Thư gửi học trò những ngày chống dịch COVID-19

Ngày: 13/04/2020

Thái Nguyên, những ngày cách ly chống dịch, tháng 4/2020

 

“TẠM DỪNG ĐẾN TRƯỜNG NHƯNG KHÔNG DỪNG VIỆC HỌC”, chỉ đạo đó của Bộ GD & ĐT đã được xã hội đồng lòng, phụ huynh ủng hộ, thầy cô quyết tâm, học trò vượt khó. Thầy trò TNUS chúng ta cũng cùng trong sự đồng lòng đó!

Chưa bao giờ, kì nghỉ Tết dài như năm nay! Hết thông báo này đến thông báo khác lùi lịch đón sinh viên trở lại trường. Khi dịch COVID- 19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, tất cả các phương án dạy - học đã được TNUS chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống. Ngay từ đầu tháng 3, công tác tập huấn kĩ năng dạy trực tuyến cho toàn thể cán bộ giảng viên nhà trường đã được thực hiện. Những lo lắng, lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu không phải là không có. Ngày 16/3/2020 - ngày đầu tiên thực hiện giảng dạy trực tuyến, theo thời khóa biểu, đã có 61 lớp học phần với hơn 2000 sinh viên tham gia. Chưa bao giờ, thầy và lãnh đạo nhà trường theo dõi, cập nhật các buổi học hàng ngày với tâm trạng hồi hộp, lo âu như thế. Quả thực, thầy rất khâm phục và cám ơn các thầy cô. Bởi để có một bài giảng phục vụ các em học trực tuyến, các thầy cô đã phải học, hiểu, tiếp cận bằng mọi giá trong thời gian ngắn nhất những kiến thức và kĩ năng về công nghệ ngoài chuyên môn của mình. Những sáng kiến, những kĩ năng tương tác mới đã được áp dụng. Những bài giảng mang hiệu ứng tốt nhất có thể, đã lan tỏa tới các em.

Các thầy cô đã vậy, nhưng điều làm thầy trăn trở nhiều hơn, là các em sinh viên TNUS yêu quý! Từ những hình ảnh các em gửi về cho các thầy cô, thầy biết được nhiều hơn cuộc sống của các em, nhiều điều thú vị, nhưng không ít khó khăn, vất vả. Thầy hiểu các em đã phải cố gắng và nghị lực như thế nào. Để có một buổi học, thầy biết rất nhiều bạn phải lên đồi, đi bộ 5-7 km để tìm chỗ có sóng điện thoại. Nhiều em phải đăng kí mạng 4G theo tuần với giá rất cao, để có thể theo học được. Những trường hợp thầy được biết như: Giàng A Minh - sinh viên ngành Khoa học Quản lý, nhà ở Tủa Chùa- Điện Biên, mỗi buổi học phải đi lên đồi cách nhà 3km, vào lán trâu của bà con để học; Sùng Mí Ly- sinh viên ngành Công tác xã hội, quê Mã Lé - Đồng Văn - Hà Giang, mỗi ngày, khi có giờ học phải đi từ 5h sáng, xuống trung tâm xã, cách nhà 7km, ngồi nhờ nhà dân để học bài; Vàng A So – xã Mường Hung- Sông Mã - Sơn La, sinh viên ngành Luật, phải dựng lán, che bạt tạm giữa đỉnh đồi...Thầy cũng cảm động trước câu chuyện của bạn Lý Văn Đại, sinh viên năm 3 khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, bị bệnh trọng, phải điều trị tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, nhưng không bỏ bất cứ một giờ học nào, khi bật CAM lên, cô giáo và cả lớp thấy em trong bộ quần áo bệnh viện và kim truyền vẫn trên tay…

Dịp này, những lưu học sinh cũng vẫn theo học trực tuyến đầy đủ, dù múi giờ không phải hoàn toàn trùng nhau. Saysavay Vongkhamchan, Khamvanh Vang, ngành Văn học, Thannaphonh Saysuliya, Manisone Demasanay ngành Luật học, Litthideth Vilachith, Divanh Aphone ngành Quản lý tài nguyên và môi trường… luôn có mặt đúng giờ và tương tác với các thầy cô rất tốt. Qua mỗi buổi học, các thầy cô đã dành thời gian để trao đổi, dặn dò các em cách phòng chống dịch bệnh sao cho an toàn nhất.

Đây là một kì học với rất nhiều thử thách với chúng ta. Nhưng chính  thử thách ấy đã làm các em biết kiên trì hơn, linh hoạt hơn, trưởng thành hơn. Trận đại dịch này đã khiến các em tự trang bị cho mình kiến thức và kĩ năng về công nghệ thông tin, kĩ năng quản lý thời gian, biết tự mình vượt qua những áp lực để trưởng thành. Các em biết trân quí tình cảm gia đình, thầy cô, bè bạn, thấy trân trọng hơn từng giây phút của cuộc sống đáng yêu này. Có nhiều bạn, đã tìm cho mình những việc làm ý nghĩa trong những ngày ở nhà phòng chống dịch. Bạn Mùa Thị Chở (Hà Giang) - sinh viên ngành Du lịch, trong những ngày qua đã tham gia tuyên truyền phòng chống dịch cho bà con dân bản và thực hiện một số chương trình thiện nguyện trong địa bàn. Bạn Giàng Ngọc Sơn - Khoa Quản lý Tài nguyên và Môi trường đã có cả bài hát “Đi học thời COVY”, dựa trên nền nhạc bài Đi học để thể hiện tình cảm của mình với thầy cô, những khó khăn mà sinh viên phải vượt qua, cũng như ước muốn được trở về trường.

Bộ GD & ĐT đã công bố chương trình giảm tải cho phổ thông, và cũng khuyến khích các trường Đại học chủ động cho chương trình học của mình. Các thầy cô hãy GIẢM TẢI cho học trò. Đừng lo các em không tự học được. Đại học là tự học mà. Hãy để các em tìm thấy hứng thú, niềm vui trong mỗi giờ học, để tự thân các em muốn được khám phá. Các em sinh viên cũng không quá lo lắng về khối lượng kiến thức. Chúng ta sẽ còn nhiều thời gian và cơ hội để học, và nhiều phương thức để tích lũy kiến thức. Thầy tin rằng, với lòng tự trọng, ham học và yêu ngành của mình, các em sẽ làm được. Hơn nữa, khi trở lại trường, các thầy cô sẽ giúp các em hệ thống lại kiến thức một cách khoa học và hoàn chỉnh nhất.

Các em đã có một kì học đặc biệt với không ít khó khăn. Nhưng các em luôn nhớ: thầy cô, nhà trường, TNUS luôn bên cạnh và đồng hành cùng các em. Có những điều gì cần trao đổi, các em đừng ngại nhé.

Thầy đã nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh và sinh viên. Các em cùng gia đình mình vẫn an toàn, mạnh khỏe, điều đó khiến thầy yên tâm. Cuộc chiến chống dịch Covid- 19 ở giai đoạn này vẫn còn căng thẳng và gay go khó lường. Lúc này, “Ở NHÀ CŨNG LÀ YÊU NƯỚC”. Và chúng ta vẫn phải dạy và học, không thể nào khác. Chúng ta phải chống hai thứ virus: virus Corona và virus Trì trệ. Nếu ai đó ỷ vào cách ly chống dịch rồi lơ là việc học cũng đồng nghĩa là sẽ bỏ qua cơ hội vàng để tích lũy kiến thức, để hoàn thành các kì học của mình một cách tốt nhất. Để không ai ở lại phía sau, các em khắc phục khó khăn, để mỗi buổi lên lớp, dù trong hoàn cảnh nào cũng là buổi học ý nghĩa nhé.

Thân ái gửi tới các em lời chúc các em và gia đình an toàn, mạnh khỏe. Hẹn các em một ngày gần nhất, dịch tan, TNUS lại được đón các em!

Thầy giáo: NGUYỄN VĂN ĐĂNG

 Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học