Khoa Luật

Tôn chỉ và mục đích: đào tạo ra những cử nhân Luật có chất lượng cao cho lĩnh vực khoa học pháp lý và có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực Luật học; có phẩm chất chính trị tốt, có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nêu cao tinh thần và trách nhiệm phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có năng lực chuyên môn vững vàng và khả năng hội nhập, khởi nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Quy mô và loại hình đào tạo: Trong quá trình xây dựng và phát triển, Khoa đã từng bước trưởng thành và phát triển vững mạnh. Từ ngày đầu được giao đào tạo chuyên ngành Luật học (tháng 01 năm 2012 đến tháng 9/2019) trải qua 7 năm quy mô đào tạo của Khoa từ 125 (khóa 01) chính quy đến nay (khóa 07) đã và đang duy trì quy mô trên 1700 sinh viên, học viên các hệ đào tạo. Từ đó đến nay, phương thức đào tạo ngày càng được mở rộng về quy mô và số lượng. Hiện Khoa đang thực hiện tất cả các loại hình đào tạo, các hệ đào tạo như sau: Đào tạo chính quy; đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo văn bằng hai; đào tạo liên thông từ trung cấp Luật lên cử nhân Luật; đào tạo liên thông từ cao đẳng pháp lý lên cử nhân luật. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo Thạc sĩ cũng đã được xây dựng và đưa vào thí điểm tổ chức dạy học.

Các chuyên ngành đào tạo: Để không ngừng nâng cao đào tạo kiến thức pháp luật chyên ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ nhu cầu giải quyết việc làm, Nhà trường chỉ đạo Khoa đẩy mạnh thiết kế mới các chuyên ngành chuyên sâu phục vụ đào tạo, sau khi học hết học kỳ 6 thì chia thành 4 hướng chuyên ngành, cụ thể:

   - Hướng 1: Luật hiến pháp – hành chính

   - Hướng 2: Luật dân sự - tố tụng dân sự

   - Hướng 3: Luật hình sự - tố tụng hình sự

   - Hướng 4: Luật kinh tế - quốc tế

   Các hướng chuyên này giúp cho sinh viên hình thành kỹ năng nghề nghiệp để sinh viên có thể thích ứng công việc tương lai sau khi tốt nghiệp. Điểm đầu vào của sinh viên Luật trong nhiều năm gần đây thuộc nhóm cao nhất trường.

Ngoài ra Khoa còn tập trung xây dựng Chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: Chương trình đào tạo cử nhân Luật chất lượng cao: Dịch vụ pháp luật.

Định hướng phương thức đào tạo: Hướng đi chủ yếu của ngành Luật tại Đại học Khoa học là gắn kết mạnh mẽ giữa lý thuyết và thực hành; giảm tối đa hóa lý thuyết, lý luận và tập trung đào tạo vào kỹ năng nghề, kỹ năng giải quyết tình huống pháp lý phổ thông và chuyên sâu. Để hoàn thành khóa học mỗi sinh viên ngành Luật phải trải qua 03 lần thực tế thực tập (bằng 07 tín chỉ) tại các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp và tổ chức hành nghề Luật. Hàng trăm cơ quan Uỷ ban nhân dâncấp xã, hàng trăm cơ quan Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp huyện – tỉnh trên địa bàn các tỉnh miền Bắc, công ty tư vấn, công ty luật, văn phòng luật sư… là những địa chỉ tin cậy mà Khoa Luật gửi sinh viên, học viên thực hành và thực tập.

Quá trình học tập tại trường sinh viên được thực hành các học phần khoa học điều tra hình sự với hồ sơ và thực hành vụ án; thực hành xét xử vụ án hình sự, vụ án dân sự tại Phòng thực hành xét xử; thực hành hòa giải, thương lượng, tư vấn pháp luật theo các chuyên đề do giảng viên hướng dẫn.

Ngoài ra Khoa còn liên kết với nhiều nhà khoa học, chuyên gia thực tiễn tại các Văn phòng Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, lãnh đạo công ty, doanh nghiệp…để thường xuyên tổ chức tọa đàm, định hướng nghề nghiệp với người học.

Kết quả bước đầu: Người học ra trường bằng kiến thức chuyên môn đã góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, nhiều cán bộ trưởng thành được cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại cấp sở, ngành, lãnh đạo Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh trên phạm vi cả nước; đối với người học là sinh viên chính quy tỷ lệ giải quyết việc làm đúng nghề luật sau 02 năm ra trường chiếm trên 60% số người tốt nghiệp; nhiều cựu sinh viên đã trở thành các cán bộ có triển vọng trong các ngành bảo vệ pháp luật như: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án, nội chính…

Với sự phấn đấu vượt bậc của Khoa, ngày 30 tháng 9 năm 2019, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1745/QĐ-ĐHTN phê duyệt Đề án kiện toàn Khoa Luật thuộc Trường Đại học Khoa học. Thực hiện chủ trương trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học đã ra Quyết định số 879/QĐ-ĐHKH ngày 01 tháng 10 năm 2019 về việc kiện toàn và đổi tên Khoa Luật và Quản lý xã hội thành Khoa Luật thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Hiện này, Khoa Luật có đội ngũ giảng viên bao gồm 19 người trong đó có 04 Tiến sĩ, 05 thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh, 09 Thạc sĩ. Bên cạnh đó còn có các giảng viên kiêm nhiệm, các cộng tác viên công tác tại các cơ quan nghiên cứu và thực thi pháp luật. Tất cả cán bộ, giảng viên của Khoa đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; năng lực, phẩm chất tốt; nhiệt tình, năng động, thường xuyên tiếp cận những tri thức hiện đại, cùng phương pháp giảng dạy mới để đáp ứng đúng và kịp thời yêu cầu cải cách giáo dục.

Bộ máy lãnh đạo

  1. TS. Nguyễn Thị Hoàng Lan - Trưởng khoa
  2. TS. Ma Thị Thanh Hiếu - Phó Trưởng khoa
  3. TS. Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Trưởng khoa

Địa chỉ: : Phòng 302 Nhà Hiệu bộ, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên.

Điện thoại liên hệ: 02083904311

Email: khoaluat.dhkhtn@gmail.com

Website: http://law.tnus.edu.vn/

Fangape: https://www.facebook.com/law.tnus.edu/