Học văn học ra làm gì?

Ngày: 06/07/2019

“Học văn học ra làm gì” đã và đang là một câu hỏi đặt ra đối với không ít các bạn học sinh có năng khiếu văn chương. Việc chọn ngành học không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu xã hội mà còn phụ thuộc vào năng lực, đam mê, sở thích của mỗi cá nhân. Trong thực tế, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học đang ngày càng rộng mở hơn. Có thể nói, bất cứ ngành nghề gì cần đến kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thì ngành nghề ấy đều trở thành “đất dụng võ” cho “dân văn”.

Trường Đại học Khoa học – cơ sở đào tạo cử nhân, thạc sĩ ngành Văn học

1. Trong lĩnh vực giảng dạy

Học văn học ra trường làm giáo viên, giảng viên đã trở thành “con đường mòn” đối với những sinh viên ngành Văn học. Nếu bạn học giỏi văn và có ước mơ trở thành giáo viên, giảng viên thì học văn học ở một trường đại học sẽ là lựa chọn đúng đắn để bạn có được một vị trí công việc vừa giúp phát triển năng lực bản thân, vừa phù hợp với đam mê, sở thích của bạn.

Tập thể giảng viên Khoa Văn – Xã hội Trường Đại học Khoa học

2.  Trong lĩnh vực báo chí, truyền hình, thông tin đại chúng

Bạn nghĩ rằng phải học báo chí mới có thể trở thành nhà báo? Thực tế lại không như vậy. Rất nhiều bạn học văn học sau khi ra trường lại có những vị trí việc làm phù hợp tại các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình như: phóng viên, biên tập viên, quản trị nội dung website, viết tin bài cho các cơ quan thông tấn báo chí, xây dựng kịch bản truyền hình, làm phóng sự truyền hình, viết nội dung phim tài liệu hay dẫn chương trình…

Một trong những ưu thế nổi bật của cử nhân văn chương khi làm báo là: việc học tập chuyên sâu về văn chương sẽ cung cấp cho bạn một năng lực ngôn ngữ tốt cùng với đó là kĩ năng viết, khả năng phân tích và một phông nền văn hóa nghệ thuật sâu rộng. Điều này sẽ là nền tảng quan trọng nếu bạn thực sự muốn tìm kiếm một công việc trong lĩnh vực báo chí, truyền hình, thông tin đại chúng.

 

Cựu sinh viên Nguyễn Thị Bích Hồng – Cử nhân Văn học Trường Đại học Khoa học – Phóng viên, Biên tập viên Báo Văn nghệ Thái Nguyên

 Nguyễn Thị Bích Hồng nhận giải B Cuộc thi báo chí "Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống" năm 2017.

3. Trong lĩnh vực xuất bản

Không ít cử nhân Văn học sau khi tốt nghiệp đã trở thành những biên tập viên, chuyên viên truyền thông tại các nhà xuất bản và các công ty phát hành sách. Các nhà xuất bản vẫn thường xuyên tuyển dụng biên tập viên, chuyên viên truyền thông mà ứng cử viên sáng giá đối với những vị trí việc làm này là cử nhân Văn học. “Tiêu chuẩn vàng” đối với các ứng viên ứng tuyển vị trí biên tập viên, chuyên viên truyền thông là:  khả năng đọc hiểu, cảm nhận, đánh giá về sách; khả năng thẩm định bảo thảo và thực hiện xử lý bản thảo, hiệu đính sách; kĩ năng viết và biên tập văn bản tốt... Bởi vậy, nếu bạn giỏi văn chương và đam mê đọc sách thì việc học văn học và ra làm biên tập viên, chuyên viên truyền thông tại các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách thực sự là lựa chọn lý tưởng.

Một lời khuyên dành cho các bạn muốn trở thành biên tập viên, chuyên viên truyền thông: cần rèn luyện các kỹ năng quan trọng như đọc thẩm định, đọc morasse, đọc đính chính, viết review…. Hãy tham gia các buổi offline và các câu lạc bộ sách để nuôi dưỡng niềm đam mê, tích lũy tri thức, kinh  nghiệm, vốn sống, mở rộng vốn ngôn ngữ, bồi đắp khả năng hành văn. Bạn cũng nên đăng ký thực tập tại các nhà xuất bản, các công ty sách để phát triển kĩ năng biên tập, viết truyền thông trong những môi trường làm việc chuyên nghiệp. Bạn cũng đừng ngần ngại khi làm cộng tác viên viết review cho bất cứ một nhà xuất bản hay một công ty sách nào. Đừng bỏ qua những cuộc thi viết review để thử sức mình và tìm kiếm cơ hội giành về những phần thưởng cho người yêu sách. Đây đều là những “cơ hội rèn nghề” tốt giúp bạn không chỉ có thêm thu nhập mà còn trau dồi kĩ năng, chuẩn bị nền tảng cần thiết cho những vị trí công việc phù hợp khi ra trường.

Chị Phùng Hà – Cử nhân Văn học Trường Đại học KHXH&NV - Chuyên viên truyền thông tại NXB Kim Đồng

“Hãy tranh thủ thời gian và đọc thật nhiều sách – nhiều nhất có thể. Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều loại sách bạn có thể đọc. Sách sẽ làm giàu vốn sống và kinh nghiệm, khiến tâm hồn bạn trở nên phong phú, rộng mở. Đọc sách không chỉ là hành trang cho công việc mà còn làm cho cuộc sống dài rộng hơn” (Chị Phùng Hà, chuyên viên truyền thông NXB Kim Đồng chia sẻ).

4. Sáng tác văn học nghệ thuật

Bạn yêu văn chương và có thiên hướng sáng tạo? Bạn muốn được làm việc trong một môi trường tự do và độc lập? Học văn học có thể trang bị cho bạn những kiến thức và kĩ năng cần thiết để sáng tác văn học, sáng tác ca từ âm nhạc hay trở thành nhà biên kịch, người viết kịch bản cho phim hay kịch bản cho các chương trình phát thanh, truyền hình… Hiện nay, các đài truyền hình, các hãng sản xuất phim truyền hình, các hãng điện ảnh cũng như các công ty truyền thông, quảng cáo đều rất cần những người làm biên kịch tài năng.

Dương Nguyên Bảo – sinh viên ngành Văn học Trường Đại học Khoa học với những tác phẩm đầu tay

5. Nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật

Học văn viết nghiên cứu, phê bình văn học? Điều ấy đúng, nhưng chưa đủ. Học văn học, bạn không chỉ được học những kiến thức chuyên sâu về văn học mà còn được trang bị những kiến thức ngôn ngữ, văn hóa, dân tộc học, nghệ thuật học…. Đó là những nền tảng quan trọng để bạn có thể viết trở thành chuyên viên, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình về những lĩnh vực đa dạng của đời sống văn hóa nghệ thuật tại các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường Đại học.

6. Quản lý văn hóa

Một trong những yêu cầu đối với những người làm việc tại các cơ quan quản lý văn hóa đó là có kiến thức liên quan đến chính sách văn học, văn hóa, chính sách dân tộc, phát triển văn hoá xã hội… Việc học văn học sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng trên, giúp sinh viên khi ra trường có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về ngôn ngữ, bảo tồn văn hoá, bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc…

Trong bối cảnh hiện nay, với xu hướng đào tạo ngành văn học gắn liền với nhu cầu thực tiễn của xã hội, Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học Trường Đại học Khoa học đã chuyển hướng mạnh mẽ chương trình đào tạo ngành Văn học theo hướng ứng dụng trong đó đặc biệt chú ý đến việc thiết kế lồng ghép các học phần rèn luyện kĩ năng thực hành nghề cho sinh viên. Sinh viên học ngành Văn học được chủ động lựa chọn các cơ quan thông tấn báo chí, nhà xuất bản, công ty phát hành sách, đài phát thanh, truyền hình…. để thực tế, thực tập nhằm rèn luyện và thực hành những kĩ năng cần thiết, phục vụ cho định hướng nghề nghiệp sau này.

Chùm ảnh đào tạo cử nhân Văn học gắn liền với nhu cầu thực tiễn của Trường Đại học Khoa học

Hội nghị Văn học ứng dụng tại Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học

Lễ trao Thẻ Hội viên Hội Nhà báo Tỉnh Thái Nguyên cho các giảng viên khoa Báo chí Truyền thông và Văn học

Giảng viên và sinh viên Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học đi điền dã tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực Trung du miền núi phía Bắc

Hoạt động ngoại khóa văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học

Chương trình ngoại khóa Tết Việt của Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học

Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn – một tấm lòng” của Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học

Sân khấu hóa trích đoạn Thúy Kiều báo ân, báo oán trong Chương trình Khúc vui xin được so dây cùng người tại Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du

Giảng viên Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học vở kịch “Tinh thần thể dục” (lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của tác giả Nguyễn Công Hoan)

Vũ Hạnh