làm thủ thư tại Thư viện trường THPT Đồng Lộc, Hà Tĩnh.
Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thư viện - Thiết bị trường học đạt loại khá nhưng ra trường với tâm trạng ủ dột, mông lung y như hồi bắt đầu nhập học. Hồi ấy, bạn bè và người thân của tôi thường hỏi thăm tôi học ngành gì? Tôi gượng gạo lắm khi nói ra tên ngành mình học. Phần lớn mọi người chẳng ấn tượng gì mấy và vì thế mà tôi thường tìm cách “đánh lảng” sang chuyện khác. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi không cảm thấy hãnh diện, thậm chí còn có đôi chút thiếu tự tin khi chọn ngành này.
Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 02 năm 2019
Bẵng đi vài ngày, câu chuyện về ước mơ và cơ duyên nghề nghiệp lại trở lại trong tâm trí tôi. Thời gian cứ thế trôi đi. Tôi quen dần với Trường mới, lớp mới. Lớp đại học của tôi rất ít người nên chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã quen thân nhau. Được các thầy cô trong Trường quan tâm nên chúng tôi đều cảm thấy gần gũi, tự tin, nhanh chóng hòa nhập. Tôi cũng không biết từ khi nào mà tôi thay đổi nhận thức: ngành Thư viện là ngành học mới – ngành học rất cần cho xã hội nên cơ hội việc làm khi ra trường khá rộng mở. Thế đấy, tự lúc nào tôi đã yêu thích chính ngành học của mình.
Ra trường, tôi làm mấy bộ hồ sơ xin việc và tự tin gửi đến các trường tiểu học, THCS, THPT gần nhà. Rất nhanh sau đó, tôi được nhận vào làm tại trường Tiểu học Gia Hanh - Can Lộc - Hà Tĩnh. Tôi rất vui vì sớm xin được việc và đặc biệt là được làm đúng ngành mình học, được những đứa trẻ ngoan ngoãn đáng yêu gọi mình là “cô”. Lúc đó thật sự tôi rất vui và cũng không bận lòng quá nhiều đến tiền lương . Được làm đúng nghề mình yêu thích đã là hạnh phúc rồi. Làm việc ở đây cùng với những học trò nhỏ thú vị lắm. Mỗi ngày đi làm tôi luôn tràn đầy năng lượng. Cứ mỗi buổi chiều tan trường, tôi thường cùng các thầy cô trong trường chơi bóng chuyền rất vui vẻ. Tôi không bao giờ quên được kỉ niệm bị lệch khớp ngón tay khi chơi bóng chuyền. Sở dĩ tôi gọi đó là kỉ niệm vì giờ đây tôi đã không còn làm việc ở đó nữa. Tôi đã được nhận lên làm ở thư viện trường THPT Đồng Lộc - Hà Tĩnh.
Nhi ở trường Đồng Lộc – Hà Tĩnh
Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 03 năm 2019
Trường mới không đâu khác lại chính là nơi tôi đã từng gắn bó ba năm cấp ba và là nơi mà tôi mơ ước được quay trở về làm việc. Nơi đây tôi đã từng được các thầy cô dạy dỗ nên tất cả đều trở nên quen thuộc và gần gũi. Những lời chào, những lời hỏi thăm thân thiện hằng ngày giúp tôi luôn tự tin và vui vẻ trong công việc của mình. Còn gì thú vị hơn khi được trở về nơi mình đã từng gắn bó với biết bao kỉ niệm nhưng lại với một vai trò, vị trí mới và quan trọng hơn là được làm công việc mà mình yêu thích.
Nhìn kho sách ngổn ngang, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để sắp xếp chúng được gọn gàng, ngăn nắp hơn. Tôi đã chăm chỉ lau dọn và sắp xếp khoa học hợp lí như đúng tinh thần của một thủ thư mà tôi đã được đào tạo. Sau mấy ngày vất vả, tôi hài lòng với chính bản thân khi kho sách đã trở thành một không gian không chỉ “đẹp mắt” mà còn khiến cho giáo viên và học sinh trong Trường có thể tìm kiếm tài liệu dễ dàng hơn.
Kho sách khi chưa được sắp xếp
Giá sách sau khi được sắp xếp lại ngay ngắn
Hà Tĩnh, ngày 06, tháng 04, năm 2019
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Vậy là đã kết thúc một học kỳ. Nhìn lại chặng đường đã trải qua, tôi cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại và muốn tiếp tục lâu dài. Đến thời điểm này, khi tôi đang ngồi viết những dòng tự sự này, thì đã có biết bao thay đổi. Tôi bây giờ không còn là cô gái mơ mộng viển vông như trước đây nữa. Tôi đã lập gia đình và đang từng ngày cảm nhận sự lớn lên của một thiên thần nhỏ trong mình. Cuộc sống của tôi đã sang một trang mới. Trong cuộc đời của mỗi con người sẽ có vô vàn những ngã rẽ mà bản thân chúng ta phải đối diện, lựa chọn đường đi cho riêng mình. Tôi biết, cuộc sống của tôi còn nhiều khó khăn và thách thức lắm nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc mà mình yêu thích – được đón nhận sự quan tâm, chia sẻ của các thầy cô, bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt nhất là các em học sinh. Chỉ cần thấy chúng ào ào xuống thư viện đọc sách mỗi giờ giải lao hay trò chuyện tíu tít khi chúng rảnh rỗi là mọi mệt mỏi trong tôi tan biến. Đó là lí do khiến tôi thấy mình may mắn khi học ngành Thư viện – Thiết bị trường học – ngành học đã giúp tôi có được một công việc có nhiều niềm vui và thật ý nghĩa.
Các thầy cô kính mến! Qua dòng nhật ký này, em thực sự muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy giáo, cô giáo trong ngôi nhà Khoa học cơ bản đã đào tạo nên những thư viện viên yêu nghề nhiệt huyết (giống như em). Em cũng xin kính chúc các thầy cô có thật nhiều sức khỏe để dạy dỗ các thế hệ sinh viên tương lai. Cảm ơn mái trường Đại học Khoa học Thái Nguyên thân yêu!
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Nhi,
Cựu sinh viên Thư viện - TBTH K9, Đại học Khoa học Thái Nguyên