Kỹ thuật Xét nghiệm Y Sinh – chương trình trọng điểm đào tạo song bằng đầu tiên của hai trường đại học thuộc Đại học Vùng

Ngày: 13/08/2024

Theo khảo sát của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), mỗi năm các ngành Y tế, Khoa học và Công nghệ ứng dụng cần gần 1.000 nhân lực làm công việc xét nghiệm Y, Sinh. Đặc biệt khối ngành Y tế chuyên sâu và công nghệ Sinh học trong sản xuất nông, lâm nghiệp luôn cần có bộ phận chuyên môn thực hiện công tác xét nghiệm. Nắm bắt xu hướng này, Đại học Khoa học và Đại học Y - Dược Thái Nguyên đã bắt tay vào đào tạo nhân lực theo hướng tích hợp song bằng cử nhân, bước đầu đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ảnh 1: Sinh viên được thực hành tại các phòng thí nghiệm hiện đại của Đại học Thái Nguyên


Khảo sát của Đại học Khoa học và Đại học Y - Dược hàng năm đánh giá về xu thế hiện nay trên thế giới, phần lớn các xét nghiệm được triển khai tại các đơn vị độc lập là các phòng phân tích Y - Sinh (hay trung tâm phân tích Y - Sinh). Các đơn vị này thực hiện các xét nghiệm khác nhau về Y học và Sinh học, sau đó trả lại kết quả cho bác sĩ để làm cơ sở ra các quyết định tiếp theo trong điều trị. Các phòng xét nghiệm Y - Sinh tại các quốc gia phát triển có khả năng đảm nhận được xét nghiệm từ cơ bản cho tới những phân tích phức tạp liên quan tới gene, protein và tế bào. Ở Việt Nam, hiện nay nhiều cơ sở y tế đã và đang được đầu tư công nghệ cao vào  sàng lọc, chẩn đoán, hỗ trợ sinh sản, tế bào gốc,... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển hiệu quả mô hình phòng thí nghiệm phân tích y sinh phục vụ việc xét nghiệm cơ bản cho tới các phân tích chuyên sâu như: Phân tích các bệnh di truyền, sàng lọc trước sinh, sàng lọc, chẩn đoán tiền làm tổ (PGS/PGD), sàng lọc không xâm lấn (NIPT)…

Trước nhu cầu thực tế của xã hội và tạo việc làm qua đào tạo, ĐHTN đã xác định đây là một trong những chương trình đào tạo trọng điểm của đại học vùng và đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống thiết bị thí nghiệm, phòng xét nghiệm hiện đại. Đồng thời chuyển hướng đào tạo ngành Công nghệ Sinh học truyền thống sang đào tạo Kỹ thuật xét nghiệm Y-Sinh và giao hai trường đại học trực thuộc là Trường Đại học Khoa học và Trường đại học Y- Dược thực hiện nhiệm vụ đào tạo tích hợp hai bằng đại học trong một chương trình đào tạo. Kỹ thuật xét nghiệm Y-Sinh là chương trình đào tạo mang tính liên ngành giữa xét nghiệm Y học và Công nghệ Sinh học. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đã có đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học trình độ cao, trong đó có 6 phó giáo sư, 26 tiến sĩ có nhiều công trình nghiên cứu quốc tế về lĩnh vực Y- Sinh. Đặc biệt, hoạt động đào tạo đã nhận được sự tham gia trực tiếp của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bao gồm: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh Viện A Thái Nguyên. Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội nhận được 2 bằng đại học: Bằng Cử nhân Công nghệ Sinh học với chương trình đào tạo Kỹ thuật xét nghiệm Y- Sinh (do Trường Đại học Khoa học cấp) và bằng Cử nhân Xét nghiệm Y học (do Trường Đại học Y - Dược cấp).

Ảnh 2: Sinh viên trong giờ học Dịch tễ học tại Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên

Ưu điểm của chương trình là được thiết kế gồm các học phần liên thông giữa chương trình đào tạo Kỹ thuật xét nghiệm Y - Sinh của Trường Đại học Khoa học và chương trình đào tạo Cử nhân xét nghiệm Y học của trường Đại học Y - Dược để các sinh viên có thể học song bằng ngay sau khi học hết năm thứ 2 (hết học kì thứ 4 toàn khóa). Ngoài các tín chỉ của chương trình đào tạo kỹ thuật xét nghiệm Y - Sinh, sinh viên chỉ cần học thêm 50 tín chỉ là có thể hoàn thành chương trình và được cấp bằng thứ 2 là Cử nhân xét nghiệm Y học. 

Riêng đối với Trường Đại học Khoa học, với đặc thù đào tạo khoa học cơ bản gắn với các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyên sâu, nên ĐHTN đã đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng phòng thí nghiệm, các thiết bị xét nghiệm… để phục vụ theo hướng đào tạo này. Các thiết bị trong phòng thí nghiệm được lắp đặt theo quy chuẩn về an toàn sinh học. Toàn bộ các trang thiết bị có tính đồng bộ cao và đều được cung cấp bởi các hãng sản xuất hàng đầu thế giới, như: Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đan Mạch, Italia. Các thiết bị này phục vụ cho việc thực hành xét nghiệm như: Định tính, định lượng virus viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus HIV, virus sởi, virus cúm, virus viêm màng não, vi khuẩn lao, các vi khuẩn lao mang đột biến kháng thuốc, HIV kháng thuốc, virus viêm gan B kháng thuốc. Phát hiện các marker ung thư sớm như: Ung thư vòm họng, ung thư vú, ung thư phổi. Đồng thời, cho phép người học được thực hành, nghiên cứu nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác nhau về tế bào như: Xác định marker HLA B27 của bệnh viêm cột sống dính khớp; đếm tế bào gốc tạo máu CD34; đếm tế bào CD3/CD4/CD8 trong đáp ứng miễn dịch ghép tạng; phân loại các thể ung thư máu; xác định các dạng trisomy 21, trisomy 18, Trisomy 13 và hàng chục xét nghiệm tế bào khác.

Năm 2024, khoá sinh viên đầu tiên theo học chương trình đào tạo tích hợp này đã tốt nghiệp và 100% đều có vị trí việc làm phù hợp, trong đó hầu hết tham gia làm việc trong lĩnh vực chăn sóc sức khoẻ và nghiên cứu sâu phục vụ xét nghiệm Y - Dược. Đây là những khởi đầu tốt đẹp trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao của ngành học này tại trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.

 Việt Nam có khoảng trên 1.450 bệnh viện từ tuyến huyện cho tới tuyến Trung ương và khoảng 1.100 trung tâm - trạm y tế. Bên cạnh đó, khối tư nhân có gần 250 bệnh viện với chừng 32.000 phòng khám, phòng xét nghiệm tư nhân. Hầu hết  các bệnh viện, cơ sở y tế đều có các bộ phận chuyên môn thực hiện công tác xét nghiệm.

Một số hình ảnh: 

Sinh viên thực hành nuôi cấy và phân tích tế bào ung thư tại Phòng thí nghiệm – Trường Đại học Khoa học  

Sinh viên thực hành xét nghiệm phân mảnh tinh trùng (xét nghiệm chất lượng tinh trùng) trên hệ thống máy đếm dòng chảy tế bào

Sinh viên thực hành HP Huyết học truyền máu tại trường Đại học Y - Dược

Sinh viên đi thực tập tại Bệnh viện

(TNUS MEDIA)